Chứng khoán và những cuộc sụp đổ không báo trước

LÊ PHAN| 20/10/2018 06:00

Thị trường chứng khoán (TTCK) đôi khi bị sụp đổ một cách bất ngờ, một số đến từ những thông tin không quá mới mẻ và một số cho đến nay vẫn là điều bí ẩn. Với đợt sụt giảm mạnh trong tuần qua, nhiều ý kiến cảnh báo về một đợt sụp đổ kế tiếp của TTCK.

Chứng khoán và những cuộc sụp đổ không báo trước

Những cảnh báo liên tiếp

Năm 1987, TTCK Mỹ sụp đổ đánh dấu bằng sự kiện ngày "Thứ hai đen" (19/10/1987) khi chỉ số Dow Jones sụt đến 22,6% và sau đó ảnh hưởng khắp thế giới. Đến cuối tháng 10 năm đó, TTCK Hồng Kông rớt 45,8%, Tây Ban Nha 31%, Anh 26,4%, Canada 22,5%.

Trong hai ngày 10 và 11/10 tuần qua, chỉ số Dow Jones đã mất gần 1.400 điểm, kéo theo các TTCK toàn cầu giảm mạnh ngay sau đó. Ngày 5/2/2018, chỉ số Dow Jones cũng đã giảm đến 1.175 điểm, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất xét về điểm số tuyệt đối trong lịch sử của chỉ số này.

Trước diễn biến trên, một số nhà kinh tế học lẫn các nhà đầu tư nổi tiếng bắt đầu cảnh báo về sự sụp đổ của TTCK. Đơn cử như cựu giám đốc ngân sách Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Reagan là David Stockman gần đây đã cảnh báo các nhà đầu tư khi ông tuyên bố sự suy thoái kinh tế toàn cầu sắp xảy ra.

Scott Minerd - chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư toàn cầu của hãng tư vấn đầu tư và tài chính Guggenheim Partners cũng lên tiếng: "Các TTCK có khả năng xảy ra vụ "va chạm mạnh" khi đạt đến đỉnh điểm và mức điều chỉnh giảm có lẽ đến 40% trong thị trường cổ phiếu".

Paul Tudor Jones, chuyên gia quản lý quỹ đầu tư nổi tiếng và sáng lập Tập đoàn Tudor, cũng là người dự báo chính xác sự sụp đổ TTCK vào tháng 10/1987, mới đây cũng cho rằng: "Dù thế giới đang có nền kinh tế mạnh nhất trong 40 năm, nhưng nó không bền vững". Và John Hussman, Chủ tịch Quỹ đầu tư Hussman dự báo khi thị trường sụp đổ, các nhà đầu tư có thể chứng kiến "giá các cổ phiếu sụt giảm đến 60%".

Các hệ thống giao dịch tự động tuy mang lại nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư giao dịch bám sát theo xu hướng thị trường và quản trị rủi ro tốt hơn, tuy nhiên cũng thỉnh thoảng rơi vào tình trạng quá tải một cách khó hiểu, và sau đó đẩy thị trường rớt không phanh mà có thể là điểm khởi đầu làm TTCK sụp đổ.

Nhưng có một cảnh báo thật sự gây chú ý và có thể khiến ai cũng lo ngại là nhà kinh tế học Ted Bauman dẫn giải rằng có ba chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy dấu hiệu bán tháo và sự sụp đổ của TTCK không phải đang dần xuất hiện mà nó đã bắt đầu xảy ra. Sự sụp đổ lần này sẽ đánh dấu mức sụt giảm đến 70% giá trị. Cần biết rằng trong ba thập kỷ qua, Bauman là người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vụ tai nạn dot.com năm 2000, sự sụp TTCK năm 1987.

Những yếu tố không ngờ tới

Quá khứ cho thấy những cuộc sụp đổ của TTCK đôi khi đến từ những yếu tố ít ai ngờ tới, trong một số trường hợp là chưa thể hiểu được. Như cuộc sụp đổ vào năm 1987 với ngày sụt giảm lớn nhất tính theo phần trăm (%) giá trị bị bốc hơi, thì cho đến nay nguyên nhân vẫn là bí ẩn, dù một số ý kiến cho rằng các lệnh cắt lỗ tự động đã khiến hệ thống quá tải và khủng hoảng lây truyền theo đám đông thúc đẩy nhà đầu tư bán cổ phiếu bằng mọi giá.

Thật vậy, các hệ thống giao dịch tự động tuy mang lại nhiều tiện ích cho các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư xây dưng chiến lược giao dịch bám sát theo xu hướng thị trường và quản trị rủi ro tốt hơn, tuy nhiên các hệ thống cũng thỉnh thoảng rơi vào tình trạng quá tải một cách khó hiểu, và sau đó đẩy thị trường rớt không phanh mà có thể là điểm khởi đầu làm TTCK sụp đổ.

Các hệ thống này cũng bị lợi dụng bởi những tay đầu cơ lão luyện có thể tạo ra những cú sụt giá mạnh chỉ trong tích tắc (còn gọi là flash crash) để kiếm lợi. Thậm chí những tổ chức tạo lập thị trường có thể xác định được quy mô các lệnh cắt lỗ đặt trước bởi các nhà đầu tư, cũng như những điểm cắt lỗ chủ yếu và những vùng giá của lệnh bán khống đặt trước, để đẩy thị trường thủng các ngưỡng hỗ trợ này và tạo ra hiệu ứng bán theo từ các lệnh đặt trước tự động theo thuật toán như trên.

Tâm lý bầy đàn và hiệu ứng giao dịch theo đám đông cũng có thể bị lợi dụng để tạo ra các cuộc sụp đổ có chủ đích, mà sau đó các tổ chức bán khống có thể thu được lợi nhuận cực lớn. Thông thường thị trường bao giờ cũng có những tin tốt xấu đan xen, những yếu tố hỗ trợ và gây áp lực song hành, tuy nhiên trong một số trường hợp một tin tức nào đó dù không quá xấu hoặc đã phản ánh vào thị trường trước đó, nhưng đến thời điểm lại bị lợi dụng triệt để kích động các nhà đầu tư bán tháo và sau đó cũng trở thành nguyên nhân giải thích cho sự sụt giảm của thị trường.

Điều này đặc biệt đúng tại những thị trường cho phép bán khống hoặc cho phép thế chấp cổ phiếu để vay vốn (margin) đầu tư thêm. "Nhà cái" với khả năng có thể nhìn thấy được tỷ lệ cho vay margin đã đạt đến mức độ nào, nếu đã chạm ngưỡng giới hạn thì sau đó có thể lợi dụng một tin xấu bất kỳ nào đó để đạp thị trường rớt các mức hỗ trợ, tạo ra hiệu ứng bán theo, từ đó kích hoạt các lệnh bán giải chấp tự động và khiến tài khoản nhiều nhà đầu tư bị cháy.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì thị trường sau đó không thể gượng dậy được nữa vì nhiều nhà đầu tư sợ hãi và rút khỏi thị trường, đó là thời cơ bán khống xuất hiện, từ đó chỉ càng đẩy giá đi xuống và chính thức rơi vào thị trường con gấu đầy ám ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán và những cuộc sụp đổ không báo trước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO