Chính phủ cần có chiến lược quản trị đồng bộ thị trường vàng (Bài 3)
Thị trường vàng Việt Nam từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều biến động bất thường, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh và chênh lệch ngày càng xa so với giá thế giới. Trong bối cảnh đó, vai trò của doanh nghiệp kinh doanh vàng và yêu cầu về một chiến lược quản trị đồng bộ từ Chính phủ trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Giá vàng trong nước liên tục tăng cao, chênh lệch lớn với thế giới làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn của thị trường tài chính và tâm lý xã hội. Để đối phó với tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần triển khai một chiến lược quản trị thị trường vàng mang tính đồng bộ, minh bạch và hiện đại hơn.
Một trong những nguyên nhân lớn gây ra tình trạng chênh lệch giá và thiếu ổn định là việc thị trường vàng trong nước thiếu liên thông với thế giới. GS. Trần Thọ Đạt đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, hiện Nhà nước đang giữ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, điều này làm giảm tính cạnh tranh và hạn chế khả năng điều tiết thị trường. Việc cấp phép thêm cho một số DN đủ điều kiện tham gia sản xuất và nhập khẩu vàng miếng là bước đi cần thiết để tăng cung, giảm áp lực cầu và tạo cân bằng giá.
Trong khi đó, thị trường vàng trang sức vẫn bị xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, làm hạn chế sự phát triển tự nhiên và sáng tạo của các DN trong nước. GS. Đạt đề xuất nên loại bỏ quy định này, đồng thời giảm thuế xuất khẩu vàng trang sức về 0% để thúc đẩy năng lực sản xuất nội địa và tăng sức cạnh tranh quốc tế.
Về mặt kỹ thuật, dù việc chuyển đổi sốsẽ giúp minh bạch hóa thị trường vàng, nhưng thực tế cho thấy không nhiều DN ngành vàng đủ khả năng triển khai chuyển đổi số một cách bài bản. Trong khi đó, sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước còn chưa rõ ràng.

Theo ông Chu Hiếu - Giám đốc đầu tư Công ty Cú Thông Thái, Việt Nam cần sớm ứng dụng công nghệ số để cải cách cơ chế báo giá và giao dịch vàng. Ông cho biết một số quốc gia như Singapore đã áp dụng hệ thống báo giá theo thời gian thực sử dụng AI, giúp cập nhật giá bán mỗi 30 giây và giảm tối đa độ trễ giữa thị trường trong nước và quốc tế. Điều này giúp DN có thể điều chỉnh giá bán linh hoạt, chính xác, từ đó góp phần ổn định tâm lý thị trường.
Ngoài ra, ông Hiếu còn nhấn mạnh đến việc quản trị tồn kho thông minh. DN nên linh hoạt điều chỉnh lượng vàng tồn kho theo biến động giá, đảm bảo tỉ lệ hàng hóa an toàn, tránh bị “kẹp hàng” khi giá giảm đột ngột. Đặc biệt, vốn lưu động cần luôn đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu phát sinh đột xuất từ thị trường.
Chiến lược quản trị đồng bộ của Chính phủ cũng cần bao gồm chính sách thông tin công khai, truyền thông chủ động và giáo dục tài chính cho người dân. Điều này giúp thay đổi dần thói quen tích trữ vàng vật chất, hướng người dân đến các kênh đầu tư chính thức, lành mạnh như vàng số, chứng chỉ vàng, quỹ đầu tư vàng…
Đồng thời, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm tài chính liên quan đến vàng, mở ra sân chơi đa dạng và an toàn hơn cho nhà đầu tư. Việc xây dựng sàn giao dịch vàng tập trung, minh bạch và có giám sát cũng là một phần quan trọng của chiến lược dài hạn.
Về trung hạn, Chính phủ có thể cân nhắc việc dỡ bỏ hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các DN uy tín trong ngành trang sức để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực xuất khẩu.
Thị trường vàng Việt Nam cần được xem xét toàn diện cả về chính sách, công nghệ và nhận thức. Một chiến lược quản trị đồng bộ sẽ là chìa khóa để đảm bảo thị trường vàng phát triển ổn định, phục vụ hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng bền vững và hội nhập quốc tế của nền kinh tế.