Chiến tranh tiền tệ - phiên bản của toàn cầu hóa

THỤY KHA| 08/10/2010 05:14

Khủng hoảng kinh tế khiến chính phủ nhiều nước can thiệp mạnh vào chính sách tiền tệ để tránh nội tệ tăng giá, thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.

Chiến tranh tiền tệ - phiên bản của toàn cầu hóa

Khủng hoảng kinh tế khiến chính phủ nhiều nước can thiệp mạnh vào chính sách tiền tệ để tránh nội tệ tăng giá, thúc đẩy xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại. Những can thiệp này quá sâu khiến hoạt động điều chỉnh chính sách tiền tệ trở thành hoạt động “thao túng tỷ giá”, đẩy thế giới đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tiền tệ.

“Thế giới đang ở trong trạng thái chiến tranh. Vũ khí ở đây không phải là các tên lửa đạn đạo mà hành tinh vốn lo sợ suốt nhiều thập kỷ nay”, từ quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega đưa ra cảnh báo “các quốc gia đang dấy lên “cuộc chiến tiền tệ quốc tế”.

Ông Mantega cho rằng: “Chúng ta đang ở trong cuộc chiến tiền tệ quốc tế, xu thế chung là làm yếu đồng nội tệ. Điều này đe dọa chúng ta bởi nó lấy đi sức cạnh tranh của chúng ta!”.

Khái niệm “chiến tranh tiền tệ quốc tế” được đề cập khi các chính phủ trên toàn thế giới tranh đua hạ tỷ giá đồng tiền nội địa. Cuộc chạy đua này có mục đích thúc đẩy tính cạnh tranh cho nền kinh tế và các sản phẩm nội địa.

Trong những tuần gần đây, một số ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, đã tìm cách áp dụng các nghiệp vụ can thiệp tiền tệ. Những ngân hàng này muốn cản sự lên giá của đồng tiền nước mình. Chính phủ Singapore, Thái Lan và Colombia cũng thực hiện những biện pháp tương tự.

Đỉnh điểm của cuộc chiến tiền tệ này là Hạ viện Mỹ ngày 29/9 thông qua dự luật trừng phạt nhắm đến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Theo đó, dự luật cho phép áp thuế lên hàng hóa của các quốc gia cố tình hạ giá đồng tiền.

Những đồng tiền bị định giá thấp sẽ được Bộ Thương mại Mỹ xem như hình thức trợ cấp xuất khẩu trái luật và có quyền áp thuế lên mặt hàng của các nước sử dụng đồng tiền này để bù đắp lợi thế cạnh tranh cho các công ty Mỹ. Rõ ràng, biện pháp này nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh điều chỉnh lại giá đồng tiền.

Tuy nhiên, Trung Quốc không ngừng hoạt động kiềm chế sự tăng trưởng của đồng tiền nội địa, bất chấp những áp lực ngày càng tăng từ phía Hoa Kỳ. Washington thậm chí dự định đưa "vấn đề đồng nhân dân tệ" vào nhóm chủ đề hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sẽ diễn ra vào tháng 11/2010.

Mặc dù vậy, xét theo những bình luận của các thành viên còn lại từ G-20, trong vấn đề này, Nhà Trắng sẽ gần như ở vào thế đơn độc. Thậm chí, Hàn Quốc, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20, hiện rất ngại ngần trong việc đưa chủ đề tỷ giá thành chủ đề chính trong chương trình cuộc họp bởi lo ngại sẽ làm mất lòng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của nước này.

Các chuyên gia cho rằng, lợi ích của Bắc Kinh là sẽ có được sự ủng hộ của các đối tác thuộc nhóm BRIC gồm: Nga, Ấn Độ và Brazil.

Ngày 6/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ phát hành Dự báo kinh tế toàn cầu mới nhất và đưa ra nhận định đến đầu năm 2011, sự phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn sẽ chậm. Giám đốc điều hành IMF, Dominique Strauss - Kahn ngày 28/9 cho biết, mặc dù nhiều nước can thiệp để làm yếu đồng nội tệ, nhưng ông chưa nhìn thấy nguy cơ cuộc chiến tỷ giá toàn cầu.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự hợp tác giữa các nền kinh tế lớn “không còn chặt chẽ như trước” và “hầu hết các nước có xu hướng quay trở lại những vấn đề cũ”. “Vấn đề cũ ở đây” chính là nhiều chính phủ thao túng tỷ giá hối đoái để cải thiện năng lực cạnh tranh.

Các nước đang phát triển đấu tranh giành vị trí cho mình trên vũ đài thế giới, va chạm lẫn nhau, đó là điều ngẫu nhiên, nhất là đối với một quốc gia lớn như Brazil. Vấn đề ở chỗ, nâng cao khả năng cạnh tranh không phải là nhiệm vụ duy nhất mà chính sách tiền tệ muốn giải quyết. Nếu chỉ vì mục đích như vậy thì quả thật thế giới sẽ liên tục ở trong trạng thái “chiến tranh tiền tệ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh tiền tệ - phiên bản của toàn cầu hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO