Châu Á và cuộc cách mạng phúc lợi

10/09/2012 05:02

Toàn châu Á đang đối mặt với áp lực về lương hưu, bảo hiểm y tế quốc gia, trợ cấp thất nghiệp... Nền kinh tế sôi động nhất của thế giới đang chuyển bánh từ xây dựng sự giàu có hướng tới xây dựng một nhà nước phúc lợi.

Châu Á và cuộc cách mạng phúc lợi

Toàn châu Á đang đối mặt với áp lực về lương hưu, bảo hiểm y tế quốc gia, trợ cấp thất nghiệp... Nền kinh tế sôi động nhất của thế giới đang chuyển bánh từ xây dựng sự giàu có hướng tới xây dựng một nhà nước phúc lợi.

Tốc độ và quy mô của sự chuyển đổi diễn ra ồ ạt. Tháng 10.2011, chính phủ Indonesia hứa hẹn tất cả công dân sẽ có bảo hiểm y tế vào năm 2014. Như vậy chính phủ Indonesia đang hướng đến trở thành nhà chi trả lớn nhất cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Tại Trung Quốc trong vòng hai năm đã mở rộng phạm vi bảo hiểm hưu trí cho thêm 240 triệu người dân ở nông thôn. Chỉ riêng số lượng người mở rộng này đã vượt qua tổng số người được chăm sóc bởi an sinh xã hội và hệ thống lương hưu của Mỹ. Cần lưu ý rằng chỉ cách đây vài năm thì khoảng 80% người dân ở nông thôn Trung Quốc không có bảo hiểm y tế, mà bây giờ hầu như tất cả mọi người đều có.

Tại Ấn Độ, khoảng 40 triệu hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình 100 ngày làm việc với mức lương tối thiểu do chính phủ ban hành. Ngoài ra, Ấn Độ cũng mở rộng cấp bảo hiểm y tế cho hơn 110 triệu người nghèo, hơn gấp đôi số người không có bảo hiểm ở Mỹ.

Nếu lấy thời điểm Đức bắt đầu hệ thống lưu hưu từ thập niên 1880 là điểm khởi đầu và xem Dịch vụ Y tế Quốc gia của Anh hoạt động từ năm 1948 là đỉnh cao, thì việc xây dựng các quốc gia phúc lợi ở châu Âu đã trải qua hơn nửa thế kỷ.

Thách thức xây dựng mạng lưới an sinh

Một số nước châu Á sẽ xây dựng quốc gia phúc lợi trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, nếu tính toán sai lầm - chẳng hạn như đưa ra các lời hứa hẹn mà khả năng chi trả không đáp ứng đủ - thì các nước này có thể phá hoại nền kinh tế năng động nhất của thế giới. Nhưng nếu họ tạo ra mạng lưới an sinh giá cả phải chăng, thì các quốc gia châu Á không chỉ cải thiện cuộc sống cho người dân của chính họ mà còn trở thành điển hình trong việc xây dựng hệ thống phúc lợi. Tại thời điểm mà chính phủ các nước giàu không thể xây dựng lại chính sách cho đối tượng người cao tuổi và làm giảm thâm hụt ngân sách, thì vấn đề này có thể là một khía cạnh mà Châu Á vượt mặt phương Tây.

Châu Á có thể tận dụng nhiều bài học từ lịch sử. Các nhà nước phúc lợi châu Âu bắt đầu từ những mạng lưới an sinh cơ bản. Nhưng qua thời gian, sau những cuộc chiến và cuộc Đại suy thoái thì xã hội châu Âu đã thực hiện phân phối lại ưu tiên của họ. Ngoài ra, người tiếp nhận chi tiêu phúc lợi xã hội trở thành nhóm lợi ích lớn. Kết quả sau cùng là dẫn tới sự đình đốn kinh tế do một nền phúc lợi quá hào phóng và thiếu nguyên tắc sẽ làm suy yếu hiệu quả và tạo việc làm.

Mạng lưới an sinh của Mỹ tuy ít hào phóng hơn, nhưng nước này phạm sai lầm khi tạo ra hệ thống các quyền lợi, như đưa ra các lời hứa chi trả lương hưu mặc dù khó có khả năng đáp ứng, lời hứa chăm sóc sức khỏe lời hứa, và gắn liền bảo hiểm y tế với công việc của họ.

Ghi nhận ở khu vực Mỹ Latin còn tồi tệ hơn. Các chính phủ thường tận dụng các khoản thuế để trang trải những lời hứa chi tiêu của họ. Bảo trợ xã hội thì nhức nhối vì sự bất bình đẳng do lương hưu và phí chăm sóc y tế thường chảy vào những người làm việc tại các đô thị giàu có chứ không phải là người nghèo thực sự.

Các chính phủ châu Á nhận thức sâu sắc tất cả bài học này. Họ không muốn thay thế truyền thống chăm chỉ làm việc và tiết kiệm bằng một tư tưởng phụ thuộc vào phúc lợi. Bài học dành cho châu Á không chỉ là tình hình khủng hoảng ở Hy Lạp, mà còn từ đảo quốc Singapore bé nhỏ. Chi tiêu công của Singapore bằng 20% GDP nhưng trường học và bệnh viện của nước này đạt chất lượng hàng đầu thế giới,

Đến nay, mạng lưới an sinh tại những nước lớn của châu Á thường ở mức tối thiểu là bảo hiểm y tế cơ bản và lương hưu, vốn chỉ chiếm phần nhỏ thu nhập của người lao động. Hiện tại, tỉ lệ chi tiêu xã hội của châu lục này so với quy mô nền kinh tế chỉ bằng khoảng 30% mức trung bình của các nước giàu, thấp hơn nhiều so với những khu vực mới nổi của thế giới.

Tỉ lệ trên cho thấy cơ hội để mở rộng phúc lợi vẫn còn nhiều, nhưng châu Á còn đối mặt với nhiều vấn đề khác. Nhân khẩu là một điển hình. Mặc dù một số quốc gia, cụ thể như Ấn Độ, có dân số tương đối trẻ thì ở châu Á có nhiều quốc gia dân số già nhanh chóng. Tỉ lệ người già của Trung Quốc hiện nay khoảng 20%, và cho đến năm 2035 thì tỉ lệ này có thể là 50%.

Vấn đề tiếp theo là quy mô quốc gia. Ba nước có diện tích lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia có sự chênh lệch rộng lớ về phân phối thu nhập nội địa. Xây dựng một quốc gia phúc lợi ở một trong ba nước trên gần giống như xây dựng một quốc gia phúc lợi duy nhất cho toàn bộ… Liên minh châu Âu!

Vấn đề cuối cùng là phần lớn công nhân châu Á là những lao động “không chính thức”, tức lao động phổ thông không có hợp đồng ràng buộc, nên việc xác nhận thu nhập hoặc được nhận các khoản tiền chuyển nhượng của chính phủ khó khăn hơn.

Giải quyết như thế nào?

Không có giải pháp duy nhất cho toàn khu vực, tuy nhiên có ba nguyên tắc chung.

Đầu tiên, các chính phủ phải xác định khả năng chi trả theo thời gian khi đưa ra bất kỳ lời hứa nào. Quy mô trợ cấp hưu trí của châu Á có thể khiêm tố, nhưng người dân khu vực này được nhận trợ cấp sớm hơn, chẳng hạn như ở Trung Quốc thì phụ nữ nghỉ hưu ở tuổi 55; ở Thái Lan nhiều người lao động ngừng làm việc ở tuổi 60 nhưng có thể lấy tiền hưu từ tuổi 55. Một gợi ý là châu Á cần tăng tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai, các chính phủ châu Á cần xây dựng kế hoạch chi tiêu xã hội rõ ràng, chi tiết hơn. Các dịch vụ xã hội cần xác định là để bảo vệ người nghèo chứ không phải trợ cấp cho người giàu. Tại những xã hội dân số già nhanh thì chi tiêu cho người cao tuổi không được vượt quá các khoản đầu tư cho thanh niên. Các chính phủ cũng cần loại bỏ những khoản chi tiêu lãng phí, như Indonesia năm ngoái đã chi trợ cấp nhiên liệu cao gấp 9 lần so với chi tiêu cho chăm sóc y tế.

Thứ ba, các quan chức châu Á nên vận dụng tính linh hoạt và sáng tạo. Không nên siết chặt thị trường lao động bằng các quy tắc cứng nhắc hoặc mức lương tối thiểu quá hào phóng. Không nên đánh đồng mạng lưới an sinh sử dụng ngân sách với các dịch vụ và trợ cấp và các chương trình khác của chính phủ (một đơn vị duy nhất chi trả tiền bảo hiểm có thể là cách ít tốn kém nhất để cung cấp chăm sóc y tế cơ bản, nhưng cũng không cần nhất thiết rằng mỗi y tá đều phải là nhân viên nhà nước). Nếu sử dụng công nghệ như hồ sơ y tế điện tử cho tới tổ chức thanh toán chuyển khoản qua điện thoại di động, các quốc gia châu Á có thể tạo ra các hệ thống phân phối mới và hiệu quả bằng công nghệ hiện đại.

Cuối cùng, sự thành công trong bước nhảy vọt châu Á hướng tới một nhà nước phúc lợi sẽ được xác định bởi yếu tố chính trị bên cạnh yếu tố kinh tế. Công dân của châu lục này cần chứng tỏ sự sẵn sàng xây dựng kế hoạch trước, làm việc lâu hơn, và tránh nhận tiền trợ cấp từ việc tích lũy nợ cho thế hệ tương lai - vấn đề đang nhức nhối tại các nước giàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á và cuộc cách mạng phúc lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO