"Cây mọc ra tiền" ở Australia

23/02/2017 06:54

15 năm trồng cây đàn hương tại Australia sắp giúp 2 công ty ở đây kiếm bộn tiền, khi giá 1kg dầu cao gấp 5 lần 1kg bạc.

15 năm trồng cây đàn hương tại Australia sắp giúp 2 công ty ở đây kiếm bộn tiền, khi giá 1kg dầu cao gấp 5 lần 1kg bạc.

Loại cây này nổi tiếng với loại gỗ thơm và tinh dầu, được dùng trong nước hoa, mỹ phẩm và dược phẩm. Chúng đến kỳ thu hoạch đúng thời điểm nguồn cung trên thế giới thiếu hụt, do sản xuất sụt giảm tại Ấn Độ và nhu cầu tại Trung Quốc tăng lên.

Một kg dầu đàn hương Ấn Độ hiện có giá 3.000 USD, gấp 5 lần bạc. Giá này cũng đang tăng ít nhất 20% - 25% một năm, theo Hiệp hội Xuất khẩu và Kinh doanh Sản phẩm Đàn hương Nam Ấn Độ.

Một cây 15 năm tuổi có thể cho ra 500 ml dầu. Điều này có nghĩa mỗi cây trồng tại hai trang trại của TFS và Santanol Group ở Australia có giá 1.500 USD.

Đồn điền của Santanol tại Kununurra (Australia) trồng khoảng 2.200 hecta đàn hương. Trong khi đó, TFS có khoảng 12.000 hecta, cũng tại địa điểm này.

"Thế giới đang có sự mất cân đối cung cầu", CEO TFS - Frank Wilson cho biết trên Bloomberg, "Vì thế, chúng tôi chính là những người đặt giá".

Nhu cầu đàn hương trên toàn cầu sẽ tăng 5 lần lên 20.000 tấn gỗ mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2025, TFS cho biết. Trung Quốc được dự báo đóng góp một nửa sức tăng này. Đàn hương tại đây được dùng làm thuốc, đồ thủ công và nước hoa. Trong khi đó, đàn hương khai thác hợp pháp tại Ấn Độ lại đang bị Chính phủ hạn chế sản xuất và xuất khẩu.

"Đây là ngành kinh doanh cực lớn", Remi Clero - CEO Santanol nhận xét. Công ty này hiện bán dầu đàn hương với giá dưới 3.000 USD/kg. Giá này được họ cho là "phù hợp với xu hướng tương lai".

Ấn Độ đến nay vẫn thống trị nguồn cung đàn hương. Tuy nhiên, số lượng bán ra từ các đợt đấu giá của Chính phủ đã lao dốc vài năm gần đây, do khai thác quá mức và buôn lậu, theo các báo cáo tại một hội thảo của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) năm 2011. Bên cạnh đó, luật pháp nước này quy định toàn bộ đàn hương là tài sản quốc gia, khiến nhà đầu tư tư nhân khó chen chân vào đây.

Khu ươm giống của Santanol tại Kununurra. Ảnh: Santanol

Hoạt động bán đàn hương khai thác trái phép tại các rừng tự nhiên ở Ấn Độ được dự báo áp đảo con số chính thức. Nguồn cung từ Ấn Độ luôn bấp bênh, và đã giảm xuống chỉ còn 250 tấn năm 2016, từ gần 4.000 tấn năm 1970 và hơn 1.300 tấn năm 2002, theo số liệu của Chính phủ nước này. Chính sự biến động này đã khiến mảng trồng trọt trở nên hấp dẫn.

"Khi làm nước hoa, anh phải có công thức với liều lượng ổn định. Các công ty sẽ muốn làm việc với những doanh nghiệp như chúng tôi, để có nguồn cung đảm bảo trong 10 năm hoặc hơn", Clero cho biết.

TFS đang lên kế hoạch tăng sản lượng thêm 30 lần, lên 10.000 tấn gỗ một năm tại đồn điền của mình. "Nơi này rất đẹp, nhiều đồi núi, lượng mưa cao và đất đai màu mỡ. Như một ốc đảo trong sa mạc vậy", Wilson nhận xét.

Các cây sẽ được thu hoạch sau 14 - 16 năm khi đủ kích cỡ. Ảnh: TFS

Công ty này hiện trồng khoảng 5,4 triệu cây, cho thu hoạch tại nhiều giai đoạn khác nhau và đã hoàn thành đợt thu hoạch đầu tiên năm 2014. TFS sử dụng gần như tất cả bộ phận của cây, tinh dầu, gỗ vụn, bột gỗ và nhựa cây.

Santanol cũng đã có đợt thu hoạch đầu tiên năm 2014. Clero cho biết họ đang bán hàng tấn dầu đàn hương mỗi năm.

Tăng trưởng nhu cầu lớn nhất được dự báo đến từ mảng dược phẩm. "Chẳng có ngành nào trên thế giới mà điều kiện kinh tế tốt lại không có cạnh tranh cả. Chúng tôi cũng thế thôi. Tuy nhiên, rào cản với ngành này khá lớn, do cây trồng mất nhiều thời gian mới thu hoạch được, lại khó sinh trưởng và chỉ một số điều kiện địa lý là có thể trồng trọt", Wilson cho biết.

Wilson ước tính doanh thu từ việc trồng loại cây này có thể tăng hơn 10 lần, lên 1,5 tỷ USD năm 2025. Một trong những khách hàng nổi bật của TFS là hãng mỹ phẩm Estee Lauder Cos. "Chúng tôi cần nhiều khách hàng hơn nữa để tiêu thụ sản phẩm. Nhưng cũng chẳng khó tìm đâu", Wilson cho biết.

>Abu Dhabi - Tham vọng trở thành trung tâm sản xuất trứng cá tầm thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Cây mọc ra tiền" ở Australia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO