Khối lượng carbon khi một hécta rừng bị phá để trồng cọ dầu gần tương đương với lượng carbon đưa 530 người bay từ Geneva đến New York ngồi ghế hạng kinh tế |
Thỏa thuận quy định, thế hệ nhiên liệu sinh học đầu tiên phải được giới hạn ở mức nhất định vào năm 2020. Tỷ lệ các loại nhiên liệu sinh học và khí sinh học phải đạt ít nhất 1% vào năm 2025 và ít nhất 3,5% vào năm 2030. Thỏa thuận đã lấy lý do rằng dầu cọ là nguyên nhân dẫn đến phá rừng, nên dầu cọ sẽ bị cấm làm nguyên liệu cho xăng sinh học.
Xu hướng xanh
Đại biểu theo xu hướng xanh Bas Eickhout - một trong những nhà đàm phán trong các cuộc thương lượng cho rằng, việc sử dụng dầu cọ sẽ được hạn chế từ năm 2019 đến năm 2023 và bằng 0 vào năm 2030. "Đây là một chiến thắng. Chưa có tiền lệ nào đối với việc loại bỏ việc sử dụng những loại cây trồng cụ thể” - ông Bas Eickhout nói.
Nghị viện Châu Âu đã đưa ra một phản ứng mạnh mẽ đối với các nước sản xuất dầu cọ ở châu Á. Hồi tháng 1/2018, cơ quan này đã kêu gọi một lệnh cấm triệt để việc sử dụng loại dầu này làm nhiên liệu vận tải. Lời kêu gọi nằm trong các cuộc đàm phán với các nước thành viên EU để đạt được thỏa thuận chung cuộc.
Indonesia, Malaysia, Thái Lan là những nước sản xuất hầu hết dầu cọ nhập vào châu Âu, đã cảnh báo trước thỏa thuận ngày 14/6 rằng họ sẽ trả đũa cái mà họ gọi là các biện pháp bảo hộ, nếu như lệnh cấm được áp dụng.
Một nghiên cứu do Ủy ban Châu Âu (EC) tài trợ đã phát hiện dầu cọ và dầu đậu nành có lượng phát thải khí nhà kính gián tiếp cao nhất, xuất phát từ việc phá rừng và bón than bùn có liên quan đến việc canh tác các loại cây trồng này.
"Các chính phủ hiện nay không còn lý do gì để buộc cánh tài xế đốt thực phẩm hoặc dầu cọ trong những bình xăng của họ sau năm 2020 " - bà Laura Buffet, người phụ trách mảng nhiên liệu sạch của Tổ chức Giao thông vận tải và Môi trường (T&E) phát biểu.
Lượng dầu cọ được sử dụng ngày càng tăng như là một nguyên liệu chế tạo nhiên liệu sinh học vì rẻ hơn dầu hạt cải được sản xuất tại châu Âu. Một nửa số tiền 6 tỷ euro của EC chi cho dầu cọ được dùng vào diesel sinh học - theo dữ liệu từ Copenhagen Economics.
Thỏa thuận ngày 14/6 là một phần trong gói pháp lý rộng hơn nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính tại EU ít nhất là 40% (dưới mức năm 1990) vào năm 2030. Theo thỏa thuận khí hậu Paris đạt được vào tháng 12/2015, EU cam kết cắt giảm khí thải nhà kính 40% vào năm 2030, so với mức năm 1990 và đưa vào sử dụng năng lượng tái tạo đạt mức 27%.
Rừng cọ dầu phá hủy hệ sinh thái
Chỉ riêng Indonesia và Malaysia đã sản xuất 85% sản lượng dầu cọ trên thế giới. Dầu thường được sử dụng để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học và trong khi giá dầu rẻ mạt, phí tổn môi trường và xã hội lại cao ngất. Mỗi năm, hàng ngàn hécta rừng nhiệt đới biến mất nhằm đáp ứng nhu cầu dầu cọ trên khắp thế giới.
Chuyển đổi rừng nhiệt đới thành đồn điền cọ dầu dẫn đến việc tiêu diệt một hệ sinh thái quan trọng nhất của trái đất và phát thải carbon nhiều nhất. Theo đó, cứ một hécta rừng chuyển đổi sẽ làm 174 tấn carbon thoát vào không khí dưới dạng CO2.
"Khối lượng carbon khi một hécta rừng bị phá để trồng cọ dầu gần tương đương với lượng carbon đưa 530 người bay từ Geneva đến New York ngồi ghế hạng kinh tế” - Thomas Guillaume, một nhà nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm hệ sinh thái Trường Bách khoa liên bang Lausane, Thụy Sĩ, khẳng định. Đó là chưa nói đến lượng sinh khối của rừng cọ dầu nuôi sinh vật sống trong đất thấp hơn 90% so với rừng tự nhiên, vì hầu như không có rác thải từ lá khô và gỗ mục.
Đất các đồn điền dầu cọ liên tục được làm sạch bằng thuốc diệt cỏ để giúp công việc của người canh tác thuận lợi hơn, lượng lớn phân hóa học bón để bù đắp cho sự mất màu mỡ của đất càng làm suy giảm các loại côn trùng và giun đất và nhiều loại vi sinh vật có lợi cho môi trường khác.
"Lượng sinh khối mà con người lấy đi nhằm sản xuất dầu cọ so với lượng còn lại của hệ sinh thái đã làm nảy sinh nghi ngờ về tính bền vững của hình thái canh tác này " - Guillaume nói khi so sánh vi sinh ở các vùng đất trồng cọ dầu với rừng nhiệt đới.