Brexit phủ mây đen lên nghề cá và trồng trọt ở Anh

BÍCH TRÂM| 27/04/2017 01:32

Tiến trình Brexit đang phủ một đám mây đen lên lĩnh vực trồng trọt và đánh bắt cá ở Anh.

Brexit phủ mây đen lên nghề cá và trồng trọt ở Anh

Tiến trình Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đang phủ một "đám mây đen" lên lĩnh vực trồng trọt và đánh bắt cá ở Anh.

"Đám mây" này liên quan đến vấn đề thiếu hụt nhân lực khi chính sách lao động nhập cư bị siết chặt hơn và sự thất vọng của ngư dân Anh - những người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit - vì kỳ vọng về sự thay đổi chính sách không được đáp ứng.

Robot nông nghiệp - giải pháp thay thế cho lao động nhập cư?

Brexit có thể tác động tiêu cực mạnh đến nền nông nghiệp Anh. “Nếu nguồn cung lao động không thể duy trì hoặc bị sụt giảm đáng kể, sự tác động đến lực lượng lao động ở Anh và chuỗi cung ứng sẽ rất lớn”, một báo cáo gần đây của Ủy ban Phát triển trồng trọt và nông nghiệp (Agriculture and Horticulture Development Board) cho biết.

Một khảo sát của Hiệp hội Nông dân quốc gia Anh (NFU) cho thấy, 50% các công ty cung cấp lao động cho ngành nông nghiệp tại Anh không đáp ứng đủ các yêu cầu được đưa ra đối với người lao động trong lĩnh vực trồng trọt giai đoạn từ tháng 7 - 9/2016 (sau khi có kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân Anh ủng hộ Brexit).

Trong khi đó trên thực tế, lĩnh vực trồng trọt ở Anh vốn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư theo mùa, nhằm làm các công việc như thu hoạch nông sản. Phần lớn người lao động đến từ Liên minh châu Âu (EU) và nhiều khả năng sẽ không thể vào Anh được nữa khi các chính sách nhập cư cứng rắn hơn được áp dụng với người lao động có trình độ tay nghề thấp – một nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm cắt giảm lượng lao động nhập cư và nắm toàn quyền kiểm soát biên giới sau khi rời khỏi khối 28 quốc gia.

Tháng 11/2016, NFU cho biết, nguồn cung lao động có sẵn để làm công việc thu hoạch cuối mùa vụ các loại nông sản như khoai tây, bắp cải, củ cải… chỉ đáp ứng được 67% nhu cầu thực tế. Có một sự sụt giảm đến 30% so với quý II/2016. Sự tương phản còn rõ nét hơn khi so với quý I/2016 – thời điểm không có bất kỳ một báo cáo nào cho thấy có sự thiếu hụt lao động.

>>Bầu cử ở Hà Lan: Kịch bản Nexit đang đến gần

Trên thực tế, nông dân Anh nhận hàng tỷ bảng Anh trợ cấp mỗi năm từ EU. Vì thế, trước cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hồi tháng 6 năm ngoái, NFU đã kêu gọi sự ủng hộ ở lại EU nhưng không thành công vì nhiều nông dân đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Nhưng kể từ đó, những nông dân này được báo cáo là bị “xuống tinh thần” bởi những thông tin cho rằng Brexit sẽ tác động tiêu cực đến ngành nông nghiệp, theo Business Insider.

Phát biểu trong cuộc tranh luận tại Thượng viện Anh vào tháng 7/2016, một chính khách Anh cho rằng nhiều nông dân đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit “mà không hiểu hết hậu quả của nó”. NFU thậm chí đã kêu gọi chính phủ đưa ra chương trình thị thực theo mùa để hạn chế tình trạng thiếu hụt nhân công.

Trước tình hình đó, chủ các trang trại ở Anh có thể phải chuyển sang sử dụng robot để lấp đầy khoảng trống nhân lực khi Brexit xảy ra. Theo đó, một loại robot nông nghiệp mới có tên Thorvald vừa được chế tạo để đảm đương các phần việc cực nhọc nhưng không đòi hỏi tay nghề cao tại các trang trại ở Anh thời kỳ hậu Brexit.

"Brexit là động lực chính cho sự thay đổi này. Đây là một mối quan tâm lớn... Robot nông nghiệp là giải pháp thực tiễn cho tình hình hiện nay", GS. Pal Johan From – người chế tạo ra Thorvald nói với Financial Times.

Tương lai nghề đánh bắt cá sau Brexit

Kết quả thăm dò ý kiến được tiến hành trước cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 92% người làm nghề cá ủng hộ Brexit. Tuy nhiên đến tháng 11/2016, nhiều người trong số họ đã cảm thấy lo lắng về kế hoạch của Thủ tướng Theresa May nhằm đưa Chính sách Nghề cá chung (CFP) của EU vào luật Anh.

CFP thiết lập quy định sản lượng cá mà tàu của mỗi quốc gia thuộc EU được phép đánh bắt, nhằm mục đích bảo vệ hệ sinh thái, môi trường biển và duy trì trữ lượng thủy sản bền vững.

Một số chính trị gia đã cảnh báo rằng sự thay đổi chính sách có thể xảy ra sẽ không có lợi cho ngành công nghiệp này, nhưng hầu hết ngư dân không đồng ý, họ tin rằng các hạn chế của CFP là nguyên nhân sụt giảm số lượng đội tàu Anh.

Tuy nhiên sau khi trưng cầu dân ý, Thủ tướng Theresa May lại có ý định đề ra “Dự luật hủy bỏ lớn” (Great Repeal Bill) thời kỳ hậu Brexit, nhằm chấm dứt thẩm quyền của luật pháp EU đối với Anh. Và theo đó, sẽ đưa các luật lệ của EU vào luật pháp Anh, bao gồm cả CFP.

Vài ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Anh hồi tháng 6 năm ngoái, cùng với nhiều nhóm vận động khác, "Fishing for Leave" đã tổ chức một đội tàu nhỏ chạy dọc sông Thames để kêu gọi ủng hộ Brexit

Alan Hastings – phát ngôn viên của nhóm vận động ngư dân bỏ phiếu cho Brexit (có tên “Fishing For Leave”) nói với Business Insider về đề xuất này: “Nó giống như bạn nghe thông báo rằng sẽ được tại ngoại nhưng rồi sau đó lại nghe bảo rằng vẫn phải tiếp tục ở trong nhà giam”. Alan Hastings đã kêu gọi sự “miễn trừ” cho chính sách về nghề cá khỏi kế hoạch của bà Theresa May nhưng không đạt được bất kỳ sự hứa hẹn nào.

Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: “Nghề cá mang đến giá trị cao và việc hỗ trợ những người hoạt động trong lĩnh vực này là một phần quan trọng trong tiến trình Brexit. Nghĩa là chúng tôi phải đảm bảo việc đánh bắt cá mang lại lợi nhuận, đảm bảo trữ lượng cá bền vững và bảo tồn môi trường biển… Khi đã rời khỏi EU, Quốc hội Anh sẽ nắm toàn quyền kiểm soát và có thể thực hiện những thay đổi theo mong muốn của công dân Anh”.

>>Brexit: Người Anh ở châu Âu sẽ ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Brexit phủ mây đen lên nghề cá và trồng trọt ở Anh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO