Brexit - cơn chấn động kinh tế toàn cầu

THÁI BẢO| 28/06/2016 01:14

Mặc dù Brexit là chuyện nội bộ của Vương quốc Anh, nhưng tin tức về quyết định rời khỏi khối EU đã dẫn đến tuyên bố từ chức của Thủ tướng David Cameron và hàng loạt diễn biến về chính trị và kinh tế toàn cầu.

Brexit - cơn chấn động kinh tế toàn cầu

Ngày 23/6, cử tri Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Vương quốc Anh) đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý được mô tả là "lịch sử". Kết quả cho thấy có 51,9% số người chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit.

Đọc E-paper

Mặc dù đây là chuyện nội bộ của Vương quốc Anh, nhưng tin tức về quyết định rời khỏi khối EU đã dẫn đến tuyên bố từ chức của Thủ tướng David Cameron và hàng loạt diễn biến về chính trị và kinh tế toàn cầu.

Sàn chứng khoán rúng động

Sau khi kết quả về quyết định của công dân Anh được đưa ra, các sàn chứng khoán thế giới tràn một màu đỏ. Rời EU nghĩa là các giao dịch kinh tế giữa Anh và khối này không còn như trước, và viễn cảnh ấy đã lập tức tạo ra hiệu ứng ngay trước khi nó chính thức thành hiện thực.

Chỉ trong vài giờ sau hôm bỏ phiếu, bảng Anh đã sụt giảm kỷ lục, từ 1 bảng đổi 1,5 USD xuống còn 1,33, trước khi đóng cửa giao dịch ở mốc 1 bảng đổi 1,368. Sàn giao dịch Pháp CAC trượt 8%; trong khi tại Mỹ, cả ba chỉ số chủ chốt của Wall Street đồng loạt đi xuống ngay đầu phiên: S&P 500 mất 2,71%, Nasdaq mất 3,36% và Dow Jones giảm 3%, sụt giảm lớn nhất trong 8 tháng qua.

Bloomberg ngày 25/6 đưa ra bảng biểu cho thấy 400 người giàu nhất thế giới đã thoáng chốc mất đi 127,4 tỷ USD trong đêm trước đó. Nhóm các tỷ phú này chứng kiến 3,2% giá trị tổng tài sản của mình "bốc hơi", nâng tổng số mất mát lên 3,9 nghìn tỷ USD. Tài sản của người giàu nhất châu Âu là Amancio Ortega sụt giảm 6 tỷ USD, trong khi 9 người khác mất hơn 1 tỷ USD, bao gồm Bill Gates, Jeff  Bezos và Gerald Cavendish Grosvenor, người giàu nhất Vương quốc Anh.

Tại phiên giao dịch đầu tiên kể từ cuộc trưng cầu ở Anh, ngày 26/6, cả 7 sàn chứng khoán thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã "rung lắc". Dubai Financial Market - thị trường có ảnh hưởng nhất ở khu vực này bắt đầu trượt 0,5%, nhưng chỉ khoảng một giờ sau đã trượt 3%. Có thời điểm, các công ty đầu tư giảm tới 8% và lĩnh vực bất động sản sụt 0,5%.

Tất cả các thị trường còn lại như Qatar Exchange, Ả Rập, Oman hay Bahrain đều trượt trong khoảng 2 - 2,7%. Các nước thuộc GCC như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và UAE đều đầu tư hàng trăm tỷ USD vào Anh và các thành viên khác của EU.

"Thấm đòn"

Những biến động đã nêu, trên thực tế vẫn chỉ mới cho thấy "sự chuyển mình" sau cú sốc ban đầu từ Brexit, và không phải không thể hồi phục. Tuy nhiên, đúng vào lúc này, những người dẫn đầu phe vận động nước Anh rời EU như cựu thị trưởng London Boris Johnson hay người cầm đầu Đảng UKIP, ông Nigel Farage đang trong tình thế phải chống chọi.

Lời kêu gọi bỏ phiếu Brexit lần hai tại Anh đã được hơn 3 triệu người ký. Mặc dù các chuyên gia dự đoán đó là điều khó xảy ra, nhưng ít nhất đã cho thấy những người vận động rời EU đã bắt đầu thấy "thấm đòn" từ quyết định của mình.

The Washington Post hôm 25/6 đã có bài viết với ẩn ý nhiều người Anh bắt đầu tra Google xem thế nào là EU, vài giờ sau khi bỏ phiếu rời khỏi khối liên minh này. Điều đó chứng tỏ công việc ban đầu (chiến thắng) của phe vận động Brexit mới chỉ là điểm mở ra một đợt khủng hoảng từ tài chính tới niềm tin, và chặng khó tiếp theo chính là giữ vị thế trong giai đoạn ít nhất 2 năm cho tới kết thúc các cuộc đàm phán tách hẳn khỏi EU. Tuy nhiên, trước mắt chính là người Anh chịu thiệt.

Brexit, bên cạnh cuộc chia tay của Anh với EU còn mang nhiều ý nghĩa về chính trị, ngoại giao. Đa số các nước lớn như Đức, Pháp và cả đồng minh của EU là Mỹ cũng đều muốn nước Anh ở lại. Sự "cứng đầu" của cử tri Anh khiến nhiều nơi cảm thấy cần có hành động trả đũa, đồng thời cũng là để dằn mặt trước các cuộc đàm phán rời EU.

François de Villeroy Galhau - Thống đốc France of Bank cho rằng, thật "nghịch lý” khi cho phép London hoạt động theo các quy tắc của EU mà không phải thành viên khối này theo cách của Na Uy, tức tham gia thị trường một cách đơn lẻ theo quy tắc EU.

Financial Times, thời báo kinh tế của Anh hôm 26/6 cho biết các ngân hàng quốc tế bắt đầu rút ra khỏi nước Anh. Ngân hàng trung ương của Pháp trước đó đã cảnh báo các tập đoàn dịch vụ tài chính Anh sẽ khó làm ăn trên toàn EU. Trong khi đó, nhóm những ngân hàng lớn của Mỹ như JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Bank of America, Citigroup và Morgan Stanley, vốn đã thuê hàng chục ngàn lao động người Anh, bắt đầu rục rịch chuyển địa điểm hoạt động sang Paris (Pháp), Dublin (Ireland) và Frankfurt (Đức).

Trong khi Boris Johnson và Nigel Farage - những người đã sử dụng những "bất công" từ EU để vận động cử tri bỏ phiếu rời đi, cam kết sẽ giải quyết hậu quả trước mắt, và đang phải tìm cách xoa dịu 51,9% những người đã bỏ phiếu theo ý họ. Người lao động Anh, các doanh nghiệp đang là những người phải hứng chịu hậu quả trước tiên, và việc có "tồn tại" qua cú sốc này hay không sẽ là vấn đề quyết định tới kết quả Anh có thể rời EU hay không.

>Người Anh đã quyết rời khỏi EU

>Người Anh bắt đầu hối hận vì Brexit

>Người dân châu Âu lo ngại Brexit hơn cả người Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Brexit - cơn chấn động kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO