Bất thường và bình thường

THANH TÂM| 25/09/2009 07:18

Vụ Mỹ đánh thuế vỏ xe Trung Quốc (TQ) là phép thử chính sách thương mại của Tổng thống Obama

Bất thường và bình thường

Vụ Mỹ đánh thuế vỏ xe Trung Quốc (TQ) là phép thử chính sách thương mại của Tổng thống Obama, cho thấy thương mại tự do có thật sự là chính sách của chính quyền Mỹ hay chỉ là khẩu hiệu. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với người khổng lồ TQ, câu hỏi này thực sự khó có lời đáp.

Trở mặt hay khiêu khích?

Vào tháng 7/2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi “Hợp tác thay cho đối đầu” trong quan hệ bang giao với TQ, và “quan hệ Trung - Mỹ hình thành thế kỷ XXI là trách nhiệm của cả hai chúng ta”. Tuy nhiên, chưa “chung sống hòa bình" được bao lâu, tranh chấp thương mại giữa hai nước lại diễn ra. Đúng ngày 11/9, chính quyền Obama tuyên bố tăng 35% thuế lên vỏ xe do TQ sản xuất, sẽ bắt đầu áp dụng trước ngày 26/9/2009, và kéo dài ba năm.

Gần như ngay lập tức, Bộ Thương mại TQ đáp trả bằng thông báo sẽ bắt đầu điều tra chống phá giá thịt gà và linh kiện xe hơi nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Dân tình TQ phản ứng dữ dội trước quyết định của Mỹ: “Người Mỹ thật trơ trẽn. Họ chỉ biết đổ lỗi cho người khác về những thất bại của mình”. Tờ Global Times của Bắc Kinh ghi: “Chẳng ai mong chiến tranh thương mại xảy ra, nhưng cần có hành động trả miếng để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ”.

Lý giải nguyên nhân tại sao chính quyền Mỹ lại có hành động như vậy, các chuyên gia kinh tế và chính trị đưa ra vài nhận định. Tờ Times cho rằng, bấy lâu nay, chính quyền Obama áp dụng chiêu bài miệng nói thương mại tự do nhưng lại ngầm thực hiện các biện pháp bảo hộ. Tiêu biểu có các trường hợp: khoảng 250 công ty Canada lao đao vì gói kích thích “Mua hàng Mỹ” trị giá 787 tỷ USD; Brazil cũng chịu thiệt hại hàng trăm triệu USD khi chính quyền Mỹ tiếp tục bảo hộ 25.000 nông dân trồng bông vải. Quyết sách đánh thuế trực tiếp lần này là do áp lực từ phía công đoàn sản xuất thép. Họ phàn nàn hàng nhập khẩu từ TQ cướp việc làm của 5.000 công nhân trong nước. Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) thậm chí còn kiến nghị mức thuế 55%...

Ông Obama đang ở tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, ông khó khước từ đề nghị của giới công đoàn, thành phần ủng hộ ông lên chức tổng thống. Mặt khác, ông còn ôm mối lo lạm phát, lo giá trị đồng USD tiếp tục sụt giảm vì thâm hụt ngân sách, lo kinh tế Mỹ mất vị trí dẫn đầu... Dễ dãi với TQ sẽ gây bất mãn trong số những cử tri chủ chốt mà ông cần sự ủng hộ để tiến hành các cuộc cải tổ trong nước. Trong vụ vỏ xe, Obama đã phê chuẩn những chế tài đặc biệt đối với TQ có thêm động cơ thu được những ủng hộ của Quốc hội Mỹ về kế hoạch cải tổ hệ thống y tế.

Tuy nhiên, Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại Đại học Cornell nhấn mạnh: “Hành động của Mỹ và việc trả miếng của TQ sẽ mở màn cho sự gia tăng chính sách bảo hộ từ cả hai phía”. Ông còn chỉ ra rằng, TQ có thể sẽ trả đũa nhiều hơn bằng cách bao cấp xuất khẩu, siết chặt nhập khẩu, châm ngòi chiến tranh thương mại, ảnh hưởng xấu đến kinh tế cả hai bên... Một số chuyên gia dự đoán, cuộc chiến vỏ xe giữa TQ và Mỹ sẽ dẫn đến việc TQ bán ra trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ như hành động trả đũa cho việc áp thuế cao với vỏ xe nhập khẩu từ TQ. Nắm giữ 800 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, TQ có thể tác động lớn đến chính sách tiền tệ, tài khóa và thương mại của Hoa Kỳ. Điều này giải thích tại sao họ lo lắng về thâm hụt ngân sách Mỹ và chính sách thuế vỏ xe.

Bất thường là chuyện bình thường

Thực tế là TQ và Mỹ đang rất cần đến nhau trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. TQ rất cần bảo đảm mức tăng xuất khẩu và qua đó tạo đủ công ăn việc làm cũng như duy trì ổn định xã hội trong nước, mà thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với TQ là Mỹ. Thêm vào đó, đang có trong tay nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, TQ không có cách chọn lựa nào khác là phải tiếp tục mua các trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ để giữ được giá trị của dự trữ ngoại tệ, trong khi đó, Mỹ đang tung thêm các trái phiếu của Bộ Tài chính để bù đắp cho thâm thủng ngân sách ngày càng lớn, mà quốc gia duy nhất có nguồn ngoại tệ dồi dào để mua các trái phiếu đó vẫn là TQ.

Dù quyền lợi thương mại Mỹ - Trung gắn liền, chính quyền Obama có vẻ như đang va chạm với TQ, từ thương mại đến quan điểm an ninh, quốc phòng. Ngay từ sau khi Liên Xô sụp đổ và khối NATO lan dần sang phía Đông, các nhà chiến lược đã chỉ ra rằng, với Bắc Kinh, nguy cơ NATO áp sát biên giới là một cơn ác mộng. Việc Nga ngăn NATO không tiến xa hơn về phía Đông đem lại cho TQ một cảm giác an toàn. Nhưng Nga hợp tác chặt chẽ với NATO thì cảm giác đó có thể sẽ không còn nữa. Tổng thống Barack Obama đă chọn ngày xấu nhất trong năm, ngày 17/9 để báo cho phía Ba Lan rằng Hoa Kỳ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa đã hứa với động thái được cho là vì quan hệ mới với Nga.

Chính điều đó cho thấy, vụ vỏ xe TQ nhập khẩu đang là phép thử chính sách thương mại của ông Obama, cho thấy chủ trương thương mại tự do có thật sự là chính sách của chính quyền Mỹ hay chỉ là khẩu hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất thường và bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO