Bất ngờ kinh tế Mỹ

06/01/2012 07:07

Điều kỳ lạ đã xảy ra: Trong khi cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu diễn biến xấu đi thì kinh tế Mỹ lại bất ngờ hồi phục.

Bất ngờ kinh tế Mỹ

Điều kỳ lạ đã xảy ra: Trong khi cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu diễn biến xấu đi thì kinh tế Mỹ lại bất ngờ hồi phục.

Thị trường lao động sáng sủa hơn. Người Mỹ tiêu xài thả ga vào đợt nghỉ lễ cuối năm. Hàng dự trữ tăng lên. Các nhà máy bận rộn hơn. Thị trường nhà đất có chút sắc hồng… Những điều này quả không tệ chút nào đối với một nền kinh tế đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu và gần đây nhất là đối mặt với khả năng rơi vào cuộc suy thoái thứ hai. Thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn vào mỗi quý trong năm 2011. Và quý IV/2011 là quý khả quan nhất khi giới chuyên gia dự báo sẽ tăng trưởng hơn 3%.

Những sắc hồng

Nếu tăng trưởng vẫn tiếp tục diễn biến tích cực như hiện nay, ông Joel Naroff thuộc Naroff Economic Advisors dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2012.

Khi hãng thông tấn AP khảo sát 43 chuyên gia kinh tế vào tháng 8/2011, họ đều cho rằng khả năng Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái khác là 1:4. Đã có nhiều lý do để lo ngại. Đặc biệt là chuyện nợ Chính phủ Mỹ, vốn là nguyên nhân quốc gia này bị tổ chức Standard & Poor’s tước mất xếp hạng tín dụng AAA cách đây vài tháng.

Hiện tại, hầu hết các chuyên gia phân tích đã loại bỏ khả năng rằng Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái thứ hai. Một số tổ chức thậm chí đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Chẳng hạn, Macroeconomic Advisers gần đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP Mỹ trong quý IV/2011 lên 3,7% (so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mức tăng đáng kể so với 2% của quý III/2011 và cũng là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ mức 3,8% vào mùa xuân năm 2010.

Rõ ràng, có nhiều cơ sở để lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ. Trước tiên là thị trường lao động đã cải thiện thấy rõ. Số người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp chỉ còn 366.000 vào trung tuần tháng 12/2011, giảm từ mức đỉnh 659.000 trong tháng 3.2009.

Một trong những lý do khiến thị trường việc làm khả quan hơn là Mỹ đang sản xuất ra nhiều hàng hóa hơn và nhập khẩu ít hơn. Đầu tháng 12, Chính phủ cho biết thâm hụt thương mại đã giảm trong tháng thứ tư liên tiếp và đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây.

Mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ vừa qua cũng đầy bất ngờ khi doanh số bán hàng cao hơn nhiều so với dự kiến. Người Mỹ đã bỏ ra 32 tỉ USD mua hàng qua mạng, cao hơn 15% so với cách đây 1 năm. Người tiêu dùng Mỹ cũng đã lạc quan hơn về nền kinh tế trong tháng 11 so với tháng 7, theo Conference Board, tổ chức chuyên theo dõi tâm trạng người tiêu dùng. Chỉ số niềm tin tiêu dùng của tổ chức này đã tăng 15 điểm lên 56 vào tháng 11, mức cao nhất trong 1 tháng kể từ tháng 4/2003.

Một dấu hiệu quan trọng nữa cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ là doanh nghiệp đang bắt đầu trữ hàng trở lại. Trong tháng 10, hàng dự trữ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2010.

Thị trường nhà đất cũng đang cho thấy chút sắc hồng. Hoạt động xây dựng nhà đã tăng hơn 9% trong tháng 11 (so với tháng 10). Hiệp hội Các nhà kinh doanh Bất động sản Mỹ (NAR) cũng cho biết doanh số bán nhà ở hiện hữu đã tăng 4% trong tháng 11.

Một năm 2012 không chắc chắn

Bước sang năm 2012, các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra thận trọng. Bernard Baumohl, chuyên gia kinh tế trưởng tại Economic Outlook Group, cho rằng: “Chưa rõ người tiêu dùng có chi tiêu mạnh tay hơn hay không. Bởi lẽ, mức lương đã không bắt kịp với mức lạm phát cả năm”.

Chính phủ Mỹ cho rằng nếu điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát, thu nhập hằng quý đã giảm 1,8% trong khoảng thời gian từ tháng 11/2010 - 11/2011. Người tiêu dùng đã dùng tiền tiết kiệm hoặc thẻ tín dụng để chi trả các khoản mua sắm. Một khi hóa đơn đến tay họ vào đầu năm 2012, Baumohl cho rằng họ sẽ hạn chế lại mức chi tiêu.

Dù đã lạc quan hơn, nhưng Baumohl cũng không loại trừ kịch bản có thể xảy ra: nền kinh tế, theo dự báo của ông, có thể sẽ tăng trưởng chỉ 0,2% trong 3 tháng đầu năm 2012 (so với cùng kỳ năm 2011) và kết thúc năm này với mức tăng trưởng không quá 1,8%.

Trong khi đó, châu Âu đang trên bờ vực của suy thoái mặc dù các nhà làm chính sách đang ra sức tìm giải pháp cho vấn đề khủng hoảng nợ của châu lục này. Trong một kịch bản tồi tệ nhất, sự đổ vỡ của khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ gây ra làn sóng hoảng loạn trên các thị trường tài chính thế giới và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến Mỹ.

Tuy nhiên, ông Joel Naroff thuộc Naroff Economic Advisors cho rằng các mối lo ngại về kinh tế Mỹ trong năm 2012 đã bị nói quá. Theo ông, vấn đề chính của năm 2012 là việc làm. Nếu tăng trưởng vẫn tiếp tục diễn biến tích cực như hiện nay, ông dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3% trong năm 2012.

Ngoài ra, ông cho rằng, quan trọng là doanh nghiệp và người tiêu dùng đã trở nên có niềm tin hơn vào nền kinh tế. Và nếu châu Âu tránh được một cuộc đổ vỡ và chỉ bị suy thoái nhẹ như dự báo của ông thì tác động lên nền kinh tế Mỹ sẽ rất hạn chế.

Trước mắt, một tin vui là cuối tháng 12/2011, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành đạo luật tạm thời gia hạn chính sách giảm thuế thu nhập thêm 60 ngày sau khi chính sách này hết hiệu lực vào ngày 31/12/2011. Đạo luật này sẽ tiếp tục duy trì mức thuế 4,2% (thay vì tăng lên 6,2%) đối với các khoản thu nhập đóng vào quỹ bảo hiểm an sinh xã hội của khoảng 160 triệu người lao động Mỹ. Đồng thời, có khoảng 2 triệu người tiếp tục được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp thêm 2 tháng. Đạo luật này sẽ củng cố thêm lòng tin của người dân và khuyến khích họ chi tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất ngờ kinh tế Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO