Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc: Đã có những điểm sáng?

27/02/2019 03:20

Trong khi mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên phức tạp một phần vì cách đối đãi của Bắc Kinh với các công ty nước ngoài, nhiều công ty ngoại tại thị trường đông dân nhất thế giới cho rằng vẫn có một vấn đề đang được cải thiện, đó là bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, theo CNBC.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc: Đã có những điểm sáng?

Sản phẩm của HP được bày bán tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh minh họa: Qilai Shen

Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Trung Quốc ngày 26/2 cho biết, 59% thành viên của Hiệp hội tin rằng trong 5 năm qua, Bắc Kinh đang dần cải thiện vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả khảo sát 314 đại diện công ty thành viên được thực hiện từ 13/11 – 16/12/2018 cho thấy, nhiều công ty thành viên của AmCham Trung Quốc nói rằng, việc thực thi bảo hộ thương hiệu cũng đã được cải thiện trong giai đoạn 2016 – 2018.

“Tôi nghĩ rằng các số liệu từ kết quả khảo sát đã cho thấy, có một sự cải thiện nhất định trong hệ thống pháp lý về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ”, Timothy Stratford – Chủ tịch AmCham Trung Quốc nói với giới báo chí tại Bắc Kinh.

Dù nhìn chung, Bắc Kinh đã hành động chậm chạp hơn nhiều so với mức độ mong đợi của các doanh nghiệp nước ngoài, những dấu hiệu này thể hiện một sự "tiến bộ đúng hướng".

Cuối tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố, từ tháng 1/2019, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc sẽ bắt đầu xử phúc thẩm các vụ án vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước đây, các vụ án này chỉ được thụ lý bởi tòa án cấp tỉnh.

Link bài viết

Tuy nhiên, Stratford chỉ ra, gần một nửa người tham gia khảo sát thuộc các lĩnh vực công nghệ, tài nguyên và công nghiệp nói rằng họ sẽ đầu tư vào thị trường Trung Quốc nếu nhìn thấy sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thực thi mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ, và rằng Trung Quốc buộc các công ty Mỹ phải chia sẻ công nghệ nếu kinh doanh tại thị trường này.

Sự căng thẳng thương mại giữa 2 cường quốc leo thang hồi năm ngoái với việc áp thuế lên hàng hóa của nhau, với tổng giá trị lên đến hàng tỷ đô la.

Sau vài tuần đàm phán ở Washington và Bắc Kinh, hôm 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ hoãn kế hoạch tiếp tục áp thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc vốn dự kiến sẽ bắt đầu từ 1/3/2019, vì quá trình đàm phán thương mại đã đạt được “chuyển biến tích cực”.

Nhìn chung, kết quả khảo sát của AmCham khá ảm đạm, phản ánh đúng như lời than phiền của các công ty nước ngoài về sự sụt giảm tăng trưởng và về một sân chơi kém bình đẳng dành cho doanh nghiệp ngoại tại Trung Quốc, khi mà nền kinh tế này vẫn phải chịu sự kiểm soát bởi chính phủ sở tại.

Theo báo cáo từ kết quả khảo sát, mức tổng lợi nhuận của doanh nghiệp tại Trung Quốc đã giảm nhẹ và sự lạc quan về tình hình kinh doanh cũng sụt giảm, vì nhiều doanh nghiệp lo ngại về việc gia tăng chi phí sản xuất.

Kết quả khảo sát còn cho thấy, gần 20% công ty được hỏi nói rằng họ không kỳ vọng thị trường của mình sẽ tăng trưởng trong năm nay. Đối với hơn 1/3 công ty được khảo sát, hệ số biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay của họ ở thị trường Trung Quốc thấp hơn so với ở các thị trường khác trên thế giới.

Các công ty về công nghệ, tài nguyên và công nghiệp cũng nói rằng lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng cạnh tranh từ các công ty tư nhân Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, đối với các công ty được khảo sát, thị trường Trung Quốc vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu cho các kế hoạch đầu tư ngắn hạn, vì họ nhìn thấy cơ hội kinh doanh từ sự tăng trưởng tiêu dùng nội địa tại nước này.

Các công ty về hàng không vũ trụ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và phân phối cho thấy mức độ lạc quan cao nhất đối với môi trường đầu tư tại Trung Quốc, báo cáo cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc: Đã có những điểm sáng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO