Áo mới chưa qua khỏi đầu

THANH TÂM| 27/11/2009 00:12

Lục địa châu Âu được ví như cụ già nằm giường xem truyền hình trực tiếp cuộc chạy đua giữa Mỹ và châu Á. Để “cải lão”, châu Âu đã bầu lên vị chủ tịch đầu tiên với hy vọng dẫn dắt các nước nội khối thoát khỏi những luẩn quẩn hiện tại.

Áo mới chưa qua khỏi đầu

Lục địa châu Âu được ví như cụ già nằm giường xem truyền hình trực tiếp cuộc chạy đua giữa Mỹ và châu Á. Để “cải lão”, châu Âu đã bầu lên vị chủ tịch đầu tiên với hy vọng dẫn dắt các nước nội khối thoát khỏi những luẩn quẩn hiện tại.

Ban lãnh đạo mới của EU

Sau đêm 19/11/2009, Thủ tướng Bỉ Herman Van Rompuy bước lên vũ đài chính trị toàn cầu với chức danh Chủ tịch Liên minh Châu Âu - EU. Vị Chủ tịch 62 tuổi này sẽ chính thức nhậm chức vào ngày đầu năm 2010. Nhiệm kỳ của ông kéo dài hai năm rưỡi, thay cho quy ước cũ là lãnh đạo các nước thành viên luân phiên giữ chức chủ tịch trong sáu tháng. Ủy viên Hội đồng Thương mại EU, bà Catherine Ashton, 53 tuổi, đã nhận chức Ngoại trưởng EU. Hai nhân vật này sẽ đại diện cho 27 thành viên EU trong hầu hết các hoạt động kinh tế và chính trị, để EU có tiếng nói đồng nhất, có sức mạnh áp đảo trên trường quốc tế.

Thay vì tung hô nhân vật chủ chốt mới, nhiều lãnh đạo, chuyên gia và giới truyền thông không khỏi ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ quyết định của lãnh đạo 27 quốc gia EU. Nguyên nhân là do thành tích hoạt động chính trị của cả ông Rompuy và bà Ashton còn quá mờ nhạt. Ông Van Rompuy chưa có kinh nghiệm lãnh đạo quốc tế, chẳng có uy tín chính trị trong nước vì mới nhận chức Thủ tướng Bỉ chưa tròn năm. Bà Nam tước Catherine Ashton thuộc Đảng Lao động Anh thì chưa bao giờ làm đại diện dân cử; trong chính quyền, bà cũng chưa hề làm bộ trưởng. Cho đến nay, bà chỉ nắm giữ những chức vụ thứ yếu tại Anh. Riêng trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế, nơi những mối quan hệ quen biết cá nhân là những yếu tố tối cần thiết, thì bà không hề có kinh nghiệm.

Nếu ví Hoa Kỳ là vận động viên đường trường đang dẫn đầu cuộc đua, còn Trung Quốc là chuyên gia nước rút đang nỗ lực bứt phá, thì châu Âu chỉ là cụ già đang nằm xem cuộc đua được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Hiện tại, tình hình của EU vô cùng ảm đạm. Kể từ khi thành lập EU đến nay, các nước chỉ mải lẩn quẩn quanh chuyện thị trường chung, đồng tiền chung, trụ sở chung, rồi tranh cãi về tiền bạc, hiệp ước, quy định..., trong khi đó, chủ nghĩa nghiệp đoàn quá cổ hủ, hệ thống tài chính quá cũ kỹ, công nghiệp high-tech thì trì trệ. Những chỉ số kinh tế mới nhất thể hiện rõ sự suy yếu của EU. Theo The Wall Street Journal, GDP của Liên Hiệp Anh trong quý III/2009 giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái, Đức giảm 4,7%, Pháp giảm 4,1%...

Tình cảnh gấp rút là thế, nhưng lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU lại chọn ra hai nhân vật thiếu kinh nghiệm chính trường thế giới đặt vào vị trí chủ chốt. Phải chăng, họ từ chối cựu Thủ tướng Anh Tony Blair vì muốn có những gương mặt lạ, tạo luồng gió mới giống như nước Mỹ ủng hộ tổng thống da màu đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử vì kỳ vọng vào “Chúng ta có thể”. Chưa biết Van Rompuy có là kỳ tích Obama của EU hay không, nhưng có thể thấy, điểm khác biệt đầu tiên là thay vì hứa làm nhiều, nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu như Obama, ông Van Rompuy chỉ nói: “Tôi sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người, làm việc một cách thận trọng để đem lại kết quả tốt nhất”.

Tuy nhiên, ngay cả trong việc bầu bán nhân vật được kỳ vọng là tạo nên sự đổi mới của lục địa già cỗi, EU vẫn không thoát ra khỏi sự già nua, bảo thủ. Hai nhân vật không mấy xuất sắc đã được chọn vì theo nhiều phân tích, các nước lớn như Pháp, Đức và Anh thỏa hiệp với nhau để tán đồng, nhưng cũng vì lợi ích riêng của những nước lớn. Mục tiêu chủ yếu đã đạt được: cặp Van Rompuy - Ashton sẽ không che khuất uy thế của đương kim chủ tịch Ủy ban Châu Âu, José Manuel Barroso, cũng như các lãnh đạo quốc gia châu Âu đã tiến cử họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áo mới chưa qua khỏi đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO