6 điểm nhấn thú vị của thế giới năm 2014

HÀ CÚC| 19/02/2015 03:04

Đằng sau thế giới ảo của internet và sự “dàn phẳng” của văn hóa, kinh tế, vẫn có những màu sắc đọng lại của một thế giới không hề ảo...

6 điểm nhấn thú vị của thế giới năm 2014

Hàng trăm năm trước, nhà văn Paul Theroux với cuốn du ký “Phương Đông lướt ngoài cửa sổ” đã ngắm nhìn thế giới qua ô cửa của những chuyến tàu dọc ngang châu Á. Phương Đông là những chuyến tàu lao đi vùn vụt, loang loáng những vệt màu sau lưng đầy mê hoặc và bí ẩn.

Đọc E-paper

Thế giới phẳng của thế kỷ XXI cũng lao đi với tốc độ của những đường truyền internet tốc độ tính bằng megabit, gigabit. Nhưng đằng sau thế giới ảo của internet và sự “dàn phẳng” của văn hóa, kinh tế, vẫn có những màu sắc đọng lại của một thế giới không hề ảo...

1. Điểm sáng hay bóng tối?

Bức ảnh Một điểm sáng trong bóng tối đoạt giải cuộc thi ảnh 2014 của Tạp chí National Geographic. Đây là tác phẩm của nhiếp anh gia Brian Yen, ghi lại hình ảnh một cô gái mải mê với chiếc điện thoại trên một chuyến tàu ở Hồng Kông.

Brian Yen chia sẻ “Trong 10 năm qua, thiết bị di động, những chiếc điện thoại thông minh và mạng xã hội đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Người phụ nữ này đứng giữa một đám đông trên tàu với ánh sáng từ chiếc điện thoại hắt lên khuôn mặt cô ấy như nói với mọi người xung quanh quanh rằng cô ấy thật sự không tồn tại ở đây.

Cô ấy dường như đang tách khỏi nơi đây và đang phiêu lưu trên mạng xã hội hoặc đang lang thang trên khắp địa cầu, tự do như một cánh bướm”.

“Một mặt tôi cảm thấy đó là sự giải phóng từ món quà của công nghệ đem lại, mặt khác tôi cảm thấy con người ngày càng xa cách, kém thân thiện dần đi”, Brian Yen nói về bức ảnh.

2. Những nhân vật không rõ mặt con người

Danh hiệu Nhân vật của năm (Person of the Year) của Tạp chí Time của Hoa Kỳ nhằm tôn vinh người có tầm ảnh hưởng lớn nhất với cả thế giới trong một năm.

Tuy nhiên, vào ngày 26/12/1982, lần đầu tiên trong lịch sử, danh hiệu Nhân vật của năm do Tạp chí Time bình chọn không phải một con người, mà được trao cho chiếc máy tính cá nhân, một phát minh tạo nên bước đột phá trong văn minh nhân loại.

Bên cạnh máy tính cá nhân, một nhân vật của năm khác được Tạp chí Time bình chọn mà không phải con người là “Trái đất bị thương tổn” vào năm 1988, nó được ghi chú là Hành tinh của năm. Danh hiệu này nhằm cảnh báo hiện tượng biển đối khí hậu và tài nguyên đang cạn kiệt trên Trái đất.

Nhân vật của năm 2014 được trao cho con người, nhưng là những người không rõ mặt vì mang mặt nạ phòng chống dịch Ebola.

Time chọn họ, những nhân viên y tế, bác sĩ, cứu hộ... là Nhân vật của năm vì họ dũng cảm, đã hy sinh tính mạng của mình, họ phải cứu sống nhiều mạng người khác.

3. Mua fan, bán like

Theo Hãng tin AFP, mạng xã hội Instagram đã quyết định xóa bỏ các tài khoản giả hiệu hay không hoạt động. Kết quả là một số ngôi sao trong giới văn nghệ sĩ đã mất đi hàng triệu người hâm mộ có đăng ký (fan).

Sự kiện này đã phơi bày một hiện tượng gian lận trên các mạng xã hội là “mua fan” để làm tăng sự nổi tiếng trên mạng Twitter, YouTube hay Facebook.

Cái giá trả cho các trang web cung cấp dịch vụ “mua fan, bán like” này là vài USD cho vài trăm fan, nhưng có thể lên tới hàng hàng USD cho những khách hàng muốn gia nhập “câu lạc bộ ngàn fan”.

Khách hàng cho dịch vụ giả hiệu này thường là các công ty quảng cáo, ông bầu trong giới nghệ sĩ hay các nghệ sĩ mới vào nghề. Giới luật sư, các trung tâm thương mại và cả các tổ chức phi chính phủ và chính trị gia cũng có tên trong danh sách những người mua like ảo.

4. Bản đồ fastfood

Mcdonald's mở nhà hàng đầu tiên tại San Bernardino, California vào năm 1948, và nó đã trở thành một “vương quốc” của thức ăn nhanh lan rộng khắp toàn cầu. Hiện nay, McDonald’s đã có 35.000 nhà hàng tại 107 quốc gia đạt doanh thu hơn 89 tỷ USD trong năm 2013.

Tuy nhiên, không chỉ có McDonald’s, mà nhiều thương hiệu fastfood khác đang gia tăng sức mạnh biểu tượng văn hóa của lối sống Mỹ. Bản đồ fastfood của The Economist cho thấy, McDonald’s có xu hướng thống trị ở Tây Âu. KFC, nổi tiếng với món gà chiên, ngự trị tối cao ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á.

Số lượng các cửa hàng KFC đã tăng 59% trong 5 năm qua với số lượng cửa hàng lên tới 18.875 và doanh thu 23 tỷ USD. Tuy nhiên, Subway mới là “pháo đài” mới của văn hóa thức ăn nhanh.

Công ty này thành lập vào năm 1965, hiện có 43.000 nhà hàng tại 108 quốc gia trên toàn thế giới. Các đại gia fastfood Mỹ lắm tiền nhiều của, đủ tiềm lực để áp đặt các chi nhánh của mình khắp thế giới và “gây nghiện” cho giới trẻ tại đây.

Trong khi người dân châu Á lý tưởng hóa fastfood thì người dân Mỹ có hàng chục lý do để tẩy chay fastfood. Họ nhận ra rằng không chỉ hamburger mà cả salad cũng là những món ăn độc hại, dư béo, quá nhiều mayonaise... sẽ giết chết họ một ngày nào đó.

5. Đồng euro ở Litva

Vài phút sau khi pháo bông được bắn lên trên nền trời Litva lúc giao thừa chào đón tân niên 2015 và đồng tiền mới, Thủ tướng Algirdas Butkevicius đã rút tượng trưng tờ giấy bạc 10 euro đầu tiên từ một máy rút tiền tự động.

Giơ cao tờ giấy bạc trước các chính khách tháp tùng, ông tuyên bố: “Đồng euro sẽ đảm bảo an ninh kinh tế và chính trị cho chúng ta”.

Là nước cuối cùng chuyển sang sử dụng đồng euro trong số ba nước Ban-tích thuộc Liên Xô cũ - Estonia đã gia nhập eurozone năm 2011 và Latvia năm 2014, Litva coi đây là một dấu hiệu hội nhập kinh tế và chính trị mạnh mẽ với phương Tây.

Ba nước vùng Ban-tích, sau nửa thể kỷ lệ thuộc Liên Xô, đã gia nhập Liên hiệp Châu Âu và khối NATO năm 2004. Litva chính thức trở thành thành viên thứ 19 trong khu vực đồng euro, với hy vọng gắn bó hơn với phương Tây, mặc cho rủi ro giá cả có thể tăng lên.

6. Thầy giáo triệu đô

Vào lúc mà người Mỹ dành một ngân sách khoảng 24 tỷ USD để mua trò chơi điện tử cho con cái hằng năm, thì các bậc phụ huynh Hàn Quốc đầu tư một khoản tiền 17 tỷ USD để cho con em đi học, chủ yếu là học thêm, ghi danh vào các lớp học tư.

Học ngày không đủ tranh thủ học đêm, nên tại Hàn Quốc, học qua mạng ngày càng trở nên phổ biến. Điều đó giải thích vì sao một vài thầy giáo xứ Hàn thu vào triệu USD nhờ mở các lớp học thêm trên mạng.

Một thầy giáo dậy toán ở Seoul, Giáo sư Cha Kil Yong không che giấu năm ngoái thu nhập của ông lên tới 8 triệu USD. Với phương pháp giảng bài kiểu rock’n roll, trường học online của ông đã có tới hơn 300.000 học sinh ghi danh.

Thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc năm 2012 cho thấy, hơn 80% học trò tiểu học đi học thêm, tỷ lệ này giảm xuống còn 70 % ở cấp trung học. Khi lên tới đại học thì còn khoảng 57 %.

Dịch vụ mở lớp dạy thêm đem về một khoản thu nhập tương đương với 3% tổng sản phẩm nội địa của Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
6 điểm nhấn thú vị của thế giới năm 2014
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO