3 chủ nợ thảo luận về đề xuất cải cách của Hy Lạp

11/07/2015 06:43

Từ ngày 10/7, bộ 3 chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế tiến hành thảo luận trực tuyến, phân tích về các đề xuất cải cách mới của chính phủ Hy Lạp.

3 chủ nợ thảo luận về đề xuất cải cách của Hy Lạp

Từ ngày 10/7, bộ 3 chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiến hành thảo luận trực tuyến, phân tích về các đề xuất cải cách mới của chính phủ Hy Lạp.

Cuộc thảo luận có sự tham gia của Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde, Chủ tịch ECB Mario Draghi và Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem.

Kết quả cuộc thảo luận sẽ được chuyển tiếp cho các nước thành viên Eurozone trước khi các Bộ trưởng Tài chính của khu vực sẽ nhóm họp thảo luận chi tiết hơn trong ngày 11/7.

Theo một quan chức giấu tên trong Eurozone, trong trường hợp các Bộ trưởng Tài chính Eurozone nhất trí với các đề xuất cải cách của Athens, nhiều khả năng sẽ không cần tiến hành thêm Hội nghị thượng đỉnh 19 nước Eurozone trong ngày 12/7.

Tuy nhiên, quan chức này không đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) gồm 28 quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 12/7 để thảo luận về vấn đề Hy Lạp.

>>ECB dự định bơm 1.100 tỷ euro vào Eurozone

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết Berlin chưa đánh giá về nội dung các đề xuất của Hy Lạp. Theo thông báo của Bộ Tài chính Đức, sẽ không có chuyện tái cơ cấu nợ hay trừ nợ cho Hy Lạp, mà chỉ có thể trao cho nước này chương trình cứu trợ tiếp theo, nhưng để có thể tiến hành đàm phán về chương trình này cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội 6 nước Eurozone gồm Đức, Hà Lan, Estonia, Slovakia, Slovenia và Phần Lan.

Trong khi đó, lãnh đạo của 18 nước Eurozone còn lại cũng đang có ba quan điểm khác nhau về vấn đề Hy Lạp.

Nhóm thứ nhất (gồm Cộng hòa Síp, Pháp, Italy, kể cả lãnh đạo EC và Nghị viện châu Âu) theo quan điểm phản đối Grexit (Hy Lạp rời Eurozone). Nhóm thứ hai (gồm Luxemburg, Tây Ban Nha, Ireland, Malta, Bồ Đào Nha và Eurogroup) kêu gọi tránh Grexit nếu có thể. Nhóm còn lại (gồm Đức, Slovenia, Estonia, Slovakia, Phần Lan, Litva, Latvia, Bỉ, Áo và Hà Lan) sẵn sàng cho kịch bản Hy Lạp rời Eurozone.

Trong phát biểu ngày 10/7, Phó Chủ tịch nhóm nghị sỹ cánh tả trong Quốc hội Đức Sahra Wagenknecht lên án các chủ nợ dồn ép Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay.

Theo bà, danh mục cải cách vừa được Hy Lạp đưa ra là những kế hoạch khắc khổ mà trước đó có trên 60% dân chúng Hy Lạp phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân.

Điều đó cho thấy chính phủ Hy Lạp đã bị IMF, ECB và EC dồn ép đến không còn lối thoát, và thảm kịch với Athens sẽ còn tiếp diễn nếu các chủ nợ và Eurozone không thể sớm thông chương trình cứu trợ thứ ba cho quốc gia này.

>>Châu Âu không dễ "ghìm cương" khủng hoảng nợ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 chủ nợ thảo luận về đề xuất cải cách của Hy Lạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO