2010: Màu xanh trở lại

THANH TÂM (Theo The Economist, BusinessWeek, Financial Times)| 31/12/2009 06:26

Bản đồ những nền kinh tế đã hồi phục vào cuối năm 2009 cho thấy xuất hiện màu xanh từ Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, khác với màu đỏ rực biểu hiện của suy thoái hồi đầu năm.

2010: Màu xanh trở lại

Bản đồ những nền kinh tế đã hồi phục vào cuối năm 2009 cho thấy xuất hiện màu xanh từ Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á, khác với màu đỏ rực biểu hiện của suy thoái hồi đầu năm. Tuy nhiên, gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính chưa được giải quyết triệt để vẫn sẽ là những thách thức của kinh tế thế giới năm 2010.

Hồi phục nhanh nhưng yếu

Với sản lượng toàn năm 2009 giảm hơn 1% tính theo sức mua thực tế, bức tranh chung của nhiều nước trên thế giới là hiện trạng thất nghiệp và sự hồi phục yếu ớt. Cho tới cuối năm 2009, những người khổng lồ kinh tế thế giới đã ngừng trượt dốc và giới lạc quan đã kỳ vọng vào một kịch bản hồi phục hình chữ V. Thương mại thế giới cũng đã hồi phục, thị trường chứng khoán tăng hơn 60%, các ngân hàng đã cho vay trở lại với lãi suất hợp lý hơn... Tuy nhiên, sự hồi phục này không đồng đều, nhiều yếu tố sẽ còn tác hại đến tăng trưởng kinh tế thế giới.

Những nền kinh tế đang lên, như Trung Quốc và Ấn Độ hầu như không bị khủng hoảng tác động nhiều. Trung Quốc loan báo nhắm đến tăng trưởng kinh tế 8% năm 2010, mặc dù vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu. Kinh tế Mỹ cũng giảm dần suy thoái. Đến giữa năm 2009, châu Âu chầm chậm hồi phục nhờ các khoản tiền bơm vào ngân hàng, tập đoàn và kích thích tiêu dùng... Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại đó là sự tăng trưởng bong bóng, vì nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết... Nợ quốc gia của các nước giàu tăng nhanh và mạnh.

Các nước đang phát triển thì ngược lại: khả năng tài chính, thanh khoản cao đến mức đáng báo động. Nhìn vào Trung Quốc, người ta đặt câu hỏi: Những gói kích thích khổng lồ từ đâu ra? Nguồn tiền để thu mua nguyên nhiên liệu thế giới? Ngoài ra, việc kềm giá trị của đồng nhân dân tệ và điều kiện tài chính lỏng lẻo kéo dài cũng là mối lo ngại không nhỏ... Còn tại những nước giàu, kế hoạch tín dụng cắt giảm tài chính trung hạn sẽ hạn chế nguy cơ lãi suất gửi tiết kiệm dài hạn tăng. Để minh họa cho tình hình hồi phục yếu ớt của kinh tế châu Âu, tờ l'Expansion dẫn các phân tích cho rằng, nếu cúm A phát triển mạnh lên hay dầu hỏa tăng giá thì kinh tế châu Âu có nguy cơ “bị bệnh” trở lại.

Tàn tích chưa thể dọn dẹp

Thử thách trong năm 2010 là giải quyết nạn thất nghiệp và khắc phục những thiệt hại trong các lĩnh vực tài chính. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn bộc lộ lo ngại về khu vực đồng tiền chung euro, vì tỷ lệ thất nghiệp quá cao và có dấu hiệu sẽ tiếp tục tăng. Giám đốc quản lý IMF Dominique Strauss-Kahn phát biểu tại một hội nghị ở London: “Cơn bão khủng khiếp nhất đã qua nhưng tàn tích để lại chưa thể dọn sạch. Nền kinh tế vẫn còn rất yếu”...

Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng có cùng nhận định: Sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế tăng và 2010 là giai đoạn phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, trong phần dẫn nhập của báo cáo dự đoán kinh tế sẽ công bố vào tháng 1/2010 này, LHQ khẳng định: Gói kích thích tài chính khổng lồ của các chính phủ góp phần vào sự phục hồi kinh tế. Vì vậy, các nước nên tiếp tục cung cấp gói kích thích, ít nhất là cho đến khi tiêu dùng người dân và đầu tư cá nhân tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm trên toàn cầu...

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán: Tăng trưởng trung bình năm 2010 của 30 quốc gia (trong đó có Mỹ, Nhật, Đức, Anh) sẽ là 1,9%. Đặc biệt, Mỹ có thể đạt mức 2,5% nhờ gói kích thích của chính phủ, hệ thống tài chính được cải thiện, thị trường nhà đất dần ổn định. Tuy nhiên, theo OECD, sự phục hồi vẫn còn khiêm tốn, chưa đủ sức làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, mãi đến năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu mới giảm. Kinh tế Nhật phải đối mặt với sự trở lại của giảm phát.

Giá cả ở nước này đang diễn biến theo chiều hướng đi xuống, khiến người ta lo ngại về một vòng xoáy giảm phát đe dọa nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc. Đó là lý do vì sao giữa lúc các nền kinh tế trên thế giới bắt đầu cân nhắc tới chuyện rút lui khỏi các biện pháp kích thích thì Nhật Bản lại tung ra một gói kích thích kinh tế mới.

Khách hàng chính phủ

Giới tiêu dùng Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, có lẽ sẽ im ắng trong năm 2010. Nợ nần và thất nghiệp vẫn tiếp tục là bóng đen của thị trường bán lẻ của cả thế giới. Ước tính cho tới khi kinh tế thế giới hoàn toàn thoát khỏi đợt suy thoái này, 25 triệu người tại các nước trong OECD có thể chịu cảnh thất nghiệp. Nợ cá nhân tại lục địa châu Âu tương đối thấp, nhưng các ngân hàng còn yếu ớt. Còn Nhật Bản dường như vẫn chưa sẵn sàng phục hồi kinh tế.

Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp còn đứng vững sau khủng hoảng sẽ tiếp tục cầm cự bằng cách thu hút khách hàng của các công ty đã phá sản. Và điều kiện tiên quyết để phát triển là không ngừng sáng tạo. Chính quyền trở thành lực lượng tiêu dùng lớn mà các doanh nghiệp cần nhắm đến. Trung tâm của kinh tế 2010 sẽ là thị trường các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil...

Tài chính khó khăn, người tiêu dùng chuộng hàng giá rẻ, những hãng như Tata, Huyndai "lên ngôi", xuất sang thị trường châu Âu tăng. Nhu yếu phẩm của những tập đoàn như P&G vẫn được ưa chuộng. Tốc độ tăng trưởng của chuỗi cửa hàng bán lẻ toàn cầu như Wal Mart sẽ ổn định. Mạng xã hội sẽ tiếp tục phát triển.

Vàng, dầu ổn định hơn

Kinh tế hồi phục, giá dầu sẽ tăng nhẹ. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo: “Nhu cầu dầu thế giới năm 2010 sẽ tăng nhờ tiêu thụ tại châu Á và Trung Đông”. Dự đoán nhu cầu dầu thô năm 2010 sẽ đạt 86,3 triệu thùng, tăng 1,7% so với năm 2009. Mục tiêu của OPEC năm 2010 là bán 75USD/thùng, nhưng có thể sẽ dần nhích lên 100USD/thùng.

Do OPEC cắt giảm sản lượng, giá dầu trong năm nay đã tăng gần 60%. Tuy nhiên, tổ chức này trong năm 2010 sẽ đương đầu với một loạt vấn đề. Một vài quốc gia thành viên như Iraq và Venezuela đang gia tăng sản lượng, cho dù OPEC muốn cắt giảm một lượng lớn sản lượng dầu mỏ. Sự suy giảm mức độ kích thích này có thể sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ của những nhà tiêu dùng tại các quốc gia công nghiệp hóa cũng như có thể gia tăng áp lực đi xuống của giá dầu.

Ngân hàng J.P Morgan (Mỹ) dự báo, giá vàng sẽ lên tới 1.400 - 1.450 USD/ounce trong quý II/2010, trước khi bước vào giai đoạn giảm mạnh. Theo J.P Morgan, không có bất cứ lý do nào để tin rằng, cơn sốt giá vàng hiện nay sẽ sớm kết thúc, nguyên nhân chính là đồng USD đang mất giá và điều này sẽ tiếp tục diễn ra đến giữa năm tới. Một loạt nhân tố khác khiến giá vàng leo thang trong đầu năm tới là lãi suất tại Mỹ ở mức thấp kỷ lục, nhu cầu đầu tư vào kim loại quý này tăng mạnh, các ngân hàng trung ương hạn chế bán ra, tâm lý chờ đợi giá tiếp tục lên của những người bán và nhu cầu thực tế trên thế giới tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, sau khi lên tới điểm đỉnh vào giữa năm 2010, giá vàng sẽ hạ xuống mức 1.225USD/ounce trong năm 2011 và sau đó có thể giảm xuống 950USD/ounce. Mối lo ngại về lạm phát, lãi suất sẽ tăng, đồng USD sẽ hồi phục nhẹ là những lý do khiến giá kim loại, đặc biệt là vàng, sẽ bắt đầu hạ trong nửa cuối năm 2010.

IHS Global Insight, Công ty chuyên dự đoán tình hình chính trị, kinh tế, tài chính thế giới, đưa ra các dự báo cho năm 2010:

1. Kinh tế Mỹ bắt đầu hồi phục chậm. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 sẽ từ 2 - 2,5%. Chỉ số tiêu dùng tăng khoảng 1,8%. Thị trường nhà đất và mua bán máy móc thiết bị hồi phục khiêm tốn do tỷ lệ thất nghiệp còn cao: có thể lên đến 10,5% vào quý I/2010.

2. Châu Âu và Nhật Bản sẽ hồi phục chậm hơn Mỹ. Tàn tích của bong bóng nhà đất và khủng hoảng tài chính tiếp tục gây khó khăn cho các nước Tây Âu, đặc biệt là Iceland, Ireland và Tây Ban Nha. Khu vực đồng tiền chung euro, Anh và Nhật sẽ tăng trưởng khoảng 0,9%, tối đa là 1,4%.

3. Châu Á dẫn đầu các nước đang phát triển trên con đường tăng trưởng nhanh và mạnh. Châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ tăng trưởng trung bình 7,1%. Mỹ La-tinh, Trung Đông và châu Phi tăng từ 3 - 4%. Các quốc gia châu Âu đang phát triển sẽ tăng 1,7%.

4. Lãi suất những nước G8 sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Anh Quốc, Ngân hàng Nhật Bản sẽ không tăng lãi suất, trong khi Úc, Israel và Na Uy đã bắt đầu tăng nhẹ. Vài ngân hàng trung ương tại châu Á cũng sẽ tăng lãi suất trong quý I hoặc II/2010.

5. Kích thích tài chính giảm. Hầu hết các quốc gia không có kế hoạch tiếp tục bơm tiền kích thích tiêu dùng. Chi tiêu ngân sách sẽ bị siết chặt. Mỹø sẽ chỉ nhắm đến mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp.

6. Lạm phát không phải là vấn đề trọng tâm. Những quốc gia cần lưu ý tránh lạm phát sẽ chỉ là những nước châu Á đang phát triển và những nước có tiền tệ gắn liền với đồng USD (chủ yếu là Trung Đông và châu Á).

7. Đồng USD sẽ mạnh hơn nhưng đường đi lên không bằng phẳng. Những tháng đầu năm 2010, đồng USD sẽ tăng giá nhờ triển vọng hồi phục của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những tháng sau sẽ trồi sụt lao đao, do Mỹ bắt đầu lộ dấu hiệu nợ nần và kinh tế thế giới mất thăng bằng.

8. Năm 2010 ẩn chứa nguy cơ khủng hoảng lần nữa, do chính phủ siết chặt tài chính, chính sách tiền tệ chưa cải thiện, giảm tiêu dùng khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giá dầu tăng, sự sụp đổ của những công ty tài chính lớn…


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2010: Màu xanh trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO