Đáng lưu ý là có khoảng 11% giá trị trái phiếu của DN BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Điều này gây ra những lo ngại về rủi ro tiềm ẩn.
Trong khi nhiều DN vay vốn ngân hàng khi gặp khó khăn còn có thể được tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất thì các DN phát hành TP vẫn phải đảm bảo chi trả lãi định kỳ cho trái chủ và khó có thể được gia hạn nợ hay giảm lãi suất. Vì vậy, gánh nặng tài chính của những DN phát hành TP là khá lớn, ngoại trừ những DN kinh doanh hiệu quả.
Nhìn vào bài học của các đợt vỡ nợ TP ở Trung Quốc gần đây, có thể thấy chỉ cần một vài DN vỡ nợ cũng đủ làm sứt mẻ lòng tin của nhà đầu tư đối với thị trường này, nguy cơ kéo theo những đổ vỡ dây chuyền, khi đó những DN lớn dù hoạt động hiệu quả cũng sẽ bị ảnh hưởng và khó có thể tiếp tục huy động vốn qua kênh này. Sự đổ vỡ của thị trường trái phiếu (TTTP) cũng có thể kéo theo những bất ổn của thị trường tiền tệ nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Doanh nghiệp vẫn tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn chỉ từ 3-5 năm |
Qua công tác giám sát cho thấy TTTP vẫn còn phát sinh khá nhiều vấn đề. Ngoài rủi ro như đã nói là phần lớn tài sản đảm bảo của TP là BĐS, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu DN, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường, thì một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua TPDN phát hành riêng lẻ, lại có DN phát hành TP với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn sở hữu.
Chính vì vậy, không có gì lạ khi gần đây các cơ quan quản lý liên tục cảnh báo những rủi ro của TTTP DN, khi nhìn vào sự tăng trưởng quá nóng của kênh đầu tư này trong những năm gần đây. Không dừng lại ở đó, các nhà hoạch định chính sách cũng hành động mạnh tay thông qua hiện thực hóa các chính sách siết chặt và kiểm soát thị trường này.
Có thể kể đến như Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 81/2020/NĐ-CP, Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ xác định chỉ có nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ...
Trong tháng 10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 4 đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ TPDN. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra một số DN có khối lượng phát hành TP lớn, phát hành TP không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém. Đặc biệt, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán, theo đó có thể giúp thị trường này minh bạch hơn.
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 57/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 20/7/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có TPDN. Thị trường TPDN thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong năm 2022.
Tiếp theo từ đầu năm 2023, tất cả TPDN phát hành thông qua hình thức chào bán ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng do Bộ Tài chính phê duyệt.