Qua khảo sát, dù trái cây nhập khẩu có giá luôn cao hơn trái cây trong nước nhưng người tiêu dùng vẫn chọn mua vì cho rằng ngon và an toàn. Để trái cây nội có chỗ đứng vững chắc, cần có nỗ lực của nhiều tổ chức và doanh nghiệp (DN).
Đọc E-paper
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2017, cả nước chi 854 triệu USD nhập khẩu rau quả, tăng 103% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, riêng rau quả nhập từ Thái Lan tăng từ 163 triệu USD lên đến 517 triệu USD, tương đương hơn 11.000 tỷ đồng.
Nhập khẩu tăng nhanh
Các loại quả được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Úc), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan). Rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là bắp cải, xà lách, khoai tây, cam, táo. Tại TP.HCM, chỉ tính riêng chợ đầu mối Thủ Đức, mỗi đêm lượng trái cây về chợ dao động từ 17.000 - 18.000 tấn, trong đó trái cây ngoại nhập chiếm khoảng 30%.
Ông Hồ Xuân Hòa - Phó giám đốc Công ty CP V-Food Việt Nam cho biết: "Sản lượng trái cây nhập khẩu mỗi năm tăng từ 20 - 30%. Một số doanh nghiệp (DN) gần đây cũng tăng nhập khẩu trái cây từ Thái Lan như sầu riêng, nhãn, măng cụt. Bên cạnh đó, do Việt Nam không trồng được trái cây ôn đới nên lê, táo, kiwi vẫn được nhập nhiều và tiêu thụ tốt.
Một số loại trái cây Việt Nam trồng được nhưng so với nước ngoài vẫn chưa ngon bằng, như nho Ninh Thuận không ngọt và giòn như nho nhập khẩu từ Úc, Mỹ nên người mua vẫn chuộng nho ngoại, dù giá cao hơn hẳn". Theo giám đốc một công ty nhập khẩu trái cây tại Hà Nội, kinh doanh trái cây ngoại lợi nhuận cao và ổn định hơn trái cây trong nước, lý do là chất lượng đồng đều, giá cả không quá cao, như một ký táo mua ở nước ngoài khoảng 10.000 đồng, sau khi cộng phí vận chuyển, bảo quản, thuế, giá bán ra tại Việt Nam khoảng 35 - 40.000 đồng, vẫn có lãi khá.
Mới đây, bà Phạm Thị Bích Phượng - Phó giám đốc Công ty Nhập khẩu, phân phối trái cây Tú Phượng cho biết: "Trái cây nhập khẩu tiêu thụ mạnh nên mỗi năm Công ty đều tăng sản lượng nhập. Một số loại trái cây nước ngoài có giá rất cao, như lê Nhật Bản hơn 100.000 đồng/quả vẫn có nhiều người mua vì khác hẳn lê Hàn Quốc, Trung Quốc về độ giòn, ngọt, thơm".
Những nỗ lực bứt phá
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu nói các DN sản xuất trái cây Việt Nam đang "bỏ ngỏ” thị trường nội địa là không đúng. Những năm gần đây, nhiều DN đã nhìn thấy tiềm năng của trái cây Việt Nam không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu nên đã đầu tư, cải tiến phương thức trồng trọt và cây giống.
Đơn cử, mới đây, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) đã tập trung vào mảng cây ăn quả. Theo kế hoạch, hết năm 2017, HAGL Agrico sẽ trồng 15 loại cây ăn quả nhiệt đới như chanh dây, thanh long, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ... với diện tích dự kiến 20.000ha, và năm 2018 sẽ khai thác thêm hàng ngàn ha các loại như xoài, bưởi da xanh, mít...
Theo tính toán của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, trái cây xuất khẩu của Việt Nam 5 năm qua đạt mức tăng trưởng rất cao, trung bình 30%/năm, kim ngạch 2,46 tỷ USD năm 2016, nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất, trong đó xuất qua Trung Quốc tăng kim ngạch từ 23% năm 2011 lên hơn 70% năm 2016. Những loại trái cây mà Trung Quốc nhập nhiều nhất là chuối, thanh long, nho, sầu riêng, nhãn.
Vì thế, trong những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tập trung chuyên canh trái cây xuất khẩu như thanh long, vải, bưởi da xanh, chuối, chanh dây, xoài, mít đã có lợi nhuận lớn và liên tục tái đầu tư, mở rộng diện tích. Tổng cộng có hơn 10 loại cây ăn quả mà HAGL Agrico đã bắt đầu trồng và sẽ thu hoạch trong năm tới, trong đó thanh long, chuối, chanh dây là ba loại cây được kỳ vọng đem lại doanh thu lớn nhất.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, chuối là mặt hàng có tiềm năng nhất của HAGL Agrico, nên Tập đoàn tập trung đầu tư công nghệ, nhất là khâu bảo quản trước và sau thu hoạch.
Nhìn lại thế mạnh của trái cây Việt Nam, ông Hòa nhận định: "Trái cây Việt Nam có đặc trưng rất riêng, đặc biệt là thanh long đỏ, vú sữa, bưởi da xanh được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất tốt, trung bình một tấn bưởi V-Food nhập về chỉ bán tối đa 5 ngày là hết. Tuy nhiên, điểm yếu của trái cây nội địa là chất lượng không đồng đều và hàm lượng thuốc hóa học còn cao nên gây quan ngại cho người dùng".
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thanh long sang Úc và NewZealand đang tăng mạnh. Mới đây nhất, lô vải thiều Lục Ngạn đầu tiên đã xuất sang Thái Lan và nhiều nước đã đồng ý nhập khẩu một số loại trái cây Việt Nam như Úc sẽ mở cửa cho chôm chôm, vú sữa, nhãn; Nhật Bản cho thanh long ruột đỏ và Hoa Kỳ cho quả vú sữa.
Để trái cây Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và nước ngoài, các chuyên gia trong ngành cho rằng, ngoài chất lượng, khâu quảng bá và xây dựng thương hiệu cần được chung tay của nhiều tổ chức và DN. Để tránh tình trạng được mùa mất giá, hay hàng dội chợ, cần có kế hoạch sản xuất ổn định. "Ở các nước, muốn nhập khẩu trái cây, chúng tôi phải đặt hàng trước một năm chứ không phải chờ đến vụ” - ông Hòa nói.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản. Để có công nghệ bảo quản trái cây cần đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Với mức đó, rất ít DN trong nước có nguồn lực để triển khai. Do đó, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính cùng với đó là tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng.
Đặc biệt, DN cần chủ động tìm thế mạnh trái cây Việt Nam và đầu tư chế biến thì sẽ có thị trường rất lớn. Sau khi nhìn ra tiềm năng từ chanh leo, Nafoods đầu tư mạnh vào loại cây này và đã thành công. Hiện, Nafoods đang trồng gấc là loại cây lợi thế của Việt Nam, tiếp theo là mãng cầu, quất, sơri cũng là những loại cây có tiềm năng xuất khẩu cao.