Khác hẳn tình hình ảm đạm của cách đây không lâu, biểu đồ tăng trưởng của sàn chứng khoán xa xỉ Savigny (SLI) đã tăng 2,5% trong tháng 3 vừa qua, chứng tỏ thị trường thời trang cao cấp đã có dấu hiệu khởi sắc.
Đọc E-paper
Sự suy yếu của đồng euro lại chính là lợi thế của ngành công nghiệp sản xuất hàng xa xỉ, đồng thời cũng tạo ra sự chênh lệch giữa các thị trường. Chanel gần đây đã hạ giá sản phẩm của mình hơn 20% tại thị trường Trung Quốc.
Ngược lại, tại châu Âu, giá lại tăng lên xấp xỉ mức đã giảm tại thị trường châu Á. Sự chênh lệch giá cả như vậy có thể xảy ra với hầu hết các thương hiệu, dẫn đến tình trạng mất đi một lượng khách nhất định tại châu Âu.
Tại Baselworld 2015 – sự kiện lớn nhất về đồng hồ trong năm (vừa diễn ra cuối tháng 3 vừa qua), các hãng đồng hồ Tag Heuer, Bulgari và Gucci công bố những dự án cộng tác với các công ty phát triển công nghệ để phát triển dòng smartwatch. Dự báo sắp tới, thị trường smartwatch sẽ rất sôi động và là cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu thời trang với các hãng công nghệ số, nhất là Apple.
Về lợi nhuận, Moncler công bố họ tăng được 16% sau khi khai trương cửa hàng mới.Hãng thời trang này cũng tiết lộ dự định sẽ mở thêm 20 cửa hàng nữa trong năm nay. Trong khi đó, Versace đạt được mức tăng trưởng 14% và cũng dự định mở thêm 30 cửa hàng, bao gồm một cửa hàng flagship tại Tokyo.
Hermes và Salvatore Ferregamo tăng được 10% lợi nhuận, vượt ngoài dự kiến. Tuy nhiên, vẫn có một số thương hiệu có dấu hiệu suy giảm doanh thu và lợi nhuận, điển hình là Tod’s đã bị sụt hơn 7% do thị trường Trung Quốc suy yếu và ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh ở thị trường Bắc Mỹ.
Đầu tư vào những thương hiệu trẻ cũng là một điểm tích cực trong thị trường thời trang quốc tế. Thương hiệu thời trang trẻ Peter Pilotto vừa được MH Luxe và Megha Mitta (chủ của hãng thời trang Đức Escada) quyết định đầu tư với mức 15-20 triệu USD/năm.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất là việc hai nhà bán lẻ thời trang cao cấp online lớn là Yoox và Net-a-porter hợp nhất, nắm vị trí thống lĩnh trong thị trường bán lẻ thời trang online với doanh số 1,3 tỉ euro. Bán buôn qua mạng internet đang là loại hình bán lẻ thời trang mang nhiều lợi nhuận và có tính cạnh tranh.
Cuộc sáp nhập giữa hai nhà bán lẻ này rõ ràng sẽ giúp cho các mặt hàng xa xỉ trở nên phong phú và đa dạng hơn, đem lại cho các thương hiệu nhiều lợi nhuận hơn, nhưng cũng tạo ra những thử thách mới, chẳng hạn chi phí hậu cần và chi phí phân phối sẽ tăng lên.
Tóm lại, chỉ mới qua ba tháng của năm 2015 nhưng thời trang thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp người ta quên đi tình hình ảm đạm của năm ngoái. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn một quãng đường dài và những kế hoạch dự phòng của các thương hiệu tiếng tăm không bao giờ thừa để họ hoặc giữ được đà tăng trưởng, hoặc gánh chịu suy giảm nhưng với mức thấp nhất.
>Thị trường thời trang thế giới: "Nhất nam viết hữu..."
>Hàng xa xỉ tại Nga lao đao do suy thoái kinh tế
>Xa xỉ phải xoay xở
>Hàng xa xỉ: Luật chơi đã đổi