Dù hoạt động ổn định và đạt tăng trưởng tốt nhưng các công ty sản xuất dược trong nước vẫn không ngừng tăng tốc để đứng vững trước áp lực cạnh tranh từ đối thủ nước ngoài.
Đã có 39 dự án FDI vào ngành dược, với tổng vốn đăng ký lên tới 303 triệu USD và chỉ riêng ba công ty Zuellig Pharma, Mega Products và Diethelm chiếm tới 50% tổng thị phần phân phối thuốc ở Việt Nam.
Theo ước tính của Tổ chức Business Monitor International (BMI), tăng trưởng GDP thực chất của Việt Nam sẽ là 6% trong năm 2014 và còn tiếp tục tăng ở các năm tiếp theo. BMI dự báo, dân số Việt Nam sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2017.
> Dược phẩm VN: Có bệnh phải vái tứ phương |
Với đặc điểm này cộng thêm chi tiêu thuốc trên đầu người ở Việt Nam đang tăng, từ mức 23,1 USD/người năm 2010 lên 36 USD/người năm 2013 nên BMI ước tính, doanh thu ngành dược ở Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm (CARG) là 17,1% giai đoạn 2013-2017. Trước mắt, doanh thu ngành dược Việt Nam đã liên tục đạt con số ấn tượng, từ 2,1 tỷ USD năm 2010 đã tăng vọt lên 3,3 tỷ USD năm 2013 và có khả năng sẽ đạt 6,2 tỷ USD vào năm 2017.
Việt Nam hội tụ nhiều tiềm năng phát triển ngành dược. Vì thế, theo Cục Quản lý Dược, đến cuối 2013, đã có 39 dự án FDI vào ngành dược, với tổng vốn đăng ký lên tới 303 triệu USD. 26/39 dự án đã đi vào hoạt động. Việt Nam cũng là nơi các nhà phân phối dược quốc tế tìm cách "đổ bộ”. Đã có khoảng 300 công ty phân phối dược có vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong đó chỉ riêng 3 công ty Zuellig Pharma, Mega Products và Diethelm Việt Nam chiếm tới 50% tổng thị phần phân phối thuốc ở Việt Nam.
Thực tế, trên thị trường, thuốc ngoại đang lấn át thuốc nội. Theo Bộ Y tế, thuốc nhập khẩu chiếm 53% tổng tiêu thụ thuốc ở Việt Nam. Đáng chú ý, 80% thuốc sử dụng ở bệnh viện là nhập khẩu. Vì thế, kim ngạch thuốc nhập khẩu từ 923 triệu USD năm 2008 tăng vọt lên 1,37 tỷ USD năm 2013.
Có nhiều lý do để từ bác sĩ lẫn người dân chọn thuốc ngoại. Bên cạnh tâm lý tiêu dùng, báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS chỉ ra, thuốc nội chỉ mới tập trung ở dòng generic phổ thông (thuốc đã hết hạn bảo hộ bản quyền). Cụ thể, thị phần thuốc generic chiếm tới 71% ở Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 10% trên thế giới.
Trong khi đó, thuốc đặc trị lại trong tay các hãng thuốc ngoại. Ngoài ra, trong 183 công ty sản xuất thuốc của Việt Nam, mới chỉ có 120 công ty đạt chứng chỉ "Thực hành tốt sản xuất" (WHO-GMP). Rõ ràng, người dân có cơ sở để lo ngại về chất lượng thuốc nội.
Các công ty dược liên doanh như Sanofi Việt Nam, Vinaspecia, Stada Việt Nam... đã ăn nên làm ra tại Việt Nam. Ở thời điểm đầu năm 2013, ông Christopher A. Viehbacher, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sanofi cho biết, doanh số của Sanofi ở Việt Nam đã gần 100 triệu Euro và còn tiếp tục tăng. Đặc biệt, dù dẫn đầu thị phần nhưng Sanofi Việt Nam vẫn không ngừng đầu tư để mở rộng hoạt động.
Đơn cử năm 2013, Sanofi Việt Nam đã chi ra 75 triệu USD để xây dựng nhà máy thứ 3 ở Việt Nam, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2015. Mục tiêu của nhà máy này là sản xuất dược phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân chất lượng cao với công suất ban đầu là 90 triệu hộp/năm và có thể tăng lên 150 triệu hộp/năm. Sanofi Việt Nam có kế hoạch từ năm 2012-2015 sẽ giới thiệu ra thị trường 18 dược phẩm và vắc-xin mới.
Cuối thời điểm năm ngoái, Valeant Pharmaceuticals International Inc., nhà sản xuất dược phẩm lớn nhất Canada đã công bố đầu tư 21 triệu USD vào Việt Nam thông qua việc liên doanh sở hữu 50% vốn ở Công ty CP Dược phẩm Euvipharm. Ông Andrew Howden, Tổng giám đốc iNova - thành viên của Tập đoàn Valeant cho biết, Valeant nhìn thấy Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng để đầu tư phát triển.
Tập đoàn Valeant được biết đến như nhà cung cấp các giải pháp chữa trị các bệnh liên quan đến thần kinh, da liễu và một số bệnh truyền nhiễm. Năm 2012, Valeant được xếp vào vị trí 39 trong top 50 công ty dược lớn nhất thế giới (Pharm Exec 50).
Các thương hiệu dược phẩm nội như Dược Hậu Giang, Domesco, Imexpharm hay Traphaco nếu không mở rộng sản xuất thì cũng đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới hoặc tạo thêm kênh thương mại.
Rõ ràng, các tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng từ một thị trường đông dân nhưng thuốc nội địa lại chưa thể đáp ứng. Các tập đoàn này đã và sẽ còn tìm nhiều cách để gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Điều đó đã tạo thêm những áp lực mới cho các công ty dược trong nước.
Báo cáo tài chính năm 2013 của các công ty dược nội địa như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Imexpharm (IMP), Traphaco (TRA)... cho thấy đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, trước các áp lực từ cạnh tranh nước ngoài, các công ty dược trong nước đã không thể ngồi yên.
Từ năm 2011, Dược Hậu Giang đã cho khởi công nhà máy mới tại KCN Tân Phú Thạnh (Cần Thơ) trên diện tích hơn 8 ha với tổng vốn đầu tư 556 tỷ đồng. Đến nay dự án cơ bản hoàn thành và nhà máy sẽ hoạt động ngay trong năm 2014. Theo thông tin từ Công ty, với nhà máy mới, công suất sản xuất thuốc của DHG tăng lên gấp đôi, từ 4,6 tỷ đơn vị sản phẩm/năm lên 9,6 tỷ đơn vị sản phẩm/năm.
DHG hy vọng, với sự đầu tư thêm nhà máy mới, DHG sẽ đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình trong 5 năm (2014-2018) ở mức 20%/năm. Đặc biệt, với chính sách ưu đãi thuế cho nhà máy mới (0% trong 4 năm đầu, 5% trong 9 năm tiếp theo và 10% trong 2 năm còn lại), DHG có thể tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng tiền thuế trong 15 năm.
Thông tin từ DHG còn cho biết, ngoài mở rộng sản xuất để tăng doanh thu, định hướng của DHG là tập trung phát triển sản phẩm có nguồn gốc dược liệu thiên nhiên. Trước mắt, DHG đã sản xuất Spivital từ tảo Spirulina và sản phẩm Naturenz được chiết xuất từ dược liệu thiên nhiên. Mặc dù Spivital và Naturenz mới chỉ chiếm tương ứng 2,1% và 2,7% trong tổng doanh thu sản phẩm tự sản xuất của DHG năm 2013 nhưng theo nghiên cứu của VPBS, 2 sản phẩm này có tiềm năng tăng trưởng cao.
Lãnh đạo DHG cho biết, Công ty sẽ nghiên cứu sản xuất thêm các loại thuốc ít bị cạnh tranh như thuốc đặc trị. Tuy nhiên, vì sản xuất thuốc đặc trị rất tốn kém, khả năng thành công lại không cao (xác suất 80% thất bại, 20% thành công) nên DHG cần hợp tác với đối tác. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2014, lãnh đạo DHG cho biết, Công ty đã tiếp xúc với các đối tác về vấn đề này nhưng chưa đi đến kết quả cuối cùng nên chưa thể công bố.
Khác với DHG là đơn vị phân phối chủ yếu qua kênh thương mại (OTC), 55% thuốc của IMP phân phối qua kênh điều trị (ETC). Vì thế, IMP đã đối mặt với thách thức lớn về giá thuốc khi tham gia đấu thầu. So ra, giá thành sản phẩm của Imexpharm tương đối cao so với các đơn vị khác do dây chuyền sản xuất hiện đại và nguyên liệu đầu vào tốt.
Trong bối cảnh đó, chiến lược của IMP vẫn là phát triển trên nền tảng với ưu tiên 20% sản phẩm chủ lực nhưng đóng góp đến 80% doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, IMP sẽ ưu tiên mở rộng bán hàng qua kênh thương mại với kỳ vọng đạt 70% nguồn thu qua kênh này (trước đây chỉ là 40%). Đặc biệt, chiến lược cạnh tranh của IMP là gia tăng sản xuất nhượng quyền, xuất khẩu.
Thực tế, Imexpharm từng là nhà sản xuất nhượng quyền cho Biochemie, Sandoz, BD Pharma Pháp, Innotech (Pháp), Robinson (Mỹ), Pharmasience (Canada). Trong năm 2014, IMP đặt nhiều kỳ vọng ở hợp đồng sản xuất nhượng quyền cho CFR Pharmaceutical S.A (Chile). Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đánh giá, hợp đồng sản xuất nhượng quyền 10 dòng sản phẩm cho CFR chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể phần doanh thu từ sản xuất nhượng quyền của IMP.
Khác với DHG, IMP đang tự thân nỗ lực, Domesco (DMC) đẩy mạnh vị thế cạnh tranh bằng cái bắt tay với CFR Pharmaceutical S.A (Chile). Đến nay, gần 3 năm song hành cùng DMC, CFR đã nắm 40% vốn của DMC và tân tổng giám đốc của DMC cũng là người đại diện của CFR. Với bước chuyển biến này, giới phân tích mong đợi, DMC sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ CFR.
Cụ thể, để giải quyết vấn đề năng lực sản xuất bị hạn chế (600 triệu đơn vị sản phẩm/năm), DMC với sự hậu thuẫn của CFR dự kiến sẽ xem xét đến phương án thâu tóm các đơn vị sản xuất khác và giao sản xuất nhượng quyền một số dòng sản phẩm. Hay trong liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Hà Nội giữa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và CFR, DMC sẽ đóng vai trò là đơn vị phân phối độc quyền thuốc của liên doanh.
So đo lợi thế
Mặc dù áp lực canh tranh từ các đối thủ ngoại là không nhỏ nhưng theo phân tích của Công ty MBKE, các doanh nghiệp dược phẩm nội vẫn có những lợi thế riêng.
Đơn cử, lợi thế của DHG là có hệ thống phân phối lớn. Thế mạnh của DMC là các loại thuốc đặc trị (có kê toa) cho các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì với giá thấp hơn 30 - 40% so với thuốc ngoại nhập nhờ linh động trong nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Còn lợi thế của IMP là chất lượng sản phẩm tốt.
Việt Nam thuộc nhóm 3 (nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất) trong số 17 các quốc gia có ngành công nghiệp dược đang phát triển trên thế giới (pharmerging countries). (Nguồn: IMS Health) |
Ngoài ra, ngành dược trong nước còn được hậu thuẫn bởi Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành dược theo hướng nâng tỷ lệ sản xuất thuốc trong nước từ 50% tổng giá trị như hiện nay lên 80% đến năm 2020. Mặc dù thuốc nội chiếm khoảng 40-50% số lượng thuốc dùng tại các bệnh viện, nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều nhưng hiệu quả điều trị vẫn cao và người dùng đang thay đổi quan niệm về thuốc nội.
Tuy nhiên, theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược. Tức là chỉ dừng ở việc có nền công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số sản phẩm. Vì thế, như DHG muốn tăng trưởng mạnh cần đầu tư hơn nữa vào chiến lược sản phẩm.
Hay vấn đề của DMC là phải tìm cách khắc phục năng lực sản xuất. Riêng Traphaco (TRA), hiện vẫn chưa có nhiều đột phá về sản phẩm (sau 2 nhãn hiệu khá thành công là hoạt huyết dưỡng não và thuốc bổ gan Boganic). Do vậy, đầu tư cho nghiên cứu và sản phẩm là điều mà TRA cần quan tâm.
Để sản phẩm của doanh nghiệp (DN) nội địa có chất lượng cao hơn, Chính phủ khuyến khích các DN phải đạt chứng chỉ thực hành sản xuất thuốc (GMP). Tuy nhiên, tới nay chỉ có khoảng một phần ba các công ty dược Việt Nam đạt GMP.
Thực tế, các công ty cũng đang dồn lực để giải quyết những hạn chế nội tại như nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cấp chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh kênh bán hàng, mở rộng sản xuất và giảm bớt sự lệ thuộc về nguyên liệu nhập khẩu (90% nguyên liệu phải nhập khẩu). Những công ty dược nhỏ lẻ thiếu đầu tư, thiếu lợi thế cạnh tranh và sản phẩm bị trùng lắp, khó khăn sẽ càng chồng chất.
Trong khi đó, khi đầu tư sản xuất dược phẩm, các công ty nước ngoài quan tâm nhiều nhất đến nguồn nguyên liệu tại chỗ vì nguyên phụ liệu chiếm gần 60% chi phí sản xuất. Nhưng tại Việt Nam, 90% nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho ngành dược phải nhập khẩu. Mức thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất dược phẩm lại cao hơn so với các nước khác.
Do vậy, dù mong muốn sẽ trở thành công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam nhưng các công ty GSK hướng nhiều đến việc liên doanh, liên kết với các nhà sản xuất trong nước chứ không đẩy mạnh sản xuất. Vì vậy, số lượng DN đầu tư vào thị trường chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại 70% DN ngoại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam chỉ tham gia nhập khẩu.
Chỉ có một số dự án đầu tư nước ngoài đáng chú ý là dự án của United International Pharma (UIP), thuộc Tập đoàn Unilab (Philippine), với nhà máy dược phẩm đạt chuẩn PIC/S-GMP tại Bình Dương. Vì thế, cùng với xu hướng mở cửa thị trường dược phẩm, hoạt động mua bán, sáp nhập dự báo sẽ diễn ra mạnh (giữa công ty trong nước với đối tác ngoại, giữa các công ty dược nội địa).
Chẳng hạn, Traphaco liên kết với một đối tác Nhật Bản nhằm mở rộng năng lực sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và nhân rộng hệ thống phân phối. Trước đó, Traphaco đã mua 51% cổ phần Công ty Dược Đăk Lăk và 43% cổ phần Công ty Dược Quảng Trị.
Chọn hướng đi xoay vòng vốn nhanh, dựa vào thế mạnh của đối tác để cùng phát triển, DHG đã bán lại thương hiệu thuốc Eugika cho Công ty Dược Mega Wecare (Thái Lan)... Xu hướng này trong thời gian tới có thể sẽ giúp các công ty dược nội địa lớn mạnh hơn cả về quy mô lẫn công nghệ sản xuất.