Quần vợt Trung Quốc vượt vũ môn

PHƯƠNG VY| 06/02/2010 09:36

Rất nhiều người tin rằng, Canh Dần sẽ là năm đại cát đối với thể thao Trung Quốc, đặc biệt là quần vợt.

Quần vợt Trung Quốc vượt vũ môn

Rất nhiều người tin rằng, Canh Dần sẽ là năm đại cát đối với thể thao Trung Quốc, đặc biệt là quần vợt. Đó không phải là một niềm tin mơ hồ nếu như chứng kiến những gì mà bộ đôi Li Na và Zheng Jie làm được tại giải quần vợt Úc Mở rộng những ngày qua. Không những thế, thành công của họ còn chứng minh tính đúng đắn của xu hướng xã hội hóa trong thể thao, và là bài học cho cả những nước có cơ chế tương tự như Việt Nam chúng ta.

"Những bông hoa vàng”

Zheng Jie (trái) và Li Na là những hiện tượng thực sự tại giải Úc mở rộng

Mặc dù đã lần lượt dừng bước trước Serena Williams và Justine Henin tại vòng bán kết, song có thể khẳng định rằng, Li và Zheng đã có những khoảng thời gian không thể quên tại Melbourne Park. Lần đầu tiên trong lịch sử, quần vợt Trung Quốc đóng góp tới một nửa đại diện ở bán kết Grand Slam, giải đấu mà cách đây nửa thập kỷ, việc tham dự đã là một vinh dự cực lớn đối với họ.

So với những quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí là Thái Lan, quần vợt du nhập vào Trung Quốc muộn hơn. Dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông, quần vợt còn bị cấm vì bị coi là môn thể thao dành cho giai cấp tư sản. Tuy nhiên, quá trình hội nhập đã giúp người Trung Quốc có cái nhìn thoáng hơn đối với quần vợt và họ dần trở thành quyền lực số một của châu Á.

Thực tế đã minh chứng, thành công của Li và Zheng ở Úc không hoàn toàn bất ngờ, vì nó đã được xây dựng trên nền tảng của sự tiến bộ không ngừng trong suốt nửa thập kỷ qua, khi các cô gái Trung Quốc lần lượt chinh phục những cột mốc mới.

Từ tấm huy chương vàng ở Olympic Athens 2004, những chức vô địch đôi nữ tại Grand Slam cho đến những danh hiệu WTA, tất cả đã cho thấy quần vợt Trung Quốc đang hòa nhập rất nhanh với xu thế phát triển của thế giới. Việc lọt vào đến bán kết giải Úc Mở rộng còn giúp Li Na, một tay vợt có lối chơi hiện đại với cách tấn công mạnh mẽ từ cuối sân, trở thành tay vợt nữ người Hoa đầu tiên lọt vào đến tốp 10 thế giới (trước đây từng có một tay vợt nam người Hoa giành chức vô địch Grand Slam là Michael Chang, nhưng anh mang quốc tịch Mỹ).

Còn đối với Zheng, đây là lần thứ hai cô làm được như thế, sau thành công ở Wimbledon 2008. Giống như cách người Bỉ tán tụng Kim Clijsters và Justine Henin, khán giả Trung Quốc cũng gọi Li và Zheng là "Những bông hoa vàng” của quần vợt nước họ.

Chuyện về cơ chế

Trước nay, thể thao Trung Quốc vẫn được biết đến qua cách tuyển chọn, phát hiện tài năng quy mô lớn, với hình ảnh những vận động viên nhí khổ luyện trong những trung tâm đào tạo “gà nòi” từ trung ương xuống đến địa phương, mà nói nôm na là theo mô hình như “chùa Thiếu lâm tự”. Thành quả thu được chính là 100 chiếc huy chương các loại cùng ngôi vị dẫn đầu toàn đoàn tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng với riêng quần vợt, để có được sự vươn mình mạnh mẽ như hiện nay thì đó lại là con đường khác, ngược với quy trình như trên.

Cụ thể, kể từ năm 2008, bốn tay vợt nữ hàng đầu (ngoài Li và Zheng còn có thêm Peng Shui và Yan Zi) đã quyết định chia tay với cơ chế bao cấp nhà nước để tự thân vận động. Họ tự bỏ tiền thuê huấn luyện viên nước ngoài, tự liên hệ tham dự các giải đấu quốc tế thay vì phải theo “phân phối” của ngành thể thao như trước đây.

Và kết quả là cả bốn tay vợt này đều có sự thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng WTA cũng như giành được thành công ở những giải đấu lớn. Chẳng hạn, ngay trước giải Úc Mở rộng 2010, Zheng đã thuê huấn luyện viên nổi tiếng Nick Bolletieri tới Bắc Kinh huấn luyện trong vòng hai tuần lễ, và chắc chắn đó cũng là một trong những lý do chủ yếu giúp Zheng lập nên kỳ tích khi loại tới ba tay vợt hạt giống trên con đường vào tới vòng bán kết.

Sau thành công của Li và Zheng, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đúc kết, chính quyết định không phụ thuộc vào “bầu sữa ngân sách” đã tạo cú hích để quần vợt Trung Quốc cất cánh. “Trước đây, việc luyện tập và thi đấu đều do các quan chức ngành thể thao quyết định, chúng tôi không được có ý kiến. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi theo xu hướng chuyên nghiệp hóa”, Li phát biểu trên tờ Nhân dân Nhật báo.

Thêm một điều đáng nói nữa, nếu trước đây 65% số tiền thưởng mà các tay vợt giành được ở các giải quốc tế được chuyển vào “tái đầu tư để phát triển nền thể thao quốc gia” thì hiện giờ, Zheng và Li đều được giữ lại gần như tất cả. Với việc lọt vào bán kết Úc Mở rộng, mỗi người sẽ đút túi 400.000USD, con số cực kỳ đáng kể đối với một đất nước mà mức thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 5.000 nhân dân tệ (chưa được 800 USD)/năm! 

Nửa thập kỷ thăng tiến

Năm 2004

- Tháng 8: Sun Tiantian và Li Ting đã mang về cho Trung Quốc tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên ở môn quần vợt khi đăng quang ở nội dung đôi nữ của Athens 2004.
- Tháng 10: Li Na trở thành tay vợt nữ đầu tiên của Trung Quốc vô địch một giải WTA tại Quảng Châu.
Năm 2005
- Tháng 1: Zheng Jie giành danh hiệu WTA đầu tiên ở Hobart.

Năm 2006

- Tháng 1: Trung Quốc lần đầu tiên vô địch Grand Slam với chức vô địch đôi nữ Úc Mở rộng của bộ đôi Zheng Jie/Yan Zi.
- Tháng 5: Chung kết giải Estoril Mở rộng là chuyện nội bộ của người Trung Quốc, và Zheng đã vô địch sau khi Li Na rút lui vì chấn thương.
- Tháng 6: Li Na trở thành tay vợt Trung Quốc đầu tiên lọt vào tứ kết Grand Slam tại Wimbledon. Trong khi ấy, Zheng Jie/Yan Zi thêm lần nữa vô địch đôi nữ.
- Tháng 7: Li Na và Zheng đưa ĐT Fed Cup Trung Quốc lần đầu tiên tham dự World Group, sau chiến thắng trước Đức tại Bắc Kinh.
- Tháng 8: Li Na trở thành tay vợt Trung Quốc đầu tiên lọt vào tốp 20 thế giới.

Năm 2008

- Tháng 6: Zheng, hạng 133 WTA, bất ngờ lập kỳ tích lọt vào bán kết Wimbledon sau khi quật ngã hạt giống số 1 Ivanovic.
- Tháng 8: Zheng/Yan giành huy chương đồng ở Thế vận hội Bắc Kinh, Li Na thua Zvonareva ở trận tranh huy chương đồng.

Năm 2010

- Tháng 1: Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc có hai tay vợt lọt vào bán kết Grand Slam. Với thành tích này, Li còn lần đầu tiên lọt vào tốp 10 thế giới. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quần vợt Trung Quốc vượt vũ môn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO