Olympic London 2012: Tất cả vì sự trong sạch

PHƯƠNG VY| 25/07/2012 05:47

Để cuộc chơi được được diễn ra một cách công bằng hơn, để những tấm huy chương không bị hoen ố bởi sự lừa dối, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã và đang nỗ lực hết sức trong công tác kiểm tra doping, khi mà ngày khai mạc Thế vận hội mùa Hè London 2012 đã cận kề.

Olympic London 2012: Tất cả vì sự trong sạch

Để cuộc chơi được được diễn ra một cách công bằng hơn, để những tấm huy chương không bị hoen ố bởi sự lừa dối, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã và đang nỗ lực hết sức trong công tác kiểm tra doping, khi mà ngày khai mạc Thế vận hội mùa Hè London 2012 đã cận kề.

Đọc E-paper

Nói một cách hình tượng, việc phòng chống doping giống như một trò chơi mèo đuổi chuột giữa những kẻ gian dối và cảnh sát, từ các sân tập trên khắp thế giới, đến mỗi phòng ở của vận động viên (VĐV) trong làng Olympic, cũng như tại từng điểm kiểm tra ở biên giới Vương quốc Anh nữa.

Cuộc chiến chống doping dĩ nhiên không chỉ diễn ra trước thềm Olympic mà còn được triển khai ngay trong và sau đó. Bởi thế, những kẻ gian lận dù có vượt qua được các cuộc kiểm tra trước đó thì vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị lộ tẩy sau này, với nhiều cuộc kiểm tra gắt gao và kỹ thuật tiên tiến.

“Số lượng CĐV dính doping mà chúng tôi phát hiện càng nhiều thì càng tốt cho các VĐV trong sạch”, Chủ tịch IOC Jacque Rogge khẳng định. Tại kỳ Olympic này, IOC sẽ xét nghiệm hơn 5.000 mẫu nước tiểu và máu, cao nhất từ trước đến nay, vượt xa con số 4.770 vụ tại Bắc Kinh 4 năm về trước.

Gần 40% trong số này sẽ được tiến hành trước ngày khai mạc Olympic (27/7). Trong khoảng thời gian hai tuần thi đấu (đến ngày 12/8), tốp 5 VĐV đứng đầu ở mỗi nội dung và 2 người khác (chọn ngẫu nhiên) sẽ lại phải thử doping thêm một lần nữa. Án phạt có thể đến ngay lập tức, trong khi các mẫu máu và nước tiểu thì sẽ được lưu giữ trong vòng... 8 năm để có thể lấy ra xét nghiệm lại bất cứ lúc nào. Có thể nói, đó là một quy trình kiểm tra khắc nghiệt nhất từ trước đến nay.

Chương trình xét nghiệm doping đã được triển khai từ hôm thứ Hai vừa qua khi làng Olympic chính thức mở cửa. Trụ sở của chiến dịch này được đặt tại một tòa nhà bí mật ở ngoại ô Harlow, dưới sự điều hành của hãng dược phẩm Glaxo SmithKline và do Giáo sư David Cowan của Trung tâm Kiểm soát doping tại Đại học King (London) phụ trách.

Phòng thí nghiệm này sẽ hoạt động 24/24 và suốt 7 ngày trong tuần. Trung bình mỗi ngày, các bác sĩ sẽ xét nghiệm 400 mẫu thử, để nhận diện tổng cộng 240 chất nằm trong danh mục cấm. Nếu kết quả dương tính, VĐV sẽ ngay lập tức phải rời cuộc chơi, tước huy chương, và đón nhận án phạt cũng như sự hổ thẹn trước công chúng

Các vận động viên kiểm tra doping

Kỷ lục về số ca doping tại một kỳ Thế vận hội thuộc về Athens 2004 với tổng số 26 ca, gấp đôi so với kỷ lục cũ 12 ca tại Los Angeles 1984. Ở Athens khi ấy, Ban tổ chức đã kiểm tra 3.600 mẫu thử, và cuối cùng, có tổng cộng 6 VĐV bị tước huy chương, trong đó có 2 tấm huy chương Vàng.

Thậm chí, con số ấy có thể sẽ còn cao hơn, dù 8 năm đã trôi qua. Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Y tế IOC Arne Ljungqvist tiết lộ với hãng AP rằng, khi tái kiểm tra số mẫu thử trên, ông phát hiện ra 5 mẫu nữa cũng có kết quả dương tính với doping.

Ở Bắc Kinh 4 năm trước, số ca dính doping có ít hơn, nhưng vẫn đáng báo động: 20 ca, bao gồm 14 VĐV và 6 chú ngựa. Sau khi tái kiểm tra các mẫu thử ở Bắc Kinh 2008, các bác sĩ còn phát hiện thêm 5 người đã sử dụng CERA, một chất tăng cường sự vận động của máu (EPO). Trong số này, Rashid Ramzi của Bahrain đã bị tước tấm huy chương Vàng ở nội dung chạy 1.500 mét.

“Có một thực tế mà mọi người nên biết là những mẫu thử đã được kiểm chứng vẫn có thể tái phân tích và mang lại kết quả không ngờ. Một VĐV thoát kiểm tra ngày hôm nay, vẫn có thể dính chàm vào ngày hôm sau”, Ljungqvist cảnh báo.

Ông khẳng định rằng, chất lượng các cuộc kiểm tra ngày càng cao, với những công nghệ cao nhằm phát hiện những hormone lạ hay nhân tố đột biến trong các tế bào có thể tăng cường sự vận động cơ thể. Điều người ta chờ đợi nhất bây giờ, ngoài những cuộc cạnh tranh hấp dẫn trên sân đấu, là liệu Olympic London sẽ “sạch sẽ” như thế nào.

Parkinson, Trưởng ban Chống doping Vương quốc Anh khẳng định điều đó phụ thuộc vào VĐV hơn là số lượng các mẫu thử: “Chúng tôi có nhiệm vụ tìm ra những kẻ gian lận trong thi đấu, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể. Hy vọng mọi người đứng trên bục trao huy chương đều có thể tự hào về tài năng, nỗ lực, và quan trọng hơn cả là sự trong sạch của mình”.

Những điều cần biết về Olympic London 2012

Olympic London 2012 là kỳ Olympic thứ 30 của phong trào Olympic hiện đại và London là thành phố đầu tiên trên thế giới được đăng cai 3 kỳ Thế vận hội sau các năm 1908 và 1948.

-Lễ khai mạc: Được tổ chức vào ngày 27/7 với chủ đề “The Isles of Wonder”, do đạo diễn điện ảnh từng đoạt giải Oscar Danny Boyle (phim Triệu phú khu ổ chuột) làm tổng đạo diễn. Lễ khai mạc chính thức bắt đầu sau tuyên bố của Nữ hoàng Anh Elizabeth II, người vừa kỷ niệm 60 năm đăng cơ.

-Lễ bế mạc: Được tổ chức ngày 12/8, kết thúc bằng nghi lễ trao cờ Olympic cho nước đăng cai kế tiếp là Rio 2016, Thị trưởng London Boris Johnson sẽ trao lại lá cờ cho Thị trưởng Rio de Janeiro Eduardo Paes.

-Số môn thể thao: 26 môn thể thao với 39 nội dung (chẳng hạn môn thể thao dưới nước có 4 nội dung gồm lặn, bơi, nhảy cầu và water polo). Không có môn nào chỉ mang tính biểu diễn và không nằm trong nội dung tranh huy chương như Wushu ở Olympic Bắc Kinh 2008.

-Số địa điểm thi đấu: 34, các địa điểm chính gồm sân Olympic Stadium, Trung tâm thể thao dưới nước, sân Velodrome và BMX Circuit (đua xe đạp lòng chảo).

-Số buổi thi đấu: 302

-Số quốc gia (và vùng lãnh thổ) tham dự: 204

-Số vận động viên: 10.500

-Logo: Lần đầu tiên trong lịch sử một logo dùng cho cả Olympic lẫn Paralympic, cách điệu từ số 2012 với 5 vòng tròn Olympic lồng trong số 0.

-Linh vật: Wenlock (cho Olympic) và Mandeville (Paralympic), hai nhân vật hoạt hình, được tạo ra từ các xưởng thép ở Bolton, tiêu biểu cho nền công nghiệp của nước Anh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Olympic London 2012: Tất cả vì sự trong sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO