EURO 2016: Không chỉ là bóng đá

NGUYÊN KHANG| 07/06/2016 03:46

So với năm 2012, EURO kỳ này có mức thưởng cao hơn 50% và kèm theo đó là những con số gia tăng về tài trợ, truyền hình.

EURO 2016: Không chỉ là bóng đá

So với năm 2012, EURO kỳ này có mức thưởng cao hơn 50% và kèm theo đó là những con số gia tăng về tài trợ, truyền hình.

Đọc E-paper

Là giải đấu cấp đội tuyển thu hút người hâm mộ hàng đầu thế giới chỉ sau World Cup, EURO luôn có những chuyện lý thú, trong đó có tài chính.

Theo thông tin chính thức, tới thời điểm này, tổng giá trị giải thưởng dành cho 24 đội tuyển góp mặt tại Pháp từ ngày 10/6 - 10/7 sẽ là 301 triệu euro. Với mức thưởng ban đầu 8 triệu euro cho việc giành quyền vào vòng chung kết, cộng thêm số tiền cho mỗi trận đấu và mỗi vòng đấu cũng như mức thưởng cho nhà vô địch, đội bóng nào nâng cúp cuối giải dự kiến sẽ thu được khoảng 27 triệu euro (xem bảng).

Năm 2012, tại Ukraine, EURO có mức thưởng tổng cộng là 194 triệu euro, nghĩa là kém khoảng 100 triệu so với giải lần này. Trở lại từ năm 2000 (109 triệu euro), các mức thưởng tại EURO đã tăng đều theo thời gian: Năm 2004 là 202 triệu euro, 2008 là 205 triệu. Có thể thấy, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, số tiền "gây quỹ” cho vòng chung kết giải không biến động, nhưng năm nay đã có thay đổi lớn.

Việc số tiền thưởng tăng lên cũng một phần nhờ EURO kỳ này mở rộng lên 24 đội (thay vì 16 đội như cách đây 4 năm). Theo đó, số trận đấu năm nay sẽ là 51, tức tăng 65% so với chỉ 31 trận của EURO 2012. Điều đó đồng nghĩa Ban tổ chức sẽ bán được nhiều hơn 80% vé xem, cộng thêm phí bản quyền truyền hình.

Theo thông tin từ UEFA, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 450 - 500 triệu euro, tăng hơn 50% so với mốc 300 triệu euro trong lần gần nhất Ukraine và Ba Lan đồng tổ chức giải.

Bên cạnh đó, một vài chi tiết tài chính thú vị khác có thể kể đến như việc các quốc gia "đánh cược" vào khả năng của đội nhà tại EURO và thu hút tài trợ. Lợi ích của một đội bóng như Cộng hòa Ireland mang lại cho quốc gia khi tham dự EURO được chứng minh khi chi nhánh Hyundai Ireland đã tài trợ cho đài RTEs Sports của nước này để mua bản quyền phát sóng EURO phục vụ người dân.

Cuộc chơi tại EURO cũng có sự "không công bằng". Lấy ví dụ một đội bóng như xứ Wales, dù sở hữu ngôi sao Gareth Bale trị giá 100 triệu euro cũng không thể thu hút nhà tài trợ mua bản quyền của họ, mà phải chi tiền trước cho toàn đội hoạt động trong thời gian luyện tập, thi đấu ở Pháp (tất nhiên sẽ bù lại bằng ít nhất 8 triệu euro từ Ban tổ chức).

Đối với một nước như Anh thì ngược lại. Thu nhập của Liên đoàn Bóng đá Anh gấp 30 lần con số 10,4 triệu euro của xứ Wales trong năm tài chính 2015.

Và đến Pháp lần này, đội tuyển Anh giúp cho liên đoàn của họ thu về hàng đống tiền tài trợ từ các thương hiệu như Mars, McDonalds hay Carlsberg, cộng thêm tiền bản quyền truyền hình. Thế mới nói, dự EURO cũng là "chuyện làm ăn" phức tạp và "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh".

>EURO 2016 trong nỗi lo khủng bố

>Lịch truyền hình trực tiếp Euro 2016

> Đối mặt khủng bố, Tổng thống Pháp cam kết tổ chức thành công EURO 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
EURO 2016: Không chỉ là bóng đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO