Cuộc sống mới của Murray

PHƯƠNG VY| 19/09/2012 00:00

Kể từ sau giây phút đánh bại Novak Djokovic ở chung kết Mỹ Mở rộng, cuộc sống và sự nghiệp của Andy Murray đã bước sang một trang mới: vinh quang hơn, ý nghĩa hơn và cũng giàu trách nhiệm hơn.

Cuộc sống mới của Murray

Kể từ sau giây phút đánh bại Novak Djokovic ở chung kết Mỹ Mở rộng, cuộc sống và sự nghiệp của Andy Murray đã bước sang một trang mới: vinh quang hơn, ý nghĩa hơn và cũng giàu trách nhiệm hơn.

Đọc E-paper

Murray đã trải qua hai tháng tuyệt vời nhất trong sự nghiệp, giống như lời thú nhận của anh khi đặt chân xuống phi trường Heathrow. Trở về từ nước Mỹ với vị thế của một nhà vô địch, được chào đón như một người hùng dân tộc trong tiếng hò reo của xấp xỉ hai vạn người tại quê nhà Dunblane là một trải nghiệm đặc biệt.

Nên nhớ, cái thị trấn bé nhỏ này có dân số cũng chỉ xấp xỉ 8.800 người nhưng đã đón số lượng người gấp đôi như thế đến từ khắp Scotland chỉ để thấy người hùng của họ bằng xương bằng thịt. Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, Murray đã ký tặng, chụp ảnh cùng và giao lưu quần vợt với các tay vợt trẻ ở câu lạc bộ cũ - bệ phóng đầu tiên trong sự nghiệp của anh.

Dunblane Tennis Club là nơi lần đầu tiên Murray cầm vợt khi mới 4 tuổi và luyện tập những kỹ năng cơ bản đầu tiên cho đến năm 15 tuổi, khi anh chuyển sang Tây Ban Nha để tu nghiệp với quyết tâm theo đuổi sự nghiệp nhà nghề. Ngày Murray và ông anh trai tập luyện tại Dunblane, nơi này hết sức vắng vẻ và điều kiện tập luyện xuống cấp trầm trọng.

Nhưng bây giờ thì đã khác, học viện ấy đã có đến 255 học viên nhí cùng cơ ngơi khá đàng hoàng. Dĩ nhiên, cú hích đến từ chính Murray, với những thành công vượt trội của anh gần đây.

Sau thành công tại Olympic London và Mỹ Mở rộng, xứ sở sương mù chắc chắn còn kỳ vọng nhiều hơn nữa vào Andy Murray. Họ tin rằng anh sẽ giống như ông thầy Ivan Lendl trước đây, sẽ công phá thực sự vào Grand Slam sau khi giải tỏa cơn khát kéo dài bấy lâu nay.

Đó tất nhiên sẽ là áp lực không nhỏ với Murray, người tương đối kiệm lời đối với báo chí. Mặc dù đã quá quen với việc tiếp xúc với truyền thông xứ sương mù nhưng Murray thừa nhận, thà đánh một trận với Novak Djokovic còn sướng gấp đôi khoảng thời gian tương tự để trả lời phỏng vấn báo chí.

Lối chơi của Murray thể hiện điều đó, giống như một đấu sĩ trên võ đài, nơi anh có thể bộc lộ mình một cách mạnh mẽ nhất có thể. Trước đây, các đối thủ ngang cơ thường rất sợ Murray nhưng vẫn có thể đánh bại anh ở những trận đấu quan trọng, bởi đó là lúc anh không vượt qua nổi chính mình.

Bây giờ, nỗi sợ ấy còn lớn hơn nhiều, do những danh hiệu lớn đã tạo nên bản lĩnh thực sự nơi anh. Chắc chắn Djokovic, bại tướng của Murray sau trận chung kết kéo dài 4 giờ 54 phút, hiểu rõ điều này nhất.

Murray, cũng như rất nhiều tay vợt lớn khác trong làng banh nỉ, đủ tỉnh táo để hiểu rằng sẽ rất khó lặp lại một năm kỳ diệu như năm 2011 của Djokovic, song rõ ràng, chiến thắng trước Nole ở Flushing Meadows và trước Federer đã đưa anh lên một đẳng cấp mới, với sự ổn định nhất định ở các trận đấu lớn.

Tại Mỹ Mở rộng, Murray cũng đã nhiều lần chiến thắng trong bối cảnh thua set đầu tiên, nhưng đã lội ngược dòng thành công. Hẳn nhiên, đó là chiến tích lớn nhất của huấn luyện viên Ivan Lendl kể từ khi làm việc với Murray hồi đầu năm.

Lendl đã làm rất tốt nhiệm vụ cải thiện những cú thuận tay lẫn tâm lý của Murray. Dưới thời Lendl, Murray không chỉ phòng ngự tốt ở cuối sân, mà đã mạnh dạn di chuyển vào trong để tấn công hơn là cố tình kéo dài nhằm mong chờ đối phương sơ hở sau những cú đánh bóng dài (rally).

Nhưng bên cạnh những tiến bộ rõ rệt về lối chơi, Murray sẽ phải đối mặt với những vấn đề khác khi vị thế của anh đã thay đổi, từ một tay vợt vô duyên với Grand Slam trở thành đối trọng thực sự lớn với bộ ba Nadal - Federer - Djokovic.

Ngoài việc tránh sự tự mãn có thể nảy sinh, anh cũng sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc sắp xếp lịch thi đấu và sinh hoạt khi tần suất những cuộc phỏng vấn giao lưu, truyền hình thực tế, và cả quảng cáo nữa sẽ chiếm khá nhiều thời gian rảnh rỗi của anh. Đó là điều mà cả Federer, Nadal và Murray đều đã phải đối mặt và từng vượt qua.

Và còn một điều tối quan trọng khác mà bất cứ tay vợt nào cũng e ngại: chấn thương. Bản thân Murray đã từng phải đối mặt với những nỗi lo về sa sút thể lực khi có dạo anh bị xem là quá gầy và không đủ nền tảng thể lực cho những trận đánh dài hơi.

Cũng chính vì thể lực sa sút mà Djokovic đã tuột dốc sau một năm 2011 cực kỳ thành công. Rồi vì chấn thương mà Nadal đã phải vắng mặt suốt từ Olympic đến nay, và vì tuổi tác mà Federer không thể tiếp nối một Wimbledon thành công, chỉ giành huy chương bạc ở London.

Tóm lại, có thể khẳng định Murray đã thực sự khiến quyền lực của quần vợt nam thế giới được phân theo kiểu “tứ trụ”, nhưng để gặt hái tiếp những thành công thì anh vẫn còn khá nhiều điều phải làm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc sống mới của Murray
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO