Bóng đá cho người tị nạn

THÁI VY| 13/12/2017 09:20

Thời gian qua, bóng đá Đức không chỉ được ca ngợi về tinh thần fair-play trong thi đấu mà còn được dư luận chú ý vì những hoạt động xã hội mang đầy tính nhân văn của mình.

Bóng đá cho người tị nạn

Người tị nạn chơi bóng đá tại sân vận động của Borussia Dortmund - Ảnh: The Guardian

Giữa lúc cơn bão kim tiền quét qua làng bóng đá thế giới, những câu lạc bộ tại Đức vẫn được ca ngợi là sở hữu các hoạt động tài chính rất lành mạnh và khoa học. Bên cạnh đó, họ còn là những người đi đầu trong các hoạt động đóng góp cho cộng đồng mang đầy tính nhân văn.

Trong những ngày vắng vẻ trên sân vận động Wesfalenstadion của đội Borussia Dortmund, người ta thường thấy có khoảng vài chục cầu thủ chơi bóng. Họ mặc đồ Dortmund, mang tất của Hertha Berlin và luôn tươi cười. Ở nơi đây, họ có thể tạm quên đi những khó khăn trong đời sống của một người nhập cư.

Shamil Ilqasim, một người Yazidi 19 tuổi ở miền Bắc Iraq, nhập cư vào Đức trong làn sóng người tị nạn Trung Đông, là một trong những thanh niên tìm thấy niềm vui ấy. Anh là một phần của sáng kiến "Welcome to football" (Chào mừng đến với bóng đá) mà Liên đoàn Bóng đá Đức (DFL) đưa ra từ tháng 9/2015.

Đến nay, sáng kiến đã thu hút 24 đội bóng chuyên nghiệp khắp các hạng đấu tại Đức. Dưới sự tài trợ của DFL và những đóng góp từ các đội như Dortmund, thanh niên tị nạn từ 18 - 20 tuổi như Ilqasim được phép đến sân tập của những câu lạc bộ chuyên nghiệp để chơi bóng mỗi tuần.

"Tôi thực sự rất vui. Chúng tôi có thể chơi bóng mỗi tuần, ăn uống tại đây và được cung cấp mọi thứ. Tôi ở đây cùng gia đình, nhưng quan trọng hơn là những gì đem lại cho những người không còn người thân nữa. Nó giúp chúng tôi quên đi một số vấn đề. Tôi từng chơi bóng ở Iraq, nhưng năm 2014, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã đến và thật khó khăn bởi bạn thân của tôi đã... Kalashnikov", The Guardian dẫn lời Ilqasim.

IS là tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Iraq và Syria. Cuộc khủng hoảng do IS gây ra kết hợp với nội chiến Syria cũng như hậu quả từ phong trào Mùa xuân Ả Rập đã tạo ra làn sóng di cư, tị nạn, gây sức ép lên các nước châu Âu.
Sau khi ra mắt năm 2015, nhiều đội bóng ở Bundesliga (hạng đấu cao nhất ở Đức) cũng đã thực hiện sáng kiến này với nhiều chương trình khác nhau.

Đội Werder Bremen có "Stay on the Ball", còn Bayer Leverkusen có "Bayer 04 does school", nhằm giúp trẻ em tị nạn từng bước được đào tạo và gia nhập các câu lạc bộ địa phương. Khoảng 65 bài tập cho 800 người tị nạn từ 4 - 30 tuổi đã được triển khai trên khắp nước Đức mỗi tuần. Đến nay đã có khoảng 600 người được chơi cho các giải đấu nghiệp dư tại địa phương, theo The Guardian.

Đam mê thể thao, có thể nói cùng với văn hóa, đã trở thành một công cụ, một lối đi cho chính quyền trong quá trình giải quyết vấn đề người tị nạn. Những người tị nạn được giáo dục, được hưởng sự chăm sóc và cả niềm vui chơi bóng sẽ từng bước hòa nhập cuộc sống hơn. Đó cũng là cách thức để tháo gỡ vấn đề xã hội liên quan tới người nhập cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng đá cho người tị nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO