ASIAD: Đâu là trách nhiệm của OCA?

PHƯƠNG CHI| 24/04/2014 08:04

Quyết định bỏ đăng cai ASIAD 2019 của Việt Nam nhanh chóng nhận được sự cảm thông của cộng đồng quốc tế.

ASIAD: Đâu là trách nhiệm của OCA?

Quyết định bỏ đăng cai Đại hội Thể thao Châu Á ASIAD (Asian Games) 2019 của Việt Nam nhanh chóng nhận được sự cảm thông của cộng đồng quốc tế. Bởi ai cũng hiểu là không nên bắt một đất nước đang gặp nhiều khó khăn phải gánh chịu những cục nợ lớn như Hy Lạp hay mới đây nhất là Ukraine đã hứng chịu khi đăng cai những sự kiện thể thao lớn.

Lá cờ ASIAD thực ra là một gánh nặng

Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia, Tunku Imran, cho biết nước này đang cân nhắc đứng ra gánh thay Việt Nam, song cũng phát biểu thẳng thắn rằng: "Nếu chúng tôi đăng công khai đề án thì chắc chắn dư luận sẽ không đồng ý vì chi phí cho đại hội là quá lớn". Ông này cũng kêu gọi OCA (Ủy ban Olympic Châu Á) có những đánh giá kỹ càng hơn trước khi quyết định trao quyền đăng cai cho một quốc gia nào đó.

Tại Việt Nam, đề án xin đăng cai ASIAD bị xem là thiếu tính thực tiễn nên đã không nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội và bị Chính phủ bác bỏ. Câu hỏi đặt ra là vậy tại sao nó lại được OCA chấp thuận để rồi giờ cơ quan này lại phải chạy đôn chạy đáo để tìm nước thay thế?

Tại các cuộc vận động đăng cai những sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới như Olympic hay World Cup, quy trình lựa chọn là rất chặt chẽ. Các cơ quan chịu trách nhiệm lựa chọn quốc gia đăng cai (IOC hay FIFA) không chỉ duyệt đề án kỹ lưỡng mà đều tiến hành những cuộc thanh, kiểm tra gắt gao cơ sở vật chất của nước xin đăng cai trước khi quốc gia đó trình bày đề án của mình lần cuối cùng trước đại hội đồng. Mà ở nhiều nước thì chính nguyên thủ quốc gia sẽ thay mặt nước mình đọc đề án tóm tắt đó, như trường hợp của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giúp Tokyo giành quyền đăng cai Olympic Tokyo 2020 hồi năm ngoái.

Trong khi đó, người ta có cảm giác đề án của Việt Nam được OCA thông qua một cách quá dễ dàng. Có vẻ như OCA cảm thấy may mắn vì có nước "dũng cảm" đứng lên xin đăng cai khi UAE đã sớm rút lui mà bỏ qua những khâu thanh, kiểm tra các cơ sở vật chất của thành phố ứng viên. Vì những vết nứt ở sân Mỹ Đình đến những người không có chuyên môn còn thấy nó lớn đến mức nào, chứ chưa nói đến các chuyên gia sành sỏi trong ngành thể thao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
ASIAD: Đâu là trách nhiệm của OCA?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO