AFF Suzuki Cup 2012: Vùng trũng lại còn trũng hơn?

PHƯƠNG VY| 04/12/2012 03:50

Sự trỗi dậy của bóng đá Philippines cũng như sự tiến bộ của đội tuyển Lào ở AFF Cup 2012 đã khiến cán cân quyền lực trong khu vực Đông Nam Á thay đổi một cách rõ rệt.

AFF Suzuki Cup 2012: Vùng trũng lại còn trũng hơn?

Sự trỗi dậy của bóng đá Philippines cũng như sự tiến bộ của đội tuyển Lào ở AFF Cup 2012 đã khiến cán cân quyền lực trong khu vực Đông Nam Á thay đổi một cách rõ rệt. Nhưng thật ra, hiện tượng ấy chưa hẳn đã là một dấu hiệu lạc quan cho khu vực được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới này.

Từ hiện tượng Philippines...

Hai năm trước, đội tuyển Philippines của huấn luyện viên Simon McEnemy đã tạo nên một cú sốc bậc nhất trong lịch sử AFF Cup khi quật ngã đương kim vô địch Việt Nam 2-0 ngay tại sân Mỹ Đình và lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết, thậm chí còn bất bại ở vòng bảng.

Dù sau đó thua Indonesia 0-1 ở bán kết nhưng Philippines đã có một giải đấu hết sức đáng nhớ. Và kể từ đó đến nay, bóng đá của họ đã tiến bộ vượt bậc. Từ vị trí xấp xỉ 200 trên bảng xếp hạng FIFA, chỉ trong vài năm, Philippines đã leo lên hạng 143 thế giới, chỉ sau Việt Nam (138) và trên cả Thái Lan (152).

Tất nhiên, bảng xếp hạng FIFA không phản ánh được 100% thực lực của một đội bóng, nhưng rõ ràng tất cả những đối thủ của Philippines đều thừa nhận đó không phải là một đội tuyển yếm thế như trước kia nữa.

Hồi tháng 3 vừa qua họ đã trở thành một hiện tượng thực sự ở AFC Challenge Cup khi giành vị trí thứ ba. Đặc biệt, ở vòng đấu bảng, Philippines đã quật ngã cả cựu vô địch Ấn Độ cũng như đại diện Trung Á Tajikistan, và chỉ thua CHDCND Triều Tiên, đội bóng từng dự vòng chung kết World Cup 2010, với tỷ số 0-2.

Đội bóng Đông Á cũng chính là nhà vô địch của AFC Challenge Cup 2012. Nên nhớ, cách đây vài năm, đó đều là những đối thủ có thể khiến Philippines "mang rổ đựng trứng".

Điều gì đã khiến Philippines lột xác nhanh chóng như thế? Họ đã đi theo con đường của Singapore khi tận dụng nguồn lực to lớn về "ngoại binh", với những cầu thủ được ăn, tập, thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp và có một chút dòng máu Philippines.

Để làm được điều này, những người làm bóng đá Philippines đã tổ chức được một mạng lưới phát hiện nhân tài rất rộng rãi cùng chính sách rất thoáng trong chuyện nhập tịch. Anh em nhà Younghusband (từng thuộc đội trẻ Chelsea) là những hạt nhân tiên phong của kế hoạch này, cùng Neil Etheridge, thủ thành dự bị của Fulham và tiền vệ gốc Mỹ Greatwich.

Còn ai nhớ Aleksandar Duric?

Một trong những ví dụ cụ thể nhất cho vấn đề phụ thuộc vào ngoại binh chính là việc Singapore vẫn còn trọng dụng chân sút gốc Bosnia Aleksandar Duric, dù anh đã... 42 tuổi.

Duric là một trường hợp kỳ lạ của bóng đá thế giới. Anh xuất thân từ một vận động viên... chèo thuyền, và từng đại diện cho Bosnia tham dự Olympic 1992 tại Barcelona.

Ngày mới đến với bóng đá, Duric khởi nghiệp từ vị trí... thủ môn nhờ sải tay dài và chiều cao 1,92m, nhưng sau đó, tiền đạo mới là lựa chọn của anh. Năm 37 tuổi (2007), anh được nhập quốc tịch Singapore và thi đấu cho đội tuyển quốc gia nước này.

Trong 5 năm qua, Duric đã ghi đến 27 bàn thắng sau 50 trận khoác áo Sư tử biển. Tại AFF Suzuki Cup năm nay, Duric đã trở thành cầu thủ già nhất trong lịch sử giải đấu này. Anh cũng đã ghi một bàn vào lưới Malaysia ở trận mở màn (Singapore thắng 3-0).

Tại AFF Suzuki Cup năm nay, họ tiếp tục giới thiệu những cầu thủ nhập tịch đáng chú ý như: thủ thành Roland Muller (Duisburg), Paul Mulders (ADO Den Haag) hay Lucena (Esbjerg).

Cho dù không khoác áo những đội lớn ở châu Âu, song với lợi thế về thể hình, thể lực cũng như được rèn giũa trong môi trường chuyên nghiệp, những nhân tố này đã khiến Philippines trở nên đáng sợ hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, nếu đi tìm thông tin về Giải vô địch quốc gia Philippines thì những gì có được lại rất sơ sài. Điều đó có nghĩa là đội tuyển Philippines hiện nay được xây dựng trên một nền móng không thực sự vững chắc.

Và đến một ngày nào đó, khi nguồn cầu thủ nhập tịch dần cạn, hay có thể những chính sách nhập tịch được thắt chặt, sẽ không ngạc nhiên nếu như Philippines quay trở lại với "máng lợn cũ”.

... đến thể thức kỳ lạ của AFF Cup

Có lẽ trên thế giới cũng chẳng có giải vô địch khu vực nào kỳ lạ như Đông Nam Á cả.

Với vỏn vẹn 11 quốc gia thành viên nhưng Ban tổ chức vẫn bố trí một vòng sơ loại, theo thể thức vòng tròn giữa 5 đội nửa dưới để chọn 2 đội đi tiếp.Vòng chung kết chỉ có 8 đội nhưng kéo dài đến tận... 1 tháng.

Và để đưa hơi thở bóng đá đến nhiều quốc gia thành viên hơn, vòng bảng lại được diễn ra ở hai nước. Còn tới vòng bán kết thì các đội lại thi đấu theo thể thức lượt đi lượt về.

Chính quy định này khiến cho các đội bóng và cả khán giả của họ phải di chuyển bở hơi tai, gây nên rất nhiều phiền toái và tốn kém.

Cũng chính vì lẽ đó mà số lượng khán giả xem AFF Cup trực tiếp ngày càng giảm. Ở giải năm nay, hiện tượng các khán đài lèo tèo khán giả đã diễn ra thường xuyên hơn, kể cả khi những đội bóng lớn như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia thi đấu.

Đối với những đội bóng chưa từng vô địch AFF Cup thì thể thức thi đấu mới với hai trận lượt đi và về (áp dụng từ giải năm 2007) lại mang đến nhiều cơ hội cho họ hơn, bởi một thất bại ở lượt đi hoàn toàn có thể được sửa sai ở lượt về.

Quãng thời gian nghỉ giữa vòng bảng và bán kết, bán kết và chung kết quá dài (xấp xỉ 1 tuần) cũng giúp các đội có nhiều thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cầu thủ hồi phục dễ dàng hơn, và những cú sốc cũng xuất hiện nhiều hơn. Việt Nam năm 2008, Malaysia năm 2010, và rất có thể năm nay sẽ là Philippines.

Chính sách nhập tịch của Philippines, và trước đó là Singapore đã khiến các trận đấu tại AFF Cup vài năm gần đây trở nên cân bằng hơn rất nhiều, khác hẳn với trước đây khi Thái Lan gần như thống trị hoàn toàn.

Chỉ có điều, đó cũng chỉ là một giải pháp tạm thời chứ không thể áp dụng cho cả một quá trình lâu dài. Nên nhớ, ở hai giải gần nhất, cả Việt Nam và Malaysia đều đăng quang với một đội hình thuần nội hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
AFF Suzuki Cup 2012: Vùng trũng lại còn trũng hơn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO