Thế hệ Z đang định hình cách tiếp thị âm nhạc

Lam Nguyên| 02/11/2019 08:00

Millennials (những người được sinh ra trong khoảng năm 1980-1995) là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với Internet, các ứng dụng mạng xã hội, nhưng giờ đây họ không còn là đối tượng cho các xu hướng công nghệ mới nhất. Các nhà quảng cáo đang tìm những cách mới để tiếp cận thế hệ Z (những người được sinh ra sau năm 1995) hoạt động mạnh mẽ trên Snapchat, Instagram, YouTube...

Thế hệ Z đang định hình cách tiếp thị âm nhạc

Thế hệ Z lớn lên với việc sử dụng Internet hằng ngày. Đối với các nhà tiếp thị âm nhạc, điều quan trọng không chỉ là biết cách xác định đối tượng mục tiêu này, mà còn phải hiểu được những đặc điểm, thái độ và hành vi của họ. Dưới đây là kết quả của một vài khảo sát.

Mạng xã hội. Theo một khảo sát được thực hiện năm 2018 ở Mỹ, 45% thanh thiếu niên cho biết họ có thói quen online gần như liên tục. Khảo sát cũng cho biết thế hệ Z dành trung bình 11 giờ/tuần cho các thiết bị di động và 23 giờ/tuần xem các nội dung video trên các trang web phát trực tuyến. Thế hệ Z thường lên mạng để học và xem các hướng dẫn DIY (Do It Yourself - tự làm ra một món đồ nào đấy). Do đó, một ca sĩ muốn tiếp cận thế hệ Z có thể phải xem xét quảng cáo trên YouTube, ở những video hướng dẫn trang điểm, làm tóc hoặc video của những người có ảnh hưởng như Emma Chamberlain.

Chìa khóa tiếp thị thế hệ Z. Thế hệ Z nhìn thấy phần lớn quảng cáo qua mạng xã hội. Có quá nhiều thông tin được “ném” vào họ mỗi ngày. Do đó, họ có thể nhanh chóng phát hiện quảng cáo nào có liên quan, quyết định xem hoặc bỏ qua video nào. Các nhà tiếp thị âm nhạc phải nhanh chóng thu hút sự chú ý của họ trước khi họ chuyển qua kênh khác. Điều quan trọng là giới hạn về thời gian. Nghe nhạc gần như là một “mẫu số chung” của thế hệ Z, trung bình 4 giờ/ngày. Đây là chìa khóa để các nhà quảng cáo có thể xây dựng chiến lược tiếp cận thế hệ Z hợp lý. 

Thế hệ Z nghe nhạc ở đâu? Ở phương Tây, Pandora vẫn là nền tảng chủ yếu của giới yêu nhạc, YouTube và Spotify là hai nền tảng giải trí lớn nhất cho thế hệ Z. Streaming đã trở thành con đường chính cho việc tiêu thụ sản phẩm âm nhạc và thay đổi cách các nghệ sĩ phát hành âm nhạc. 74% thanh thiếu niên từ 16-19 tuổi ở Mỹ thích xem phát trực tiếp các đĩa đơn của ca sĩ họ ưa thích. 

Khi các nhà tiếp thị âm nhạc biết được nơi thế hệ Z nghe nhạc, họ phải đặt quảng cáo ở những nơi ấy. Spotify cung cấp công cụ cho nhà quảng cáo để theo dõi và thu hẹp nhóm đối tượng, dựa trên độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý, cách nghe nhạc. Pandora tiến xa thêm một bước bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp dữ liệu bên thứ ba để phân khúc đối tượng và tăng cường độ chính xác bằng cách dựa trên những thông tin như thói quen mua hàng, du lịch, giáo dục, nghề nghiệp... 

Nắm bắt nhu cầu. Chiếm 40% tổng số người tiêu dùng vào năm 2020, thế hệ Z có tầm quan trọng không chỉ với các nhà tiếp thị âm nhạc, mà còn với những nhà quảng cáo. Họ không còn là những kẻ tiếp nhận thông tin, mà đang tham gia vào những thông tin đó. Tương lai của ngành công nghiệp âm nhạc sẽ gắn với thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo, với những cải tiến dành cho các liveshow và cả các nền tảng truyền thông xã hội sắp tới. Để ngành công nghiệp âm nhạc luôn đổi mới trong thời đại công nghệ thay đổi nhanh chóng, các công ty phải luôn cập nhật và hiểu được nhu cầu siêu tốc độ, kết nối nhanh của thế hệ Z. Đó là một trong những bí quyết để hướng đến thành công. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế hệ Z đang định hình cách tiếp thị âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO