Vậy các ngân hàng liệu có thể hóa giải những thách thức này và tìm kiếm thêm lợi nhuận từ những hoạt động nào?
Dự báo lợi nhuận toàn hệ thống giảm
TPBank trở thành ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận trước thuế quý III với số lãi hơn 1.600 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch 2.200 tỷ đồng đặt ra trong năm 2018.
Vietcombank đã ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng vượt mức 11.000 tỷ đồng, tăng khoảng 50%. So với cùng kỳ 2017, so với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra đầu năm nay ở mức 12.000 - 13.000 tỷ đồng thì ngân hàng này đã sắp về đích.
Theo dự báo của SSI Research, lợi nhuận trước thuế của ACB riêng trong quý III có thể đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ 2017.
Mức lãi trong 9 tháng của Ngân hàng TMCP Quân đội là 5.500 tỷ đồng, tăng 41% đối với riêng lẻ và 7.600 tỷ đồng, tăng 65% đối với kết quả hợp nhất. HDBank kỳ vọng lãi 1.000 tỷ trong quý III và cả năm có thể đạt 4.000 tỷ đồng.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh thực hiện vào tháng 9 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lợi nhuận toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 18,63% trong năm 2018, đồng thời hơn 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với mức kỳ vọng 19,05% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2018, cho thấy các ngân hàng phần nào đã thấy được những khó khăn trong kinh doanh giai đoạn kế tiếp.
Điều này là có cơ sở, khi mà đã dần xuất hiện những yếu tố cản trở lợi nhuận của các ngân hàng.
Đầu tiên là NHNN đang có chính sách thắt chặt tín dụng trở lại, theo đó tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát chặt hơn và các ngân hàng khó có thể được nới chỉ tiêu kế hoạch tín dụng. Trong khi đó, những ngân hàng có hệ số CAR thấp nhưng chưa thể tăng thêm được vốn tự có thì hoạt động tín dụng sẽ càng bị hạn chế, nhất là nhóm NHTM nhà nước.
Thứ hai là từ đầu năm 2018, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm về còn 40%, theo đó cũng ảnh hưởng lên hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Thứ ba là mặt bằng lãi suất huy động đang đi lên cũng đe dọa đến hệ số thu nhập lãi thuần tại một số ngân hàng. Trong khi đó, trước tình hình lợi suất trên thị trường trái phiếu đang có xu hướng tăng trở lại, đồng nghĩa với việc giá trái phiếu giảm thì những ngân hàng nào đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu trong giai đoạn thấp trước đây có thể đối mặt với rủi ro thua lỗ.
Tìm thêm thu nhập từ đâu?
Trong bối cảnh tín dụng bị thắt chặt, ngân hàng buộc phải tăng cường kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng để kiếm thêm thu nhập, do việc cho vay trên thị trường này không bị hạn chế. Với mặt bằng lãi suất trên thị trường 2 đã tăng cao trở lại từ mức thấp trước đây, cũng như khả năng sẽ tiếp tục đi lên trong những tháng cuối năm do căng thẳng thanh khoản của hệ thống, thì đây là cơ hội tốt đối với những ngân hàng có nguồn vốn dồi dào.
Nâng cao tỷ trọng thu nhập dịch vụ là định hướng xuyên suốt của nhà điều hành cũng như là mục tiêu trọng tâm của các ngân hàng trong suốt thời gian qua. Và thực tế là ngày càng nhiều ngân hàng tìm cách không phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng, thay vào đó đẩy mạnh phát triển, bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đồng thời tái cấu trúc, điều chỉnh danh mục các nguồn thu phí.
Thị trường trái phiếu chính phủ cũng là một kênh đầu tư để đa dạng hóa và nâng cao thu nhập. Trong tình hình trái phiếu doanh nghiệp được xét vào dư nợ tín dụng, cộng thêm việc Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ban hành gần đây quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ thì trái phiếu chính phủ tuy không mang lại lợi nhuận cao như tín dụng, nhưng đổi lại rủi ro bằng 0 và có tính thanh khoản tốt, giúp ngân hàng có thể cầm cố vay vốn NHNN trong những thời điểm cần thiết nên càng được tận dụng.
Nâng cao tỷ trọng thu nhập dịch vụ là định hướng xuyên suốt của nhà điều hành cũng như là mục tiêu trọng tâm của các ngân hàng trong suốt thời gian qua. Và thực tế là ngày càng nhiều ngân hàng tìm cách không phụ thuộc quá lớn vào hoạt động tín dụng, thay vào đó đẩy mạnh phát triển, bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đồng thời tái cấu trúc, điều chỉnh danh mục các nguồn thu phí.
Những số liệu báo cáo gần đây cũng cho thấy một số ngân hàng đã đến thời kỳ hái quả ngọt từ việc liên doanh với các công ty bảo hiểm, theo đó thu nhập từ sản phẩm bancassuarance (mô hình mà các ngân hàng thương mại tham gia vào kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm) ngày càng tăng cao. Trong khi đó, việc thu chi hộ tiếp tục được đẩy mạnh trước những giải pháp hỗ trợ từ đề án thanh toán không dùng tiền mặt của các cơ quan quản lý.
Dù các đề xuất tăng phí rút tiền mặt từ ATM bị NHNN "tuýt còi", nhưng một loạt phí khác như phí chuyển khoản, Ebanking,... cũng được một số ngân hàng điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Do đó, hoạt động dịch vụ và tăng nguồn thu phí sẽ tiếp tục là một trong những trọng tâm phát triển của các ngân hàng trong giai đoạn tới.
Việc thu hồi nợ được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm nay, cũng như cho giai đoạn kế tiếp, khi mà một thị trường mua bán nợ và tài sản đảm bảo đang thành hình. Hàng loạt tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu đã được rao bán gần đây, trong khi ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc mua lại tài sản, các khoản nợ xấu. Nguồn thu từ xử lý nợ được dự báo sẽ đóng góp quan trọng hơn trong thời gian tới.
Để tiếp tục duy trì lợi nhuận tăng và có thể đạt được kế hoạch, các ngân hàng có thể lựa chọn giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, tăng lãi suất cho vay để bù đắp mặt bằng lãi suất tiền gửi đang đi lên, cũng như tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cho vay sang mảng bán lẻ với biên lãi suất cao hơn. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay để giữ biên độ lãi.
Đối với những ngân hàng có danh mục đầu tư dàn trải thì việc thoái vốn đang được đẩy mạnh để có thêm nguồn thu nhập đóng góp vào con số lợi nhuận, vốn chịu ảnh hưởng từ tín dụng bị thắt chặt như đã nói.