Thách thức 2022
Dù dòng tiền gửi vào ngân hàng có chậm lại trong bối cảnh các kênh tài sản như chứng khoán hay bất động sản thu hút dòng tiền, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn đi xuống đáng kể trong năm 2021 vừa qua, giúp các ngân hàng tiếp tục giảm được chi phí vốn, từ đó tạo điều kiện cho chính sách giảm lãi suất cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặc biệt là đợt giảm hồi giữa tháng 7/2021, mà vẫn không ảnh hưởng quá lớn đến biên lãi suất của các nhà băng.
Tuy nhiên, năm 2022 mọi thứ có thể sẽ không còn quá dễ dàng. Áp lực lạm phát đang gia tăng đã khiến ngân hàng trung ương nhiều nước bắt buộc phải thắt chặt dần chính sách tiền tệ và Việt Nam khó có lẽ thoát khỏi những tác động từ xu hướng giá hàng hóa leo thang khắp nơi. Trước tình hình này, xu hướng lãi suất tiền gửi có thể bật tăng trở lại nếu các ngân hàng muốn giữ chân khách hàng. Khi đó, chi phí vốn của các ngân hàng cũng sẽ chịu áp lực tăng lên và tác động đến lợi nhuận.
Trong khi đó, lãi suất cho vay buộc phải giữ ổn định hoặc thậm chí phải giảm thêm từ mức hiện nay. Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát, cắt giảm chi phí hoạt động, để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một mối lo khác là nguy cơ nợ xấu tăng lên đang ngày càng hiện hữu hơn. NHNN đã ban hành thông tư về việc hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giảm bớt áp lực phải chuyển nợ xấu của các ngân hàng, nhưng với việc đồng thời yêu cầu phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho tái cơ cấu nợ trong ba năm, đến năm 2023, tất yếu cũng sẽ tác động tiêu cực lợi nhuận của các ngân hàng có nợ tái cơ cấu lớn.
Theo cập nhật mới đây của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nếu tính đầy đủ cả số nợ có thể cũng trở thành nợ xấu nếu không giãn, hoãn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thì tỷ lệ nợ xấu thậm chí có thể lên đến 8,2%.
Điều kiện hỗ trợ
Bên cạnh những thách thức, vẫn có những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động của các ngân hàng. Tuy xu hướng lãi suất có thể tăng từ mức đáy hiện nay gây áp lực lên chi phí vốn, nhưng bù lại xu hướng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) nếu cũng tiếp tục tăng, với nguồn vốn rẻ này có lãi suất huy động chỉ từ 0-0,2%, cũng có thể góp phần giúp ngân hàng vẫn giữ được phí vốn đầu vào ổn định.
Với việc nền kinh tế đang nỗ lực chuyển đổi sang phi tiền mặt, cộng thêm việc các ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai nền tảng ngân hàng số và miễn phí dịch vụ hàng loạt từ đầu năm nay, dự kiến các nhà băng có nhiều điều kiện để nâng tỷ lệ CASA, từ đó sẽ giúp cải thiện hệ số biên lãi ròng (NIM), giúp giảm chi phí, bao gồm cả chi phí hoạt động và cuối cùng sẽ dẫn đến hiệu quả hoạt động tốt hơn.
Việc tăng vốn điều lệ và khả năng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất hợp lý cũng giúp các ngân hàng vừa tối ưu hóa được chi phí vốn, vừa đảm bảo nguồn vốn dài để phục vụ cho phát triển tín dụng với lãi suất cao hơn nhiều so với các khoản vay ngắn hạn. Được biết, những ngân hàng gốc quốc doanh có kế hoạch tiếp tục tăng vốn trong năm 2022 này, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ chạy đua tăng vốn từ nguồn lợi nhuận giữ lại và dựa trên diễn biến thị trường chứng khoán đang thuận lợi.
Xu hướng tăng trưởng tín dụng cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, theo đó kinh doanh của ngành ngân hàng có thể tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 ngay từ đầu năm.