Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt Nam

TS. Lý Tùng Hiếu| 04/02/2022 08:00

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán đồng nghĩa với hướng về cội nguồn. Tết Nguyên đán cũng đồng nghĩa với lời nhắc nhở con người hướng đến thần linh và anh linh của tổ tiên, điểm tựa của lòng tin khi thành công và cả khi thất bại. Do đó, đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán có ý nghĩa thiêng liêng bậc nhất.

Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt Nam

Những phong tục tập quán cổ truyền trong Tết Nguyên Đán Việt Nam

Người Việt có câu: "Ba mươi chưa phải Tết". Nhưng trên thực tế, do lễ mục ngày Tết quá nhiều, việc chuẩn bị đã bắt đầu vào cuối tháng chạp và một số nghi lễ cũng được tiến hành trước ngày mùng một. Để chuẩn bị, trong khoảng 20-25 tháng chạp, các gia đình, dòng họ tổ chức giẫy mả (tảo mộ). Ngày 23 tháng chạp, các gia đình làm lễ đưa ông Táo (Táo Quân) về trời. Sau đó là dựng nêu, quét dọn nhà cửa, bày trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả, chưng hoa, làm cỗ, gói bánh chưng, bánh tét.

Ở Bắc Bộ, người Việt gói bánh chưng hình vuông bằng gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ. Người Tày và người Nùng gói bánh chưng dài (bẻng lì). Ở Trung Bộ và Nam Bộ, người Việt gói bánh tét đòn, hình thức và công dụng vừa giống với bánh chưng Tày Nùng, vừa giống với bánh tét cây (pei nung ndaon) và bánh tét cặp (pei nung binah) của người Chăm. Sự tương đồng của các loại bánh cúng Tết này vừa phản ánh truyền thống trồng lúa nếp xa xưa, vừa phản ánh sự giao lưu văn hóa lâu đời giữa người Việt với người Tày, người Nùng, người Chăm.

Trưa hoặc tối 30 tháng chạp, gia chủ làm lễ đón ông Táo, dọn cỗ cúng Thổ địa (Thổ Công) để xin phép và dọn cỗ cúng trước bàn thờ để thỉnh vong hồn tổ tiên về đoàn viên cùng con cháu. Nếu gia chủ bắt buộc vắng nhà trong ba ngày Tết thì có thể đón ông bà về ăn Tết sớm hơn. Đến nửa đêm Trừ tịch thì làm lễ cúng giao thừa để tống cựu nghinh tân.

Đặc biệt, trong Tết Nguyên đán, người Việt phải chuẩn bị nhiều mâm cỗ cúng, tương ứng với những đối tượng dâng cúng. Mâm cúng ông bà, tổ tiên gồm hương, hoa, trà (hoặc nước tinh khiết), quả, bánh chưng (hoặc bánh tét), thịt kho, khổ qua dồn thịt, dưa cải, củ kiệu, tôm khô, rượu trắng, các món gà, cá... tùy theo gia cảnh và thực đơn truyền thống của gia đình. Mâm cỗ này phải thực hiện ngày ba cữ sáng trưa chiều từ khi đón cho đến lúc đưa tiễn ông bà, với thức ăn, đồ uống thay đổi.

Mâm cúng thân nhân vừa qua đời chưa xả tang cũng gồm những thứ trên nhưng gia giảm, chỉ cúng những món quen dùng của người mất. Mâm cúng thần, Phật thường là đồ chay, tùy theo quy định của tôn giáo hoặc hệ phái. Mâm cúng thần đất đai, tử sĩ, cô hồn đặt phía trước cửa cái hoặc ngoài sân, thức dâng cúng cũng như vậy, nhưng phải có thêm chung rượu trắng, dĩa gạo, muối, có thể kèm vàng mã.

Sau khi khấn mời, lúc nhang tàn thì hóa vàng mã, tưới rượu trắng, rải gạo, muối để phân phát cho vong hồn. Ý nghĩa của những mâm cỗ cúng Tết cũng chính là ý nghĩa truyền thống của Tết Nguyên đán Việt Nam đã nêu trên. Tết Nguyên đán không chỉ là dịp đoàn viên gia đình, mà còn là dịp tưởng nhớ công ơn, tạ ơn và cầu khấn tổ tiên, thần linh. 

Cùng với mâm cỗ cúng, người Việt còn trang trí trên bàn thờ hoặc trong gian thờ trái cây, quà bánh, gọi là đồ chưng, như cành sung (đồng âm với "lộc sung"), thơm (đồng âm với "thơm tho"), dơi (bức, đồng âm với "phúc"), nai (lộc, đồng âm với "tài lộc"), ông tiên (biểu tượng của thọ), bức lộc song tiền (dơi, nai, hai đồng tiền, đồng âm với "phúc lộc song tuyền"), đào (biểu tượng của mùa Xuân, vận đỏ), dưa hấu (biểu tượng của vận đỏ), ngựa (biểu tượng của mã đáo thành công), ba ông Phúc Lộc Thọ (biểu tượng của phúc, lộc, thọ), liễn đối... Ở Nam Bộ, người Việt thường chưng mai (đồng âm với "may mắn", biểu tượng của mùa Xuân), mãng cầu (đồng âm với "cầu mong"), sung (đồng âm với "sung túc"), dừa (đồng âm với "vừa đủ”), đu đủ (đồng âm với "đầy đủ”), xoài (đồng âm với "tiêu xài"). 

Về phong tục tập quán trong ngày Tết, người Việt cũng có câu "mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy", hay "mùng một ăn Tết ở nhà/ Mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy". Nhưng trên thực tế, Tết Nguyên đán kéo dài từ mùng một đến mùng bảy tháng giêng, theo thứ tự: mùng một xông đất đầu năm, xuất hành, đi lễ chùa hoặc đi lễ nhà thờ, xin chữ, hái lộc, chúc Tết, mừng tuổi, lì xì; mùng hai thăm viếng, chúc Tết, mừng tuổi, lì xì, vui chơi; mùng ba thăm viếng, chúc Tết, mừng tuổi, lì xì, vui chơi, đưa tiễn ông bà, tổ tiên...

Việc vui chơi, giải trí đôi khi kéo dài sang các lễ hội mùa Xuân, nhưng không xem đó là "ăn Tết" hay "chơi Tết" nữa. Tết Nguyên đán được kết thúc chính thức vào mùng bảy, với nghi thức hạ nêu và khai hạ, bắt đầu một chu trình lao động mới. Người buôn bán thì khai trương, người làm việc nhà nước thì khai ấn, người viết văn hay học trò thì khai bút...

96-1-8566-1643618410.jpg

Những biến đổi của Tết Nguyên Đán ngày nay

Ngày nay, phong tục Tết Nguyên đán đã có nhiều biến đổi. Chẳng hạn, người Việt theo Công giáo sẽ đón Tết theo trình tự: tảo mộ ông bà, đêm giao thừa làm thánh lễ tạ ơn tại nhà thờ, mùng một làm lễ cầu bình an cho năm mới và hái lộc thánh tại nhà thờ; mùng hai làm lễ cầu nguyện cho ông bà, tổ tiên, cha mẹ; mùng ba làm lễ thánh hóa công việc làm ăn, cầu bình an thuận lợi cho việc mưu sinh, thăm viếng chúc Tết, làm từ thiện. Nhiều tộc người thiểu số vốn không có Tết Nguyên đán cũng đã du nhập lễ hội này, với các ý nghĩa và lễ mục gần giống Tết của người Việt.

Chẳng hạn, người Thái Đen xưa kia chỉ cúng tổ tiên (xên hươn) vào cuối năm, nay cũng lấy Tết Nguyên đán làm ngày để tiến hành lễ cúng tổ tiên, hiến tế lợn to, bày cỗ bàn, uống rượu, tổ chức hát đối đáp, đánh trống chiêng, múa xòe. Một bộ phận cư dân thành thị, nhất là lớp trẻ, vốn không có hoặc đã "mất gốc quê”, nên không có nhu cầu "về quê ăn Tết" và sẽ ưu tiên dành ngày Tết để nghỉ ngơi, vui chơi.

Theo đó, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng tham gia "cung ứng" Tết tích cực hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu sắm sửa trước Tết mà cả các dịch vụ và hàng hóa trong và sau Tết. Ngày nay, người ta không cần phải mua sắm thật nhiều để dự phòng, mà ngay trong Tết cũng có thể mua sắm hoặc yêu cầu một số dịch vụ liên quan đến "nghỉ Tết", "cúng Tết", "ăn Tết", "chơi Tết". Tết cũng là dịp để doanh nhân, doanh nghiệp, bên cạnh việc chi lương, thưởng cho người lao động, thường tham gia hoạt động xã hội - từ thiện.

Cùng với sự hình thành những tập quán mới là sự thất truyền một số phong tục tập quán trong dịp Tết. Tục "Tết thầy" vào ngày mùng ba đã ít nơi làm, vì có thể thực hiện nghĩa cử ấy vào Ngày Nhà giáo Việt Nam (từ năm 1982). Tục đốt pháo trong ngày Tết để xua đuổi tà ma, vận rủi và chào đón vận may thì đã bị cấm từ đầu năm 1995. Theo đó, người ta đã thay pháo nổ bằng bong bóng nổ và dùng các loại pháo hoa. Những tập quán kiêng cữ trong Tết như kiêng xông đất khi có tang, kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày mùng một, kiêng hốt rác đổ đi trong ba ngày Tết, kiêng cho lửa, cho nước, kiêng vay mượn, trả nợ, kiêng nói tục, cãi vã, kiêng làm vỡ đồ... cũng đã ít nhiều mờ nhạt. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết Nguyên đán trong văn hóa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO