Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV |
* Xin ông cho biết một trong những mục đích của kế hoạch năm 2020 này là gì?
- Mục đích của kế hoạch năm 2020 là đẩy mạnh công tác truyền thông và các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của HSSV về khởi nghiệp, giúp HSSV chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường.
Triển khai thí điểm công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho HSSV các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, tại một số trường đại học và một số Sở GD&ĐT. Hướng dẫn các cơ sở đào tạo, các Sở GD&ĐT xây dựng môi trường trải nghiệm, hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV trên nền tảng số hóa.
Hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các Sở GD&ĐT kết nối các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo.
* Cụ thể, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp là gi, thưa ông?
- Dự thảo kế hoạch có 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính như:
Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở đào tạo xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn.
Tổ chức các khóa đào tạo, học tập, giao lưu, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế cho HSSV và đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong các nhà trường trong và ngoài nước. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần tạo môi trường hỗ trợ HSSV khởi nghiệp.
Đề án cũng sẽ triển khai theo các giai đoạn: Giai đoạn năm 2018-2020, thí điểm xây dựng 3 mô hình trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại 3 khu vực. Giai đoạn năm 2021-2025 hình thành ít nhất 10 trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp trong cả nước. Xây dựng nội dung, chương trình phát triển sàn giao dịch ý tưởng, dự án khởi nghiệp trực tuyến giữa các cơ sở đào tạo, HSSV và các doanh nghiệp.
* Làm thế nào để các Sở GD&ĐT kết nối các nguồn lực xã hội hóa, cụ thể là nguồn vốn để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp?
- Hiện đã có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HSSV. Theo đó, các đại học, học viện, trường đại học chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường (bao gồm các nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học sinh viên...) để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên trong trường.
Bên cạnh đó, Theo Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có quy dịnh về việc thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây cũng sẽ là một nguồn lực có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập dựa trên ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo của sinh viên. Đồng thời, các cơ sở đào tạo hiện nay có thể chủ động hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của HSSV.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn có cơ chế để hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng không gian làm việc chung cho các nhóm HSSV và hỗ trợ sinh viên sản xuất các sản phẩm mẫu.
* Một vài chính sách cụ thể sẽ được thực thi là gì, thưa ông?
- Trước mắt, Bộ chỉ đạo xây dựng các bài giảng cung cấp thông tin, kiến thức, cập nhật tài liệu và các khóa đào tạo cho HSSV trên hệ thống hướng nghiệp, khởi nghiệp online; kết nối cổng khởi nghiệp với tất cả cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý các dự án khởi nghiệp của HSSV.
Tổ chức cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ 3 - năm 2020 tạo sân chơi thiết thực đối với HSSV.
Tổ chức tập huấn cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp về phương pháp giảng dạy và kỹ năng làm việc với sinh viên; hoàn thiện mạng lưới cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo.
Các nhóm sinh viên thành lập doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo các kiến thức về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp 4.0.
Xây dựng và ban hành văn bản quy định cụ thể về một số hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, trong đó có một số chính sách hỗ trợ HSSV tham gia hoạt động khởi nghiệp.
* Nhiều người cho rằng, chính sách và chủ trương sẽ chưa đủ nếu không có môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp...
- Đúng về mặt cơ bản nếu chỉ có chủ trương và chính sách cũng chưa đủ, muốn khởi nghiệp sáng tạo đi vào thực chất vấn đề đặt ra là HSSV phải thực sự có tư duy khởi nghiệp, bởi chỉ có tư duy khởi nghiệp tốt mới tạo ra được những ý tưởng, dự án mang tính đột phá, thiết thực và khả thi. Nếu có dự án tốt tự khắc sẽ có nhà đầu tư, có kinh phí triển khai. Do đó rất cần đến môi trường hỗ trợ khởi nghiệp đủ mạnh, trước mắt phải tạo cho sinh viên có tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, từ đó họ có thể học tập, tích lũy kiến thức kinh nghiệm để có tư duy đổi mới sáng tạo, từ đó mới có thể tạo ra được những dự án khởi nghiệp khả thi. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần hết sức thận trọng, do đó trong thời gian tới để có mô hình hoàn chỉnh về việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo, Bộ tiếp tục chỉ đạo 3 cơ sở đào tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) hoàn thiện mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp theo các nội dung:
- Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, theo hướng lồng ghép nội dung, thời lượng các môn học khởi nghiệp, các kỹ năng khởi nghiệp vào chương trình chính khóa hoặc ngoại khóa một cách phù hợp.
- Xây dựng và phát triển các không gian khởi nghiệp.
- Xây dựng chương trình phối hợp với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm tại doanh nghiệp, xây dựng dự án khởi nghiệp theo yêu cầu, đặt hàng của doanh nghiệp nhằm tạo môi trường, động lực, khuyến khích HSSV.
* Xin cảm ơn ông.