Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách thiết thực. Cụ thể, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 nêu rõ, phát triển mạnh kinh tế tư nhân của Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 cũng đề ra nhiệm vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng cả về quy mô, chất lượng. Hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế gắn với thương hiệu doanh nghiệp. Xây dựng và phát triển các định chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh thành doanh nghiệp.
Xuất phát từ những yêu cầu đó, để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 được Quốc hội thông qua tháng 11/2021 đã đặt ra yêu cầu, phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh dựa trên ứng dụng và phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu. Đồng thời, đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000-70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5-10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, như xây dựng chính sách khuyến khích và hỗ trợ hình thành các chuỗi giá trị, mạng sản xuất; tạo thuận lợi để doanh nghiệp trong nước ngày càng đóng vai trò quan trọng, tham gia vào những khâu, công đoạn có giá trị tăng cao. Hỗ trợ để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện hiệu quả, triển khai đồng bộ đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số thành doanh nghiệp. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; có chính sách thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; nâng cao nhận thức, kiến thức và khả năng tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký. Có chính sách xây dựng đề án khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, làm chủ và phát triển các công nghệ hiện đại, công nghệ lõi nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.