3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất

HT| 10/02/2022 01:00

Bức tranh doanh nghiệp những ngày đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm trước nhờ vào những chính sách và triển vọng kinh tế được dự báo tích cực, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, cần được “trợ sức” để ổn định sản xuất.

3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà cho phát triển trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ được triển khai thực hiện trong chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Cụ thể, để tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp, như tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi kinh tế.

Thứ hai, hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững. Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm vào các doanh nghiệp khởi động sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp; tái cấu trúc và tài chính cho doanh nghiệp; quản trị rủi ro; phát triển kinh doanh bền vững, kinh tế xanh.

Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Rà soát, sửa đổi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách để định hướng cho doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO