"Ở vai trò người quản lý, người đứng đầu, ta có thể không thích một ai đó vì những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy nhưng ta không thể không yêu thương và quan tâm đến họ, vì họ thuộc về và là một phần trong tổ chức của ta" |
Theo tôi, mấu chốt của vấn đề xuất phát từ sự khác biệt trong tính cách, nhận thức và quan điểm, dẫn đến cách hành xử khác nhau mà thôi.
Thông thường tôi hay quan sát từ xa, nghe từ nhiều phía và chắt lọc thông tin, sau đó nhắc nhở người quản lý trực tiếp về việc chỉnh đốn nhân viên, nếu tình hình chưa đến mức quá đà thì không nhất thiết phải đối thoại làm rõ trắng - đen.
Trên thực tế, cách con người ta dùng ngôn từ, cử chỉ trong giao tiếp hoặc tác phong biểu hiện ra ngoài từ mái tóc đến trang phục phần nào phản ánh tính cách, nền tảng giáo dục của người đó. Vì vậy mới có lý thuyết “Nhìn mặt mà bắt hình dong”. Nhiều người cũng vận dụng lý thuyết này để “dán nhãn” cho một con người. “Cấp đông” (kiểu cho “ngồi chơi xơi nước”) để người bị “dán nhãn” tự cảm thấy chán nản mà xin thôi việc là giải pháp được nhiều người ở vai trò quản lý, lãnh đạo hoặc ông chủ bà chủ lựa chọn khi quản lý nhân sự.
Nói về vai trò của người dẫn dắt, tôi nhớ đến câu chuyện ghi chép trong Kinh Thánh kể rằng người chăn chiên quyết định gác lại 99 con trong bầy chiên của mình để đi tìm một con chiên bị thất lạc… Niềm hân hoan, hạnh phúc trong thời khắc tìm được con chiên lạc đàn ấy của người chăn chiên đã thôi thúc tôi suy nghĩ và làm khác đi với lối tư duy cảm tính ban đầu.
"Tình yêu thương dành cho những con chiên là động lực thôi thúc người chăn chiên sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm, lao ra ngoài tìm kiếm con chiên thất lạc để đem về với bầy đàn, với đồng loại, nhằm tiếp tục hành trình ở phía trước" |
Con chiên bị lạc lối do thích đi con đường riêng của mình dẫn đến lạc đàn, tách ra khỏi sự điều phối và hướng dẫn của người chăn dắt sẽ phải đối mặt với những hiểm nguy ở bên ngoài, như bị tấn công từ lũ sói hay bị bỏ đói và gặp tai nạn trên hành trình tìm thức ăn và nước uống mỗi ngày. Câu chuyện dồn tâm sức tìm con chiên bị lạc của người chăn chiên cho ta thấy hình ảnh của một người dẫn dắt tiêu biểu, có sự chở che bằng tình yêu thương và lòng dũng cảm trước sự an nguy của thành viên trong đội nhóm mình.
Tình yêu thương dành cho những con chiên là động lực thôi thúc người chăn chiên sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm, lao ra ngoài tìm kiếm con chiên thất lạc để đem về với bầy đàn, với đồng loại, nhằm tiếp tục hành trình ở phía trước.
Ở vai trò người quản lý, người đứng đầu, ta có thể không thích một ai đó vì những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy nhưng ta không thể không yêu thương và quan tâm đến họ, vì họ thuộc về và là một phần trong tổ chức của ta.
Kiểm chứng, cầu thị và góp ý chân thành, đánh thức người lạc lối bằng những cơ hội bắt đầu từ đối thoại, huấn luyện, khích lệ, khen ngợi, thậm chí nâng lương khi họ chứng tỏ khả năng tiếp thu và tự điều chỉnh. Đó chính là cách hành xử hướng đến việc phát triển con người, phát triển đội ngũ mà bất kỳ ai ở vai trò dẫn dắt đều cần nhận biết và trải nghiệm.
Niềm hạnh phúc lớn lao của những người làm công tác dẫn dắt, bất kể ở vai trò làm cha, làm mẹ hay làm sếp, đều là muốn nhìn thấy những “con chiên” của mình khỏe mạnh, bình an trong sự nâng đỡ, che chở của mình.