Làn sóng tăng lãi suất và những khuyến nghị mâu thuẫn

Lê Phan| 11/11/2022 02:24

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc tăng lãi suất là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này có thể làm sụt giảm sức cầu về hàng hóa và dịch vụ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế...

Cuộc đua lãi suất của ngân hàng trung ương các nước

Đầu tháng 11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,75 điểm phần trăm, lên mức  3,75-4% và cũng là mức lãi suất cao nhất trong 15 năm qua. Thêm lần này, FED đã tăng lãi suất tổng cộng 6 lần, trong đó có 4 lần liên tiếp tăng với mức cao tới 0,75 điểm phần trăm, được đưa ra trong các tháng 6, 7, 9, 11.

Việc FED tiếp tục tăng lãi suất đã hâm nóng cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Do khi FED tăng lãi suất làm đồng USD mạnh lên, ngân hàng trung ương (NHTƯ) các nước và khu vực đều có xu hướng phải tăng lãi suất theo để giữ giá đồng tiền và kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, ngay sau khi FED tăng lãi suất, NHTƯ Anh (BoE) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, là mức tăng cao nhất kể từ năm 1989. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của BoE và đã đưa lãi suất cơ bản của Anh lên 3%/năm.

Nên tăng hay giảm lãi suất?

Nên tăng hay giảm lãi suất?

Vào cuối tháng 10, NHTƯ châu Âu (ECB) cũng lần thứ ba tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát. Theo đó, ECB quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75 điểm phần trăm, lên 2%/năm. Trước đó, vào tháng 7/2022, ECB đã có một lần tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm ở khu vực Eurozone lần đầu tiên sau 11 năm và tới tháng 9, tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm và là mức tăng cao nhất trong một lần của ngân hàng này. 

Trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 1/11/2022, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi nguy cơ suy thoái kinh tế tại khu vực đồng euro gia tăng. Các nhà quan sát dự kiến ECB sẽ tiến hành một loạt động thái tiếp theo để đưa lãi suất tiền gửi từ 1,5% lên gần 3%/năm vào năm 2023.

Ở chiều ngược lại, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda gần đây đã tái khẳng định cam kết duy trì lãi suất siêu thấp để hỗ trợ nền kinh tế đang không ổn định, bất chấp các đợt lao dốc mạnh của đồng yên Nhật. Tương tự, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) cũng có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường bất động sản trước nguy cơ suy thoái.

Mâu thuẫn khuyến nghị

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, việc tăng lãi suất là cần thiết để chống lạm phát hiệu quả. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này có thể làm sụt giảm sức cầu về hàng hóa và dịch vụ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế, đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine.

UNCTAD ước tính việc FED tăng lãi suất trong năm nay sẽ khiến GDP các nước nghèo mất 360 tỷ USD trong vòng ba năm. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa chắc chắn sẽ gây thiệt hại thêm. UNCTAD cũng cho biết, tăng lãi suất không giúp ích nhiều trong việc giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và lương thực.

Như nhận định gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc các NHTƯ trên khắp thế giới đồng loạt tăng lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 1970 sẽ gây thêm nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Theo WB, việc NHTƯ các nước đưa ra các biện pháp riêng rẽ nhằm kiểm soát lạm phát trong nước một cách hiệu quả là điều cần thiết, song khả năng cao cũng sẽ đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc suy thoái sâu hơn. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, FED là cơ quan đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng lãi suất trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, FED cần xem xét nghiêm túc tác động của các chu kỳ tăng lãi suất tại Mỹ đối với thế giới. Giới phân tích tài chính nhận định, FED đang ở trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" giữa kiểm soát lạm phát và duy trì đà tăng trưởng, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt.

Trong báo cáo thường niên về triển vọng kinh tế toàn cầu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã đánh giá FED có nguy cơ gây tổn hại đáng kể cho các nước đang phát triển nếu tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh. Cơ quan này ước tính FED cứ nâng lãi suất tham chiếu thêm 1%, GDP các nước giàu khác sẽ mất 0,5%, còn GDP các nước nghèo sẽ giảm 0,8% trong ba năm tới.

UNCTAD ước tính việc FED tăng lãi suất trong năm nay sẽ khiến GDP các nước nghèo mất 360 tỷ USD trong vòng ba năm. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa chắc chắn sẽ gây thiệt hại thêm. UNCTAD cũng cho biết, tăng lãi suất không giúp ích nhiều trong việc giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và lương thực. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung vào các biện pháp như áp giới hạn giá năng lượng, lấy ngân sách từ thu thuế lợi nhuận đột biến của các công ty năng lượng.

Ngược lại, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng, NHTƯ các nước nên tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cho đến khi lãi suất đạt được mức "trung tính", song thừa nhận trong hầu hết trường hợp tương tự, rất khó để đạt đến mục tiêu này. Dù vậy, các NHTƯ cần phải nâng lãi suất vì khi lạm phát cao, làm suy giảm tăng trưởng, những người nghèo nhất sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Theo dự báo của IMF, đến năm 2024, các chính sách hiện nay của NHTƯ các nước mới cho thấy hiệu quả. Các biện pháp này sẽ mang lại lợi ích nhưng không phải tức thì nên cần có sự kiên nhẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làn sóng tăng lãi suất và những khuyến nghị mâu thuẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO