Cuộc chiến tiền tệ nhằm tranh giành lợi thế thương mại

Khả Hân| 14/10/2022 08:00

Không chỉ nhân dân tệ (NDT), mà cả euro, bảng Anh, đô la Úc, yên Nhật và nhiều đồng tiền khác đều giảm giá mạnh trong thời gian qua so với đô la Mỹ. “Cuộc chiến tiền tệ” giữa các nước thông qua chính sách để đồng nội tệ mất giá có thể nhằm tranh giành lợi thế thương mại.

Cuộc chiến tiền tệ nhằm tranh giành lợi thế thương mại

Cuộc chiến tiền tệ

Đồng NDT đã giảm khoảng 4% so với USD trong tháng 9 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 7 đi xuống liên tiếp và đà giảm có thể sẽ còn kéo dài. Trong tuần vừa qua, đồng tiền của Trung Quốc thậm chí rơi xuống ngưỡng thấp nhất trên thị trường tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, giá trị đồng tiền này trên thị trường nội địa giảm xuống đáy 14 năm so với đồng USD, điều chưa từng xảy ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay nhằm sớm “hạ nhiệt” lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) làm ngược lại và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, không có gì lạ khi đồng NDT dễ bị tổn thương trong bối cảnh nhà đầu tư giảm sự quan tâm tới các loại hình tài sản tại Trung Quốc khi lãi suất thấp hoặc sụt giảm.

Trong quý II, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ 0,4% do chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách Zero Covid, trong khi thị trường bất động sản - trụ cột của nền kinh tế, liên tục suy yếu. Mới đây, Trung Quốc bị Ngân hàng Thế giới (WB) hạ triển vọng tăng trưởng.

Không chỉ NDT, cả euro, bảng Anh, đô la Úc, yên Nhật và nhiều đồng tiền khác đều đang giảm mạnh so với đô la Mỹ. Đáng lưu ý là tuy đồng NDT hướng tới năm giảm giá mạnh nhất trong vòng gần ba thập niên trở lại đây, PBoC vẫn chưa thực hiện bất cứ giải pháp nào hoặc can thiệp vào thị trường nhằm hạn chế đà giảm giá của đồng nội  tệ, giống như Nhật Bản và Anh đã làm thời gian gần đây. Đơn cử như Nhật Bản mới đây nhất, khi đồng yên chạm đáy sau 24 năm, đã quyết định chi gần 20 tỷ USD để ngăn đà giảm.

Trong khi đó, hầu hết các nước ASEAN đã vào cuộc để bảo vệ nội tệ, chống lại đô la Mỹ mạnh và do ngoại hối dự trữ giảm ở mức cao. 

Cạnh tranh thương mại

Cuộc chiến tiền tệ giữa các nước thông qua chính sách để đồng nội tệ mất giá mạnh có thể nhằm tranh giành lợi thế thương mại. Một số ý kiến cho rằng tỷ giá đồng yên giảm mạnh trong nửa đầu năm có thể khiến nhiều nền kinh tế định hướng xuất khẩu phá giá đồng tiền để đảm bảo khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Chính vì vậy, nhiều nước cũng không mấy mặn mà tìm cách bảo vệ đồng nội tệ, như Trung Quốc là một minh chứng, khi lĩnh vực xuất khẩu ước tính đóng góp 1/3 tăng trưởng trong năm nay. 

Giới chuyên gia tài chính cho rằng, việc phá giá tiền tệ có thể thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cần chú ý đến mức độ mất giá ở các nền kinh tế và liệu có tồn tại hiện tượng cạnh tranh phá giá hay không. 

Theo các nhà phân tích, mặc dù đồng NDT chạm mức thấp nhất trong hai năm so với USD, nhưng các đồng tiền châu Á khác cũng cho thấy sự sụt giảm mạnh hơn. Điều này có thể gây thêm rủi ro tài chính trong khu vực và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc. Ngược lại, nhiều chuyên gia dự báo NDT mất giá không chỉ ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, mà còn lan sang những quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, bởi sẽ kéo giảm sức cạnh tranh về hàng hóa xuất khẩu từ những quốc gia khác. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia tài chính cho rằng, việc phá giá tiền tệ có thể thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cần chú ý đến mức độ mất giá ở các nền kinh tế và liệu có tồn tại hiện tượng cạnh tranh phá giá hay không. Sự ổn định của NDT đóng vai trò quan trọng hơn đối với Trung Quốc nói riêng và cả thế giới nói chung qua hoạt động thương mại. Đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, đồng NDT thậm chí được xem là một “móc neo” quan trọng.

PBoC có lẽ cũng muốn tránh đà giảm giá của đồng NDT vượt ngoài tầm kiểm soát, gây ra tình trạng thất thoát vốn và tăng giá các mặt hàng nhập khẩu. Vì vậy, gần đây PBoC phát đi những tín hiệu sẽ tìm cách hạn chế sự mất giá của đồng bản tệ.

Ngoài việc ấn định tỷ giá ở ngưỡng cao, phát đi các tín hiệu cảnh báo và gia tăng chi phí bán khống đồng NDT, PBoC có thể chỉ đạo trực tiếp các ngân hàng lớn giới hạn đà trượt giá của đồng tiền này. Một số phương án khác trong rổ công cụ mà PBoC có thể áp dụng bao gồm hỗ trợ tỷ giá thông qua khối lượng giao dịch hằng ngày và bơm thêm thanh khoản vào các thị trường tiền tệ trong và ngoài nước. 

Đầu tháng 9, PBoC tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc từ 8% xuống 6% đối với các tổ chức tài chính, động thái được cho là nhằm chặn đà mất giá của đồng NDT. Hồi tháng 4, PBoC cũng đã có động thái tương tự khi quyết định hạ tỷ lệ dự trữ ngoại hối bắt buộc của các tổ chức tài chính từ 9% xuống 8% kể từ ngày 15/5/2022. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc chiến tiền tệ nhằm tranh giành lợi thế thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO