Xem chỉ số VIX, "bắt mạch" thị trường chứng khoán

GIA LÊ| 08/03/2018 09:20

Trong ngày 5/2, chỉ số Dow Jones của Mỹ có thời điểm rớt gần 1.600 điểm, đánh dấu phiên giao dịch biến động mạnh nhất trong những ngày đầu năm 2018.

Xem chỉ số VIX,

Ảnh: Q.Hòa

Trước đó chỉ số đo lường trạng thái biến động (CBOE - Cboe Volatility Index) nhảy một mạch từ mức 17,31 của ngày trước đó lên 37,32, tức tăng đến 115% chỉ trong một ngày giao dịch và tăng đến 282% so với thời điểm đầu năm. Đây cũng ghi nhận là mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Chỉ số VIX được xây dựng bởi CBOE (Chicago Board Option Exchange) và dùng để đo mức độ biến động dự kiến của 30 ngày tới trên thị trường chứng khoán. Đây được xem là một trong những chỉ số đo lường mức độ cảm tính của thị trường tốt nhất cho giới đầu tư hiện nay. Sự biến động của chỉ số này thể hiện lòng tham cũng như nỗi sợ hãi trên thị trường tài chính trong một thời điểm bất kỳ.

Giới đầu tư thường nhìn vào biến động của chỉ số này để dự đoán diễn biến kế tiếp của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp. Đơn cử như trong đợt thị trường chứng khoán giảm mạnh vào những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 vừa qua, chỉ số VIX đã trở thành một chỉ báo sớm khi liên tục tăng nhanh lên mức cao kỷ lục.

Link bài viết

Do đó, những nhà đầu tư nào sớm quan sát được sự biến động của chỉ số VIX thì có những quyết định bán ra phù hợp trước khi thị trường rơi vào các phiên giảm điểm mạnh. Và cũng không loại trừ khả năng sự biến động mạnh của chỉ số VIX trong thời gian qua đã thúc đẩy giới đầu tư bán ra hàng loạt gây áp lực giảm điểm sâu lên thị trường.

Khi có những yếu tố bất ngờ trái với các dự báo, như sự kiện Brexit, ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chẳng hạn thì các thị trường tài chính sẽ dao động rất mạnh. Đây cũng là lúc lòng tham và nỗi sợ hãi của nhà đầu tư lên cùng cực. Và chỉ số VIX được ra đời là để đo tâm lý của nhà đầu tư trong bất kỳ thời điểm nào.

Việc theo dõi diễn biến của chỉ số VIX là rất quan trọng để có những quyết định đầu tư phù hợp. Thông thường sẽ có 4 tình huống:

Thứ nhất, nếu chỉ số chứng khoán tăng và VIX cũng tăng thì khả năng sắp tới thị trường sẽ giảm, do giới đầu tư lo ngại và có thể bán ra.

Thứ hai, nếu chỉ số chứng khoán tăng nhưng VIX giảm thì xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được hỗ trợ tốt.

Thứ ba, chỉ số chứng khoán đang giảm và VIX tăng thì xu hướng giảm sẽ tiếp tục được duy trì.

Thứ tư, nếu chỉ số chứng khoán giảm và VIX cũng giảm thì thị trường có thể bật tăng trở lại.

Tất nhiên mối tương quan này không phải lúc nào cũng đúng tuyệt đối do thị trường có thể bị các yếu tố cơ bản và kỹ thuật khác tác động.

Tóm lại, khi chỉ số VIX ở mức thấp thì sẽ tốt cho thị trường cổ phiếu và nếu chỉ số này tăng thì sẽ có tác động tiêu cực lên thị trường. Vì một khi nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư tăng lên thì họ có khuynh hướng chạy vào các tài sản an toàn như trái phiếu, vàng hay các đồng tiền có lãi suất thấp như yen Nhật, franc Thụy Sĩ, trong khi tránh xa các tài sản có mức độ rủi ro cao như cổ phiếu, bất động sản và các đồng tiền có lãi suất cao.

Nếu như trong quý IV/2017 và nửa đầu tháng 1 năm nay, chỉ số VIX chỉ dao động quanh vùng 9 - 10 thì kể từ cuối tháng 1, chỉ số này có dấu hiệu tăng nhanh, cùng lúc đó các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng bắt đầu điều chỉnh. Hiện nay chỉ số trên vẫn đang dao động quanh vùng 20, tức vẫn duy trì mức tăng đến 100% so với đầu năm, cho thấy tâm lý trên thị trường vẫn rất nhạy cảm và do đó các chỉ số vẫn có nguy cơ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy VIX vượt mốc 40 là nên lưu ý vì nó có thể khiến chứng khoán Mỹ bắt đầu quá trình đi xuống. Trong vòng 10 năm qua, VIX lên mức cao nhất là khi cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ xảy ra vào 2008, đến gần 90.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xem chỉ số VIX, "bắt mạch" thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO