Ông Hoàng Thành, chuyên gia của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, sẽ hiệu quả hơn nếu các làng nghề gỗ liên kết cùng sản xuất, kinh doanh theo tiêu chí Việt Nam và EU đã thống nhất trong Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật, quản trị rừng và thương mại gỗ, sản phẩm gỗ (VPA/FLEGT).
* VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EUđang trong giai đoạn cuối của quá trình rà soát, sau khi được ký tắt vào ngày 11/5/2017. Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ngành gỗ sẽ gặp khó khăn gì khi xuất khẩu đồ gỗ sang EU trong bối cảnh VPA/FLEGT có hiệu lực?
- Một trong những khó khăn của doanh nghiệp là vấn đề thông tin về hiệp định này. Đây là hiệp định khá phức tạp, ràng buộc nhiều cơ quan chuyên ngành và liên quan đến nhiều khung pháp lý. Quá trình thực hiện hiệp định này, phía EU yêu cầu các bên phải có cái nhìn toàn diện về lĩnh vực kinh tế, thương mại, môi trường và xã hội. Nó là tổng thể các tiêu chí liên quan đến các vấn đề phát triển.
Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang thiếu các kênh liên lạc với khách hàng tại thị trường châu Âu, thậm chí nhiều doanh nghiệp không làm ăn trực tiếp với khách hàng châu Âu mà thông qua trung gian. Do đó, những yêu cầu về lâm nghiệp, về gỗ từ phía châu Âu không đến được doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện VPA/FLEGT.
Ông Hoàng Thành, chuyên gia của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam. |
* Theo ông, nguyên nhân doanh nghiệp thiếu thông tin bắt nguồn từ đâu?
- Quá trình đàm phán VPA/FLEGT khá phức tạp, bắt đầu từ năm 2010 nhưng phải mất hơn 6 năm mới kết thúc. Việt Nam đã mất khá nhiều thời gian để làm quen, tìm hiểu các thủ tục cũng như yêu cầu của EU và cân nhắc giữa "được và mất".
Thêm nữa, phía Việt Nam cũng cần có thời gian cho quá trình chuyển đổi nhận thức, thay đổi cơ chế, chính sách liên quan từ phía các cơ quan trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp trước những yêu cầu mới của thị trường thế giới. Phía EU không chỉ quan tâm đến kết quả đàm phán mà còn quan tâm đến tiến trình đàm phán, đặc biệt là sự minh bạch, sự tham vấn giữa các bên.
* Phía EU có hỗ trợ nào không cho việc tiếp cận hiệp định này của doanh nghiệp Việt Nam?
- Liên minh Châu Âu và các nước thành viên như Đức, Phần Lan đã có những hỗ trợ tích cực cho vấn đề này. Ngoài tài chính, thông tin, phía EU đã hỗ trợ Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu chính sách, cập nhật thông tin để kịp thời phản ánh tới doanh nghiệp. Phía EU cũng hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao năng lực cho các cơ quan trung ương có liên quan của Việt Nam.
Con số cụ thể thì Tổng cục Lâm nghiệp có thể cung cấp, nhưng tôi được biết, ngoài việc hỗ trợ các tổ chức chính trị, xã hội, đã có những hỗ trợ cho các hiệp hội doanh nghiệp để thông qua đó thông tin lan tỏa nhanh hơn đến doanh nghiệp ngành gỗ.
* Tiếp cận thị trường châu Âu đang là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp gỗ vừa và nhỏ. Ông nói gì về điều này?
- Hiện EU và Việt Nam đã đồng ý ký Hiệp định VPA/FLEGT. Việt Nam có nhiều làng nghề đồ gỗ, nhưng doanh nghiệp của các làng nghề đó có quy mô nhỏ.
Họ có những khó khăn nhất định để đáp ứng yêu cầu từ phía EU, dù Hiệp hội Lâm sản Việt Nam đã giúp cải tiến chuỗi sản xuất, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào được cho là hiệu quả để giúp các làng nghề đồ gỗ tiếp cận thị trường EU. Do đó, nếu các làng nghề đồ gỗ muốn nằm trong chuỗi sản xuất xuất khẩu sản phẩm sang EU, bắt buộc phải tuân thủ các cam kết của VPA/FLEGT.
* Cảm ơn ông!