Chính sách mới

Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi: Bước đột phá pháp lý bảo vệ người gửi tiền và nâng cao ổn định tài chính

TH 15/05/2025 15:00

Sau hơn một thập niên triển khai, Luật Bảo hiểm tiền gửi đã phát huy vai trò trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính. Tuy nhiên, trước những chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, việc sửa đổi luật này trở nên cấp thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao năng lực tổ chức bảo hiểm tiền gửi và phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Luật Bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội ban hành năm 2012 và có hiệu lực từ đầu năm 2013, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn diện hoạt động bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam.

Tính đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ quyền lợi của hơn 123 triệu lượt người gửi tiền tại 1.277 tổ chức tham gia.

Trong quá trình hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các quỹ tín dụng nhân dân nhằm phát hiện sớm các rủi ro, vi phạm và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước khu vực để đề xuất phương án xử lý, cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, góp phần tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

bao-hiem-tien-gui-1.jpg

Đến cuối năm 2024, năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt với tổng tài sản vượt 126 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt trên 119 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 1,3% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm trong hệ thống, một tỷ lệ còn khiêm tốn trong bối cảnh rủi ro thị trường và sự phức tạp của hoạt động ngân hàng đang gia tăng.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) cũng chỉ rõ xu hướng toàn cầu: các tổ chức bảo hiểm tiền gửi đang được trao vai trò ngày càng lớn trong việc hỗ trợ xử lý ngân hàng.

Tại Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã mở rộng vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong hoạt động kiểm soát đặc biệt và can thiệp sớm, đòi hỏi phải có sự sửa đổi đồng bộ tại Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ nội dung dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi, tập trung vào năm nhóm chính sách trọng tâm: Cơ chế thu phí bảo hiểm tiền gửi, điều chỉnh linh hoạt, phù hợp hơn với rủi ro và quy mô tổ chức tham gia.

Nâng cao năng lực tài chính - hoàn thiện cơ chế tài chính và cho phép đa dạng hóa hoạt động đầu tư theo nguyên tắc an toàn, thanh khoản và hiệu quả.

Mở rộng quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tăng tính chủ động trong tham gia giám sát, can thiệp và hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Hoàn thiện quy định về tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đồng bộ với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các chiến lược phát triển ngành ngân hàng.

Cơ chế chi trả tiền bảo hiểm minh bạch, hiệu quả, bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

Một trong những mục tiêu trọng yếu của việc sửa đổi lần này là củng cố nền tảng pháp lý để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có thể thực hiện vai trò “lá chắn” cho hệ thống tài chính quốc gia. Điều này đồng thời thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi được định hướng bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, và Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi và dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025. Đây là bước tiến quan trọng nhằm thiết lập một cơ chế pháp lý rõ ràng, minh bạch và hiệu quả cho lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, một trụ cột không thể thiếu trong quá trình củng cố nền tài chính - ngân hàng an toàn, hiện đại và hội nhập của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi: Bước đột phá pháp lý bảo vệ người gửi tiền và nâng cao ổn định tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO