Sống chung với dịch thì chính sách phải đi sát thực tế

Băng Tâm (thực hiện)| 24/07/2021 01:15

Lãnh đạo TP.HCM đang ưu tiên tối đa cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Từ định hướng này, theo ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Thành phố phải điều chỉnh hàng loạt biện pháp chống dịch,  như điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì giải pháp "3 tại chỗ”.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

* Ông đánh giá thế nào về cách bảo đảm sức khỏe người dân hiện nay, trong tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát? 

- Trong buổi gặp gỡ, tham vấn giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với chuyên gia dịch tễ, một bác sĩ đã dẫn nguyên lý "lượng đổ thì chất đổ”. Nghĩa là tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát được thì việc truy vết, cách ly, phân loại điều trị tập trung như trước đây là phù hợp, nhưng đến lúc số lượng F0 quá lớn sẽ tác động ngược lại, dẫn đến quá tảỉ cho ngành y tế. Bảo đảm sức khoẻ người dân bao gồm hệ thống chăm sóc sức khoẻ phải ổn định, bền vững. Nếu huy động tối đa nhân lực của ngành y tế thì vừa không đảm bảo điều trị cho bệnh nhân Covid-19, vừa không bảo đảm điều trị các bệnh nhân bị những bệnh khác. Trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy, các chuyên gia dịch tễ cho rằng gom F0, F1 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vào khu cách ly đã dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo, nên Thành phố đã quyết định cho cách ly hai F này tại nhà là đúng. Tất nhiên, cho họ tự cách ly ở nhà thì phải có hướng dẫn chi tiết, có sự kết nối chặt chẽ với nhân viên y tế và tổ cấp cứu để kịp xử lý khi họ trở nặng. 

* Khi Thành phố ưu tiên chống dịch thì việc bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân phải như thế nào?

- "Mục tiêu kép" dẫn đến hai thái cực, một là phòng dịch tối đa khi phong tỏa, giới nghiêm toàn thành phố và cực còn lại là mở cửa bình thường. Việc Thành phố lựa chọn áp dụng Chỉ thị 19, 15 và 16 đang đi từ cực nọ sang cực kia. Theo tôi, việc phong toả vừa qua chưa đồng bộ, chẳng hạn nhu cầu thiết yếu của người dân chưa được bảo đảm.

Cung ứng hàng hoá không chỉ là việc của lãnh đạo ngành công thương. Sở Công Thương khẳng định không thiếu hàng hóa, giá không tăng, nhưng ai chứng kiến cảnh xếp hàng dài dằng dặc ở các siêu thị, cảnh mua chui bán chui thực phẩm với giá tăng nhiều lần mới thấy chuỗi cung ứng hàng hóa không đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi chuỗi cung ứng không bảo đảm có đủ hàng hóa thì người dân còn ra đường, còn lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, chưa kể người nghèo bị đứt bữa vì không kiếm được tiền.

Trong gói hỗ trợ người khó khăn đợt 1, tôi đi nhiều nơi nghe người dân và DN kêu thủ tục quá rườm rà. Đợt hỗ trợ này có vẻ tốt hơn nhưng phải chờ kết quả cuối cùng. 

KCN-1128-1627024603.jpg

* Trước tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng,  theo ông có nên xem xét lại mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay?

- Viện Nghiên cứu phát triển đã có báo cáo với UBND TP.HCM dự báo tăng trưởng những tháng cuối năm dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, chắc chắn phải điều chỉnh. Thành phố không nên khư khư giữ mục tiêu ban đầu, phải linh hoạt điều chỉnh thì mới khả thi. 

Khi điều chỉnh mức tăng trưởng kinh tế thì vấn đề hỗ trợ cho DN phải thế nào? Theo tôi, thời gian qua, chính sách hỗ trợ DN chưa sát thực tế. Chính sách đúng nhưng phải hỗ trợ kịp thời thì DN mới ứng phó được, để thiệt hại nếu có thì DN cũng đủ sự chịu đựng.  Chính quyền Thành phố nên nhìn xa hơn, đưa ra những tình huống có thể tiên liệu được. 

* Vậy thì theo ông, Thành phố nên có chính sách hỗ trợ như thế nào để DN thực hiện "3 tại chỗ” khi đại dịch kéo dài?

- Giải pháp "3 tại chỗ” (ăn ở, nghỉ ngơi, làm việc tại chỗ), không phải DN nào cũng có thể thực hiện ngay nếu bình thường họ không có sẵn đội ngũ hậu cần để lo bữa ăn cho hàng trăm, hàng ngàn con người. Nhà nước yêu cầu phải thực hiện "3 tại chỗ” thì phải thấy được khó khăn của DN, phải hỗ trợ cụ thể cho DN, không thể đưa ra chính sách rồi để DN tự xoay xở!

Vấn đề lo nhất của DN là đứt gãy chuỗi cung ứng nếu ngưng sản xuất. Nên phân nhóm DN ưu tiên duy trì sản xuất và Nhà nước nên hỗ trợ họ, chẳng hạn hỗ trợ xét nghiệm cho người ra vào DN thường xuyên và ưu tiên phân bổ vaccine cho công nhân. Khi nào Thành phố đạt đến miễn dịch cộng đồng thì sức khoẻ người dân mới được bảo đảm, lúc đó mới duy trì được sản xuất cho tất cả DN. Do đó, khi Thành phố có đủ lượng vaccine thì nên ưu tiên cho DN hoặc tạo điều kiện giúp DN tự mua vaccine. 

* Cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống chung với dịch thì chính sách phải đi sát thực tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO