Trong một báo cáo vừa được công bố, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho biết 33 trong số các doanh nghiệp mà Moody’s xếp hạng đã vỡ nợ trong quý I/2023, con số cao nhất kể từ quý IV/2020 khi 47 doanh nghiệp vỡ nợ. Trong số này, có 15 doanh nghiệp vỡ nợ vào tháng trước, con số theo tháng cao nhất kể từ tháng 12/2020. Nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng nặng nề trong năm qua do lãi suất tăng, giá năng lượng cao và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Bên cạnh đó, giới đầu tư còn quay lưng với trái phiếu doanh nghiệp trong năm ngoái.
Theo Moody’s, sự kết hợp giữa lãi suất tăng và tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ làm gia tăng tỷ lệ vỡ nợ của hạng mục nợ doanh nghiệp mang tính đầu cơ lên mức 4,6% vào cuối năm nay, cao hơn mức 2,9% vào tháng 3. Nợ đầu cơ là một loại trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, hay còn được gọi là “trái phiếu không đáng đầu tư”.
Moody’s dự đoán đến cuối quý I năm sau, tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu đối với loại trái phiếu này có thể tăng lên 4,9%, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong dài hạn là 4,1%. Moody's dự báo “cơn sóng thần” vỡ nợ doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ dữ dội hơn và đạt đỉnh vào năm 2024.
Theo báo cáo về làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp năm 2023 của Moody's công bố hồi cuối tháng 3/2023, tỷ lệ vỡ nợ trên toàn cầu đối với các công ty đầu tư mạo hiểm đã tăng lên 4,3% vào cuối năm 2022, cao gấp đôi so với mức 1,8% vào đầu năm.
Báo cáo của Moody’s cho thấy, số vụ vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng gần 3 lần trong năm 2022. Cụ thể, tỷ lệ vỡ nợ cuối năm 2022 đã vượt qua mức trung bình cao nhất trong lịch sử là 4,1%. Tổng số tiền vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng lên 146 tỷ USD vào năm 2022, từ 55 tỷ USD vào năm 2021 nhưng đã giảm so với 236 tỷ USD vào năm 2020. Xung đột Nga - Ukraine và sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc là hai nguyên nhân chính làm gia tăng vỡ nợ. Tổng số tiền vỡ nợ trên toàn cầu năm 2022 bao gồm 112 tỷ USD trái phiếu và 34 tỷ USD từ các khoản vay.
Trong tổng số 156 vụ vỡ nợ trên toàn cầu được ghi nhận vào năm 2022, các vụ trên 1 tỷ USD chiếm 25%. Vụ vỡ nợ lớn nhất là của doanh nghiệp dược phẩm Endo International có trụ sở tại Mỹ và các công ty con của trong hệ thống với số tiền 7,9 tỷ USD. Quyết định nộp đơn phá sản được đưa ra sau khi lợi nhuận của Endo suy giảm giảm do mất tính độc quyền của thuốc Vasostrict - sản phẩm bán chạy nhất, đóng góp khoảng 30% lợi nhuận trong năm 2021.
Vụ vỡ nợ lớn thứ hai vào năm 2022 là Diamond Sports Group, công ty tiếp thị thể thao có trụ sở tại Mỹ của Sinclair Broadcast Group với số tiền khoảng 6,3 tỷ USD.
Trên khắp thế giới, châu Âu là khu vực có nhiều vụ doanh nghiệp vỡ nợ nhất trong năm 2022 với 89 công ty, chiếm hơn 50% tổng số vụ vỡ nợ (chỉ riêng ở Nga là 65 vụ). Tiếp sau là Bắc Mỹ với 38 vụ vỡ nợ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 24 vụ, 5 vụ vỡ nợ còn lại là từ khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.
Xét về giá trị USD, Bắc Mỹ có số tiền vỡ nợ cao nhất với khoảng 50 tỷ USD, kế đến là châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu với lần lượt khoảng 49 tỷ USD và 46 tỷ USD.
Ngành ngân hàng có nhiều vụ vỡ nợ nhất trong năm 2022 nếu xét theo lĩnh vực với 45 vụ vỡ nợ (bao gồm 35 vụ ở Nga và 8 vụ ở Ukraine). Nguyên nhân từ việc hạn chế rút tiền gửi ngoại tệ theo quy định kiểm soát vốn của các ngân hàng trung ương. Hai vụ còn lại là Getin Noble Bank (Ba Lan) và Banco Economico (Angola).
Nếu không tính các vụ vỡ nợ từ doanh nghiệp Nga, trong năm 2022, xây dựng là ngành có nhiều vụ vỡ nợ lớn nhất với 24 vụ; tiếp theo là ngân hàng (10), chăm sóc sức khỏe (6), dược phẩm (6) và bán lẻ (5).
Dự kiến tỷ lệ vỡ nợ sẽ đạt đỉnh lên mức 4,6% vào đầu năm 2024, trước khi giảm xuống 4,2% vào cuối năm. Dự báo này dựa trên giả định kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi chậm chạp cũng như các chính sách tiền tệ vẫn còn hạn chế.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global tháng trước cũng đưa ra dự đoán tương tự rằng, đến cuối năm 2023, 4% trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ của Mỹ sẽ vỡ nợ, cao hơn mức 1,7% vào cuối năm 2022, do tăng trưởng chậm lại, doanh thu thấp, áp lực chi phí và các điều kiện tài chính thắt chặt đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn.
Năm 2023 sẽ là năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp. Theo dự báo được công ty bảo hiểm tín dụng Allianz Trade của Pháp công bố mới đây, tình trạng vỡ nợ đang gia tăng trong năm nay, sau khi đã giảm mạnh trong đại dịch Covid-19, sẽ tăng tốc vào năm 2023 trên quy mô toàn cầu. Trong báo cáo, Allianz Trade dự đoán các trường hợp vỡ nợ doanh nghiệp sẽ tăng đến 19% vào năm 2023 so với năm nay, sau khi đã tăng 10% vào năm 2022. Hai lần tăng đáng kể này sẽ đưa tình trạng vỡ nợ trở về mức trước đại dịch vào đầu năm tới, báo cáo cho biết. Châu Âu sẽ là khu vực đặc biệt bị ảnh hưởng, trong đó đứng đầu là Pháp.