Nhiều thiết bị thông minh cho gia đình vẫn được xem là chỉ mang tính thú vị, chứ chưa được coi là cần thiết.
Các chuyên gia phân tích luôn miệng nói rằng thời đại Internet of Things (mạng lưới các thiết bị được gắn cảm biến, kết nối internet) có thể mang đến những thay đổi lớn cho cuộc sống con người. Các doanh nghiệp cũng ra sức chào mời các sản phẩm thông minh cho gia đình như phin cà phê tự động bật lên khi đồng hồ báo thức reng, hệ thống đèn có thể điều chỉnh theo giờ trong ngày hay tủ lạnh có thể gửi báo động khi hết sữa. Dù vậy, cho đến nay người tiêu dùng vẫn chưa mặn mà với việc biến ngôi nhà của họ trở thành ngôi nhà thông minh (smart home).
Không phải các hãng công nghệ không ra sức thuyết phục người tiêu dùng. Bằng chứng là họ đã đổ hàng tỉ USD vào các nỗ lực kết nối mọi thứ với internet. Năm 2014, Google đã bỏ ra 3,2 tỉ USD mua lại Nest, nhà sản xuất thiết bị điều chỉnh nhiệt thông minh và 550 triệu USD mua lại Dropcam, chuyên sản xuất camera an ninh gia đình. Dropcam đã được sáp nhập vào Nest, hiện là một thương hiệu smart home nổi tiếng. Nhưng kết quả kinh doanh của Nest cho thấy sẽ còn khá lâu nữa các thiết bị smart home mới trở thành xu thế chủ đạo.
Nest đã khiến cho Google phải thất vọng khi chỉ bán được 1,3 triệu thiết bị điều chỉnh nhiệt thông minh vào năm 2015 và chỉ 2,5 triệu tổng cộng trong những năm qua, theo Strategy Analytics. Trong vài năm qua, Công ty chủ yếu chỉ chỉnh trang đôi chút cho những sản phẩm hiện có hơn là đưa ra những sản phẩm mới. Điều này có thể giải thích tại sao Tony Fadell, nhà sáng lập và ông chủ của Nest, đã rời khỏi Công ty vào ngày 3/6, về làm cố vấn cho công ty mẹ của Google là Alphabet. Fadell, trước đây là nhà điều hành tại Apple và là người thiết kế máy nghe nhạc iPod, đã không thể lập lại thành công của iPod trong lĩnh vực smart home.
Các vấn đề của Nest cũng không khó hiểu khi chỉ 6% hộ gia đình Mỹ có thiết bị smart home như đồ gia dụng có kết nối internet, các hệ thống theo dõi trong nhà, đèn thông minh, theo chuyên gia Frank Gillett của Forrester. Hãng nghiên cứu này không cho rằng smart home sẽ trải qua cuộc tăng trưởng thần tốc khi dự báo đến năm 2021, con số trên sẽ chỉ đạt hơn 15%.
Rất ít người tiêu dùng tin rằng internet có một vai trò nào đó trong mọi mặt đời sống của họ. Một nghiên cứu do PwC thực hiện tại Anh cho thấy 72% người dân không có ý định trang bị công nghệ smart home trong 2-5 năm tới và họ không sẵn lòng mua chúng. Năm ngoái, người tiêu dùng trên toàn cầu đã bỏ ra khoảng 60 tỉ USD vào phần cứng và các dịch vụ dành cho smart home, chỉ chiếm một phần khiêm tốn trong tổng số tiền chi vào các thiết bị gia đình.
Có nhiều lý do khiến người tiêu dùng không mấy nhiệt tình. Các doanh nghiệp có động lực để nhảy vào Internet of Things, bởi chúng có thể tiết kiệm chi phí nhờ gắn cảm biến vào thiết bị và các nhà máy, phân tích dữ liệu thu được nhờ đó cải thiện tính hiệu quả. Ngược lại, nhiều thiết bị thông minh cho gia đình vẫn chỉ “thú vị là chính, chứ không mang tính cần thiết”, Adam Sager, nhà sáng lập kiêm CEO của Canary, một startup sản xuất camera theo dõi, nhận xét.
Nhiều thiết bị thông minh vẫn còn quá đắt. Một loại tủ lạnh thông minh của Samsung có gắn camera bên trong giúp kiểm tra thức ăn bị thối và cho phép người tiêu dùng biết tủ lạnh thiếu gì trong khi đi mua sắm (thông qua một ứng dụng cài trên điện thoại di động). Nhưng loại tủ lạnh này có giá tới 5.000 USD, một mức giá không hề rẻ, trong khi tủ lạnh là vật dụng mà gia đình hiếm khi thay.
Một lý do khác là công nghệ smart home cũng chưa thực sự hoàn thiện. Chiếc điện thoại thông minh - cầu nối giữa khách hàng với thiết bị smart home - khiến người tiêu dùng đặt nhiều kỳ vọng, theo lý giải của Jamie Siminoff, ông chủ của Ring, startup sản xuất chuông cửa có thể trả lời từ xa. Đó là những kỳ vọng về chất lượng cũng như khả năng sử dụng dễ dàng tương tự như dùng điện thoại thông minh, nhưng các thiết bị smart home thì vẫn chưa đáp ứng được. Và việc thiếu một tiêu chuẩn chung có nghĩa là thiết bị do các hãng khác nhau sản xuất thì không thể nào giao tiếp với nhau.
Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Các thiết bị dễ cài đặt và mang lại lợi ích thấy rõ ngày càng được ưa chuộng, như cảm biến chuyển động có thể gửi cảnh báo khi cửa sổ hoặc cửa chính còn mở và các camera theo dõi hoạt động trong nhà. Dẫu vậy, người tiêu dùng nhìn chung vẫn hờ hững với thiết bị smart home. Chính điều đó buộc các doanh nghiệp phải nghĩ lại cách làm sao thu hút khách hàng.
Có lẽ sự ngạc nhiên lớn nhất đến từ tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Chiếc loa thông minh Amazon Echo của Công ty có thể nhận diện, phản hồi mệnh lệnh lời nói, chia sẻ thông tin về thời tiết, các điểm số thể thao, chơi nhạc và bật hay tắt đèn. Thiết bị có giá khoảng 180 USD và chưa phải là cú hích lớn về lượng bán ra. Amazon không tiết lộ con số cụ thể, nhưng theo Strategy Analytics, có chưa tới 1 triệu chiếc Amazon Echo được bán ra kể từ khi ra mắt hồi tháng 11/2014.
Tuy nhiên, Echo lại đang là đề tài bàn tán ở Thung lũng Silicon. Bởi lẽ, một giao diện giọng nói có thể khắc phục điểm bất lợi của smart home khi trở thành thiết bị tích hợp chuẩn cho tất cả các thiết bị thông minh khác. Echo “mở cửa” cho các nhà phát triển bên ngoài, nghĩa là họ có thể tạo ra tất cả các thiết bị và dịch vụ tích hợp được với nó. Có lẽ vì sự thành công của Echo mà Google đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm độc lập tương tự như Echo gọi là Google Home, cũng dựa vào giọng nói.
Trong khi đó, nền tảng smart home của Apple gọi là HomeKit cho đến nay là một sự thất bại. Việc Apple, dù sở hữu lượng dùng hùng hậu, vẫn chưa công phá được mảng smart home là một dấu hiệu cho thấy sự chật vật ở phân khúc này, theo chuyên gia Geoff Blaber tại CCS Insight.
Các gã khổng lồ công nghệ có những lý do khác nhau để dấn thân vào mảng smart home. Echo, chẳng hạn, có thể giúp Amazon hiểu được người tiêu dùng dành thời gian trong ngày như thế nào, giúp họ dễ dàng hơn trong chi tiêu bằng cách đề nghị những thứ có thể mua. Google, với lĩnh vực cốt lõi là quảng cáo, thì muốn thu hút lượng dữ liệu mới từ người tiêu dùng nhiều nhất có thể, để từ đó đưa các mẫu quảng cáo thích hợp đến các đối tượng.
Nếu các gã khổng lồ công nghệ vẫn muốn tiếp tục theo đuổi giấc mơ smart home, một vấn đề lại được đặt ra: tìm lợi nhuận ở đâu trong lĩnh vực smart home. “Vẫn chưa rõ mô hình kinh tế nào dành cho smart home”, Andy Hobsbawm, nhà sáng lập Evrythng, một nền tảng Internet of Things, nói.
Một số doanh nghiệp sẽ cố kiếm đủ lợi nhuận chỉ từ việc bán phần cứng. Số khác tìm cách bán các dịch vụ như lưu trữ video an ninh và tính phí. Các công ty có thể nỗ lực hết mình để đưa sản phẩm, dịch vụ smart home đến người tiêu dùng nhưng họ có chào đón hay không lại là chuyện khác.
>Schneider Electric đưa ra các dự báo mới về IoT
>IoT - nền tảng kết nối tương lai