Ngày 1/4, sinh viên Trường Đại học Văn Hiến đã có cơ hội giao lưu cùng các doanh nhân trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2016 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức. Với sự tư vấn nhiệt tình, chia sẻ chân thành của các doanh nhân, hơn 300 bạn trẻ đã tìm được lời đáp cho câu hỏi “Sinh viên cần chuẩn bị những gì để có thể sẵn sàng gia nhập thị trường lao động?”.
Tìm kinh nghiệm ở đâu?
Tham gia buổi giao lưu, hầu hết các doanh nhân đều đồng tình với quan điểm các doanh nghiệp đều có tiêu chí tuyển dụng riêng, tuy nhiên có rất ít nơi đòi hỏi kinh nghiệm làm việc chuyên môn từ những sinh viên mới ra trường, thay vào đó là những yêu cầu về kinh nghiệm sống, năng lực làm việc được sinh viên tích lũy trong quá trình học tập và hoạt động trên giảng đường.
Doanh nhân Võ Thị Phương Lan |
Với 12 năm kinh nghiệm làm việc và tuyển dụng trong lĩnh vực logistics, doanh nhân Võ Thị Phương Lan - Tổng giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Mỹ Á tự hào cho biết hơn 70% nhân viên gắn bó với Công ty từ lúc mới thành lập cho đến nay đều xuất phát là những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường và hiện đang nắm giữ những vị trí quản lý chủ chốt. Do đó bà khuyên sinh viên không nên quá lo lắng về việc thiếu kinh nghiệm làm việc mà hãy cố gắng học tập thật tốt và tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức.
“Khi tìm đến doanh nghiệp, điều quan trọng là các bạn phải thực sự mong muốn được học hỏi kiến thức và rèn luyện kỹ năng thay vì đến chỉ vì lỡ nộp hồ sơ hoặc muốn tìm số liệu để hoàn thành luận văn tốt nghiệp”, bà Lan nhắc nhở các sinh viên.
Doanh nhân Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Bao bì giấy nhôm New Toyo Việt Nam giao lưu với sinh viên |
Liên quan đến tuyển dụng, doanh nhân Lại Minh Duy - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TST Tourist nhấn mạnh: ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, sinh viên nên quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng thực sự của họ. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp đang cần gấp người có kinh nghiệm làm việc từ 2 – 3 năm để “lấp” vào vị trí đang thiếu, khi đó đối tượng sinh viên mới ra trường sẽ không phù hợp.
Doanh nhân Lại Minh Duy trao đổi với sinh viên bên lề buổi giao lưu |
Bên cạnh đó, ông Duy nhìn nhận, nhà trường chỉ là nơi cung cấp kiến thức nền tảng cho sinh viên, còn các kỹ năng làm việc, kiến thức chuyên sâu cần thiết cho công việc tương lai, sinh viên phải chủ động tìm hiểu và tự bồi dưỡng bằng những cách khác, như tham gia các hoạt động đoàn hội, những khóa đào tạo chuyên môn ngắn hạn...
Các doanh nhân đã đúc kết một số kinh nghiệm giúp sinh viên có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, bao gồm: ăn mặc chỉn chu, phù hợp với hoàn cảnh; diễn đạt vấn đề một cách rõ ràng, ngắn gọn; trình bày trung thực năng lực bản thân trong hồ sơ xin việc hay đơn xin việc được viết bằng thư tay...
Chuẩn bị “hành trang” gì?
Trước tâm lý lo lắng rằng bằng cấp của trường dân lập “yếu thế” hơn trường công lập, doanh nhân Nguyễn Thanh Tân - Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Phát triển kinh doanh Brainmark khẳng định tiêu chí lựa chọn ứng viên hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp là năng lực làm việc chứ không phải là danh tiếng của trường đào tạo.
Doanh nhân Nguyễn Thanh Tân giao lưu với sinh viên |
Theo ông Tân, tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp chính là đội ngũ nhân viên và trên thực tế, không một CEO nào hoàn toàn hài lòng với đội ngũ hiện tại của mình, họ luôn muốn có thêm một ai đó sẵn sàng dành tâm huyết cho công ty của họ.
“Bạn học trường nào không quan trọng, điều quan trọng là bạn phải thật sự nỗ lực, có đam mê với công việc của mình. Đừng để doanh nghiệp chọn mình mà hãy chủ động chọn doanh nghiệp sau đó chứng minh bản thân có đầy đủ năng lực tham gia vào đội ngũ đó”, ông Tân chân thành khuyên các bạn trẻ.
Doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai |
Dù vậy, không phải mọi sinh viên đều gặp thuận lợi khi trong quá trình ứng tuyển, đặc biệt tại doanh nghiệp mà họ thực sự mong muốn được làm việc, khi đó chỉ có ý chí và lòng kiên trì mới đủ sức giúp bạn trẻ vượt qua khó khăn. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Long An, doanh nhân Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Tài Nguyên nhớ lại cách đây 30 năm khi còn là cô sinh viên mới ra trường, mong muốn được làm việc tại một công ty thủy sản, bà đã chủ động tìm mọi cách để được gặp trực tiếp vị tổng giám đốc và xin ông năm phút để trình bày nguyện vọng của mình.
Chính tính chủ động, sự tự tin và tâm huyết cống hiến cho quê hương đã giúp bà có được công việc “trong mơ”. Bà Mai nhắn nhủ sinh viên ngày nay nên nỗ lực kiếm việc thay vì dựa dẫm vào gia đình, bởi đó là cơ hội giúp người trẻ trưởng thành và tự chịu trách nhiệm với bản thân.
Doanh nhân Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Athena chia sẻ kinh nghiệm làm việc |
Theo doanh nhân Minh Duy, trong bối cảnh đất nước đang bắt đầu hội nhập sâu và rộng, ngoài hai “hành trang” quan trọng là kinh nghiệm làm việc và thái độ tích cực, sinh viên nên cố gắng rèn luyện khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại các trường đại học, ông khuyên sinh viên nếu muốn học tốt tiếng Anh, trước tiên nên cố gắng học tiếng Việt thật tốt và phải am hiểu văn hóa dân tộc trước khi học những kỹ năng giao tiếp thời hội nhập.
Sinh viên Đại học Văn Hiến chụp hình lưu niệm với các doanh nhân và Ban tổ chức |
“Trên thế giới, vốn không nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, điều đó có nghĩa là đối với những quốc gia còn lại tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Do đó, các bạn đừng sợ nói sai vì trong bối cảnh thực tế, người nghe sẽ hiểu cái sai đó của bạn và nếu giỏi hơn, họ sẽ sửa giúp mình. Nếu các bạn cứ giữ tâm lý sợ nói sai mà không dám nói hoặc không dám viết ra thì các bạn sẽ rất khó thành công”, ông Duy phân tích.
>Sinh viên Văn Hiến chuẩn bị hành trang hội nhập
>Thái độ làm việc - hành trang quan trọng thời hội nhập
>"Hành trang" nào cần mang theo trên đường hội nhập