Hiện tại, chương trình nhà đầu tư toàn cầu (GIP) - được thực hiện từ năm 2004 - cho phép cấp quy chế PR cho những cá nhân nước ngoài đầu tư ít nhất 2,5 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương khoảng 44 tỷ đồng Việt Nam, vào một doanh nghiệp mới hoặc đang hoạt động, một quỹ GIP đang đầu tư vào các công ty Singapore, hoặc một văn phòng gia đình đang tồn tại hoặc thành lập mới đặt tại Singapore với giá trị tài sản ít nhất 200 triệu SGD.
Theo thông báo của EDB, kể từ ngày 15/3/2023, những người xin quy chế PR theo hình thức đầu tư vào một doanh nghiệp mới hoặc đang hoạt động tại Singapore sẽ phải nâng khoản đầu tư lên 10 triệu SGD; dưới hình thức quỹ GIP đòi hỏi phải có 25 triệu SGD; còn dưới hình thức văn phòng gia đình vẫn duy trì ở mức 200 triệu SGD giá trị tài sản đang quản lý. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phải đáp ứng các yêu cầu về tuyển dụng lao động mới.
Như vậy, những nhà đầu tư mong muốn nhận được thẻ thường trú Singapore thông qua chương trình GIP sẽ phải bỏ ra số tiền cao gấp 4 lần so với chính sách hiện hành.
Những thay đổi mới nhất trong chương trình GIP được chính quyền giải thích là nhằm thu hút nhóm nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, muốn tận dụng môi trường kinh tế - chính trị ổn định tại Singapore cùng những cơ hội tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Những thay đổi trên được cho là sẽ khuyến khích các nhà đầu tư GIP tham gia hệ thống tài chính địa phương, tạo ra làn gió mới trong quản lý, điều hành và tạo thêm việc làm cho người Singapore.
Giới chuyên gia nhận định, đây không phải là rào cản làm giảm sức hấp dẫn của Singapore. Các tiêu chí nâng cao trong chương trình GIP có thể ngăn cản một số nhà đầu tư đang tìm cách cư trú tại Singapore theo con đường "thị thực vàng" như ở các quốc gia khác. Nhưng đó chính xác là những gì chính quyền Singapore mong muốn. Họ muốn tập trung chú ý vào những người có tiềm năng đóng góp kinh tế rõ ràng cho Singapore.
Số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố cho thấy, chương trình GIP của Singapore trong giai đoạn 2011-2022 đã thu hút tổng cộng 5,46 tỷ SGD đầu tư trực tiếp vào quốc gia này, tạo ra hơn 24.000 việc làm. Trong 3 năm từ 2020-2022, Singapore đã cấp quy chế PR cho khoảng 200 nhà đầu tư nước ngoài.