Chuyện làm ăn

Sầu riêng, đừng thành “sầu chung”

Ý Nhi 11/12/2023 22:11

Dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam cuối năm 2023 và 2024, xuất khẩu nông sản được xem là điểm sáng, giữ vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế với con số bứt phá: 10 tháng năm 2023, xuất khẩu đạt 4,81 tỷ USD, tăng 7,43% so với tháng 9/2023 và tăng 11,9% so với tháng 10/2022.

8657567.jpg

Riêng số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì năm nay, sầu riêng có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, 94% là hàng tươi được xuất đi 8 nước trên thế giới, đang bám sát Thái Lan và vượt Malaysia, Philippines ở thị trường Trung Quốc.

Chưa kịp mừng thì mấy ngày qua, thông tin hai lô sầu riêng và ớt của Việt Nam vừa qua tới Nhật Bản đã bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất hoạt chất procymidone - hoạt chất có trong thuốc trừ sâu có tác dụng diệt nấm mốc.

Còn lô hàng ớt có tổng trọng lượng hơn 4 tấn cũng bị phát hiện có 2 hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép gồm tricyclazole 0,2 ppm và hexaconazole 0,03 ppm, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 0,01 ppm.

Trước đó, vào tháng 9/2023, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc cũng liên tục bị phản ánh, cảnh báo về chất lượng không đảm bảo khi múi bị sống sượng, quả thối hỏng không thể chín vì trái bị cắt non. Tình trạng này khiến doanh nghiệp nhập khẩu phải thu hồi, chịu lỗ nặng. Nghiêm trọng hơn là làm cho trái cây xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam bị giảm uy tín, nguy cơ khó giữ được thị trường xuất khẩu bền vững.

Dù giới chuyên môn nhận định, cả ba loại hóa chất này đều được cho phép sử dụng nên việc phát hiện các hóa chất này có trong sầu riêng và ớt xuất sang Nhật Bản là điều hoàn toàn bình thường và mỗi quốc gia có mức độ chặt chẽ khác nhau.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh cũng cho hay, việc vi phạm trên không chỉ Việt Nam mắc phải mà nhiều lô hàng trái cây từ các nước tiên tiến khác cũng thường xuyên vi phạm.

thanh-long.jpg

Tuy nhiên, với điệp khúc chất lượng nông sản Việt không đồng đều, dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, về an toàn thực phẩm… đã tồn tại rất nhiều năm và đến nay vẫn còn tiếp diễn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín nông sản Việt Nam, đến thương hiệu quốc gia thì đã đến lúc phải nhìn lại một cách nghiêm túc.

Điều đáng nói là qua những sự vụ trên, cho thấy, vẫn còn một bộ phận doanh nhân chưa chịu thay đổi tư duy làm ăn bền vững mà vẫn theo kiểu “ăn xổi”, chưa ý thức việc xây dựng đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với thương hiệu chung của ngành, của quốc gia. Có lẽ, đó cũng là nguyên nhân khiến cho 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam đến thời điểm này vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với kiểu kinh doanh “ăn xổi”, mua đứt bán đoạn như thế, không chỉ gây thiệt hại uy tín, thương hiệu cho nông sản Việt Nam mà còn gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng dây chuyền đến các doanh nghiệp nhập khẩu, vì hiện nay, cơ quan kiểm dịch Nhật Bản đang áp dụng quy định kiểm dịch tất cả sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp bỗng dưng bị phát sinh chi phí về lưu kho, bến bãi. Nếu lô hàng không đảm bảo chất lượng, chi phí còn đội lên rất cao vì phải lưu kho chờ kiểm dịch kéo dài.

Bà Lê Thị Kiều Oanh - Giám đốc Công ty Apple LCC (có văn phòng đặt tại Tokyo, Nhật Bản), cho biết, dù rất muốn ủng hộ tiêu thụ nông sản cho quê nhà, nhưng nếu so sánh với sầu riêng Thái Lan thì hàng Việt Nam chất lượng không ổn định, rủi ro rất lớn. Phía doanh nghiệp cũng chưa có cách hành xử trách nhiệm, trung thực và chưa có ý thức kinh doanh theo tinh thần “win - win” với đối tác mua hàng. Nhiều người khi phải chia sẻ trách nhiệm với đối tác về các lô hàng bị hủy thì trừ bớt tiền hàng nhưng sau đó lại tìm cách nâng giá bán.

Thiết nghĩ, thâm nhập được vào các thị trường xuất khẩu khó tính là điều không dễ và ngày càng có nhiều thị trường yêu cầu quy chuẩn khe khắt, khó tính hơn. Vì thế, nếu doanh nghiệp không thay đổi cách làm ăn, không ý thức việc xây dựng chữ Tín cho chính mình và cho quốc gia thì doanh nghiệp mãi mãi không lớn và chỉ loanh quanh trong “ao nhà”.

Chưa kể, khi đã thâm nhập được vào các thị trường khó tính cũng là cơ hội rất lớn để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam, là cơ hội để quảng bá thương hiệu trái cây Việt ra thế giới. Vì thế, đừng để tiếp diễn một chút sầu riêng, một chút thanh long, một chút ớt bị tiêu hủy mà thành “sầu chung” cho cả ngành nông sản, trái cây Việt Nam và thương hiệu quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sầu riêng, đừng thành “sầu chung”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO