Thời sự

Sau lễ hội là gì?

Lữ Ý Nhi 08/08/2023 11:00

Nhìn lại các lễ hội hầu hết khi tổ chức đều nhằm mục đích kích cầu du lịch, tiếp thị sản phẩm du lịch, nhưng đa số chỉ mang tính sự kiện, du khách đã biết, muốn xem, muốn đến du lịch một lần nữa thì không biết xem các chương trình ở đâu và bao giờ, giá vé ra sao...

hinh-trang-6-5-.jpg

Diễn ra trong ba ngày, từ ngày 4-6/8/2023, Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất - năm 2023 đã diễn ra trong niềm vui và phấn khích của người dân TP.HCM và du khách, một bữa tiệc âm thanh, ánh sáng nhiều sắc màu trên sông Sài Gòn đã tăng thêm vẻ đẹp hoa lệ, rực rỡ cho TP.HCM, đủ cho du khách và người dân thành phố náo nức, hòa mình vào không khí lễ hội với niềm tự hào, thêm yêu thành phố. Những ngày cuối tuần tại TP.HCM vì thế cũng thêm nhộn nhịp, đông đúc, tạo ra nguồn sinh khí mới, giữa lúc bức tranh kinh tế còn chưa thật sáng.

Mục đích của việc tổ chức lễ hội sông nước lần đầu tiên này được bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM chia sẻ là nhằm kích cầu du lịch, truyền tải hình ảnh văn hóa, du lịch TP.HCM với những bản sắc, tinh hoa đặc trưng theo chiều dài lịch sử của miền đất và con người thông qua các hoạt động nghệ thuật, giải trí và trải nghiệm trên sông nước.

Đúng là lần đầu tiên, người dân thành phố và du khách được hòa mình vào một lễ hội với chương trình nghệ thuật hoành tráng, đậm tính văn hóa và được tổ chức công phu với hơn 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian tham gia. Trên các trang mạng xã hội, từ khóa “Lễ hội Sông nước TP.HCM” cũng chiếm lượt xem nhiều nhất và có lượt yêu thích nhiều nhất.

Song với điểm nhấn là tái hiện lại câu chuyện lịch sử của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trải dài theo dòng chảy lịch sử hơn 300 năm về văn hóa khẩn hoang - xây thành - trên bến dưới thuyền - thương cảng phồn vinh - rực rỡ thành phố bên sông… mặc dù được dàn dựng rất công phu, hoành tráng, nhưng yếu tố văn hóa lại rất thiếu, kịch bản chưa lồng ghép được văn hóa sông nước, chưa thể hiện được đầy đủ và sâu sắc tính cách người Sài Gòn xưa. Nhiều người vẫn cảm thấy tiếc vì chưa thấy mình ở trong đó. Vẫn thiếu chữ “Wow” một cách thán phục, ngỡ ngàng và vỡ òa cảm xúc của người xem.

Vẫn biết, lễ hội nào ra mắt lần đầu tiên cũng còn nhiều khiếm khuyết, nhưng với một chương trình ra mắt công chúng và để nhằm mục đích kích cầu du lịch, tái hiện chiều dài lịch sử đã trở thành niềm tự hào và ăn vào máu thịt của người Sài Gòn - TP.HCM xưa thì cần phải chỉn chu hơn ngay từ lúc bắt đầu. Bởi ấn tượng ban đầu sẽ quyết định hành vi của người xem sau đó đến 80%.

hinh-trang-6-7-.jpg

Đặc biệt, phải thể hiện đúng nhất có thể cái hồn, cốt cách và nhịp sống, phong cách đã trở thành văn hóa vùng miền, dân tộc không thể khác.

Ở góc độ nghệ thuật, dù kết hợp khá hùng hậu lực lượng diễn viên và các tiết mục khá mãn nhãn người xem nhưng những điệu hò, điệu lý - nét đặc trưng văn hóa sông nước của người Sài Gòn xưa vẫn chưa được lồng ghép. Nhiều hoạt cảnh đời thường bị cường điệu hóa như xe hủ tiếu gõ với những người ăn nhảy nhót trên ghế, khiến người xem cảm thấy phi lý và chưa đúng văn hóa người Sài Gòn. Hình ảnh một thành phố TP.HCM xưa với phố xá đông đúc, náo nhiệt nhưng lại khiến người xem cảm nhận hình ảnh của một phố phường lộn xộn với những người trẻ khá xô bồ.

Cảnh mua bán trên bến dưới thuyền, vốn là một nét văn hóa mà người Sài Gòn xưa, nhất là khách du lịch đến TP.HCM đều muốn chiêm ngắm và tái hiện. Thế nhưng, đáng tiếc là mới chỉ dừng lại là biểu diễn, chưa thật xúc cảm và mang tính hiện thực. Vì thế, chưa đọng lại cảm xúc cho những ai đã từng sống và trải nghiệm một thời.

Nhìn lại các lễ hội như lễ hội áo dài, lễ hội trái cây Nam bộ, lễ hội khinh khí cầu, lễ hội thời trang và công nghệ, lễ hội ẩm thực… hầu hết khi tổ chức đều nhằm mục đích kích cầu du lịch, tiếp thị sản phẩm du lịch nhưng đa số chỉ mang tính sự kiện, du khách đã biết, muốn xem, muốn đến du lịch một lần nữa thì không biết xem các chương trình ở đâu và bao giờ, giá vé ra sao...

Có lễ hội chỉ diễn ra một lần trong một năm và vẫn chỉ mang tính biểu diễn. Chưa kể, các lễ hội đều có thời gian tổ chức khá ngắn, từ lúc công bố đến khi diễn ra chương trình có khi chỉ gần một tháng - thời gian chưa đủ để các công ty du lịch chào tour, bán vé cho khách. Bên cạnh đó, cũng chưa có sự phối hợp đầy đủ, sâu rộng mang tính quốc gia của một chương trình.

hinh-trang-6-6-.jpg

Vậy mục đích kích cầu du lịch thông qua lễ hội đã thực chất? Nếu chỉ để tổ chức lễ hội cho người dân thành phố, địa phương chiêm ngắm thì các lễ hội chỉ là sự kiện văn hóa, chưa phải giải pháp kích cầu du lịch đúng nghĩa.

Trên hết những điều cần nói là câu hỏi: Sau lễ hội là gì? Phía doanh nghiệp du lịch trông chờ vào các lễ hội để có thêm sản phẩm du lịch kích cầu du khách. Vì thế, cần biến lễ hội thành sản phẩm du lịch một cách cụ thể, có lộ trình, có chiến lược kết nối, kích cầu mang tầm quốc gia.

Còn nhiều trăn trở và nhiều câu hỏi nữa. Nhưng câu hỏi lớn nhất và cũng là mong mỏi của các công ty du lịch: Bao giờ lễ hội sẽ thành sản phẩm du lịch để TP.HCM có thêm nhiều điểm đến, nhiều sản phẩm kích cầu du khách. Bao giờ, du lịch TP.HCM tận dụng được lợi thế của các lễ hội, ưu thế sông nước để phát triển sản phẩm du lịch sống nước với cảnh trên bến dưới thuyền, có nhiều chương trình ca nhạc dân tộc, điệu hò, điệu lý để thu hút du khách muốn đến thành phố du lịch, tiêu tiền và tìm hiểu văn hóa định kỳ và thường xuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau lễ hội là gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO