Sắp xếp lại lao động trong dịch

Thu Hòa| 06/09/2021 05:03

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều DN rơi vào tình trạng khó khăn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào cho đúng quy định của pháp luật và hỗ trợ tốt nhất cho người lao động (NLD) là điều mà các nhà quản lý luôn quan tâm.

Sắp xếp lại lao động trong dịch

Để hỗ trợ thêm thông tin về chính sách cũng như đảm bảo giải quyết các vấn đề liên quan đúng luật, chiều ngày 3/9, Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) đã tổ chức buổi chia sẻ trực tuyến với chủ đề Sắp xếp lại lao động - Cách thức và chính sách, do luật sư Quỳnh Như - Giám đốc Công ty Luật An Luật, thành viên ban chấp hành HAWEE với trên 20 năm kinh nghiệm trong nghề chủ trì.

Buổi chia sẻ xoay quanh 8 phương án sắp xếp lại lao động và chính sách cho NLĐ làm việc tại nhà.

* Sự khác nhau giữa tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và nghỉ không hưởng lương về chế độ?

Về chế độ tại Công ty, tạm hoãn thực hiện HĐLĐ khác với nghỉ không hưởng lương như sau:

- Tạm hoãn thực hiện HĐLĐ: NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác; Thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ không được tính vào thời hạn HĐLĐ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác). 

- Nghỉ không hưởng lương: NLĐ không được hưởng lương. Các chế độ khác (tiền lương các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết,...) NLĐ vẫn được hưởng đầy đủ. Thời gian nghỉ không hưởng lương vẫn được tính vào thời hạn HĐLĐ. 

Ngoài ra, việc đóng BHXH không khác nhau, nếu thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

(tham khảo Điều 30, Điều 155 BLLĐ 2019; Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH.) 

* NLĐ là F0, phải đi cách ly và bị ngừng việc nhưng Công ty vẫn trả lương như bình thường thì có được hưởng chính sách không?

Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019 quy định việc thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống: thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc: do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Bên cạnh đó, NLĐ bị F0, phải đi cách ly thì được hưởng chính sách cho trường hợp ngừng việc nếu đáp ứng điều kiện tại điểm 5 Mục II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP và Điều 17 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, cụ thể: 

- Làm việc theo chế độ HĐLĐ bị ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 BLLĐ và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của CQNN có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021.

- Đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng trước liền kề tháng NLĐ ngừng việc theo Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019.

Mức hỗ trợ: 

- Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người;

- NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

(Tham khảo: Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019; Điểm 5 Mục 2 Nghị quyết 68/NQ-CP; Điều 17, 18, 19, 20 Quyết định 23/QĐ-Ttg.)

Do khó khăn bởi Covid-19, DN có được quyền cắt giảm bớt lao động hay không? Chế độ giải quyết ra sao?

Trong trường hợp này, DN có thể xem xét cắt giảm lao động theo 2 phương án sau:

1. Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động theo Điểm c Điều 36 BLLĐ 2019; Mục 3 Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL và Điều 21, Điều 22 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg

2. Cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo Điều 42, Điều 44 BLLĐ 2019; Mục 3 Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL và Điều 21, Điều 22 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg

* Trường hợp DN và NLĐ thỏa thuận làm việc tại nhà, vẫn làm việc theo thời giờ làm việc bình thường, lương, phụ cấp được trả bằng 60% theo HĐLĐ, thì BHXH của NLĐ được đóng như thế nào?

Trong trường hợp NLĐ làm việc tại nhà và các bên có thỏa thuận về việc trả lương bằng 60% lương theo HĐLĐ thì phải lập Văn bản thỏa thuận về việc thay đổi lương theo HĐLĐ. Mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ theo Khoản 2 Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Khoản 4.2 Công văn 1734/BHXH - QLT.

Theo đó, hai bên đã thỏa thuận bằng văn bản về điều chỉnh mức lương, ghi nhận mức lương mới thì sẽ tham gia chế độ BHXH tương đương mức lương mới.

* Đối với với DN tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” nhưng một số NLĐ không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu “3 tại chỗ” của DN thì giải quyết như thế nào đối với những NLĐ này?

DN có thể thực hiện các phương án sau: 

(1) Tạm hoãn HĐLĐ

(2) Nghỉ không hưởng lương

=> Đối với 2 phương án trên, DN không phải trả lương cho NLĐ theo HĐLĐ. Không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không tham gia BHXH của tháng đó. 

NLĐ không được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg

(3) Nghỉ và dùng ngày nghỉ hằng năm (ngày nghỉ phép năm)

=> DN trả lương cho NLĐ trong những ngày nghỉ phép năm theo HĐLĐ, đóng BHXH đầy đủ. 

NLĐ không được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg

(4) Ngừng việc

=> DN trả tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận với NLĐ. Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Đóng BHXH theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc. 

NLĐ được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg, cụ thể: 

+ Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

+ Hỗ trợ bổ sung: NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

(5) Thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.

=> DN trả trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện), thanh toán tiền lương, ngày phép năm còn lại trước khi chấm dứt (nếu có). 

NLĐ không được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg.

 (6) Đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo điểm c, Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 20219

=> DN trả trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện), thanh toán tiền lương, ngày phép năm còn lại trước khi chấm dứt (nếu có). 

NLĐ không được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg.

Luat-su-Quynh-Nhu-7545-1630915268.jpg

Luật sư Quỳnh Như - Giám đốc Công ty An Luật

* Trong thời gian giãn cách, Công ty chỉ có thể thỏa thuận bằng miệng với NLĐ vì không ký được các giấy tờ thì cần làm gì để đảm bảo tính pháp lý?

Trong trường hợp không thể ký các văn bản thỏa thuận với NLĐ do đang trong thời gian giãn cách, DN có thể yêu cầu NLĐ xác nhận qua email (trong đó Công ty lưu ý đính kèm văn bản thỏa thuận dự kiến ký kết với NLĐ). Sau khi hết thời gian giãn cách, Công ty và NLĐ tiến hành ký văn bản thỏa thuận để bổ sung.

Tuy nhiên, việc này có thể xảy ra rủi ro nếu văn bản thỏa thuận chưa được hai bên ký kết trên thực tế và NLĐ có tranh chấp. Trong trường hợp NLĐ không thừa nhận việc xác nhận qua email thì DN khó chứng minh được nguồn gốc của email.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và DN tiếp cận và sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị việc chuẩn bị hồ sơ hưởng chính sách sẽ được thực hiện như sau:

- Trường hợp có văn bản thỏa thuận thì sử dụng văn bản thỏa thuận đó.

- Trường hợp không thể thỏa thuận bằng văn bản, có thể thỏa thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung thỏa thuận.

* Nhân viên bị buộc phải đi cách ly và điều trị do nhiễm Covid thì DN có quyền tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với NLĐ hay không?

Trường hợp nhân viên bị cách ly và điều trị Covid19 thì DN không được tự ý tạm hoãn thực hiện HĐLĐ mà phải thông qua thỏa thuận và có sự đồng ý của NLĐ. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong HĐLĐ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác theo Khoản 2 Điều 30 Bộ luật lao động 2019.

Trường hợp này, NLĐ được hỗ trợ tiền ăn theo thời gian điều trị thực tế nhưng không quá 45 ngày, không được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo Quyết định 23/2021/QĐ-Ttg.

Ngoài thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hai bên có thể thỏa thuận các phương án: Nghỉ không hưởng lương hoặc nghỉ và dùng ngày nghỉ hằng năm (ngày nghỉ phép năm) hoặc ngừng việc.

* Trường hợp DN và NLĐ thỏa thuận làm việc theo ngày luân phiên, lương và phụ cấp theo HĐLĐ tính theo số ngày làm việc thực tế thì BHXH của NLĐ trong trường hợp này như thế nào?

Việc đóng BHXH tuỳ thuộc vào thời gian làm việc trong tháng, theo đó nếu NLĐ không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó.

Khoản 4 Điều 42 Quy trình ban hành ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH.

* Trường hợp công ty muốn cho một số NLĐ nghỉ do khó khăn ảnh hưởng bởi thị trường thì có thể áp dụng việc thay đổi cơ cấu, sắp xếp lại lao động để cho nhân viên này nghỉ việc không?

Trường hợp công ty muốn cho một số NLĐ nghỉ do khó khăn ảnh hưởng bởi thị trường, DN phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì DN có thể thực hiện sắp xếp lại lao động theo quy định tại Mục 3 Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL.

Cụ thể, DN thực hiện thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động theo trường hợp tại điểm a Khoản 1 Điều 42 BLLĐ 2019 và phải tiến hành theo đúng trình tự pháp luật tại Điều 42 và Điều 44 BLLĐ 2019.

* Nếu DN không đủ điều kiện thực hiện phương án "3 tại chỗ" thì áp dụng các cách thức giải quyết nào với NLĐ?

DN có thể thực hiện các phương án sau: 

(1) Tạm hoãn HĐLĐ

(2) Nghỉ không hưởng lương

=> Đối với 02 phương án trên, DN không phải trả lương cho NLĐ theo HĐLĐ. Không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng không tham gia BHXH của tháng đó. 

NLĐ được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg. 

+ Hỗ trợ 1.855.000 đồng/NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ/nghỉ không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày). 

+ Hỗ trợ 3.710.000 đồng/NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ/nghỉ không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên.

+ Hỗ trợ bổ sung: NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

(3) Nghỉ và dùng ngày nghỉ hằng năm (ngày nghỉ phép năm)

=> DN trả lương cho NLĐ trong những ngày nghỉ phép năm theo HĐLĐ, đóng BHXH đầy đủ. 

NLĐ không được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg

(4) Ngừng việc

=> DN trả tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận với NLĐ. Ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu. Ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu. Đóng BHXH theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc. 

NLĐ được hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg, cụ thể: 

+ Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

+ Hỗ trợ bổ sung: NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

(5) Thoả thuận chấm dứt HĐLĐ

=> DN trả trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện), thanh toán tiền lương, ngày phép năm còn lại trước khi chấm dứt (nếu có). 

Nếu NLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg. Cụ thể: 

+ Hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.

+ Hỗ trợ bổ sung: NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

(6) Đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo điểm c, Khoản 1 Điều 36 BLLĐ 20219

=> DN trả trợ cấp thôi việc (nếu đủ điều kiện), thanh toán tiền lương, ngày phép năm còn lại trước khi chấm dứt (nếu có). 

Nếu NLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hưởng Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 23/QĐ-Ttg. Cụ thể: 

+ Hỗ trợ 3.710.000 đồng/người.

+ Hỗ trợ bổ sung: NLĐ đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; NLĐ đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 06 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em).

Điểm h Khoản 1 Điều 30, Khoản 3 Điều 115, Khoản 4 Điều 113, Khoản 3 Điều 99, Khoản 3 Điều 34, Điểm c Điều 36 BLLĐ 2019;

Công văn 2844/LĐTBXH-PC;

Điểm (iii) Mục 2 Công văn 264/QHLĐTL-TL;

Điều 13, Điều 14, Điều 17, Điều 18, Điều 21, Điều 22 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sắp xếp lại lao động trong dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO