Văn hóa nghệ thuật

Sách cho trẻ em - Làm sao đủ sức hút?

Ka Mi 31/08/2024 11:00

Sách viết cho trẻ em đang đứng trước nguy cơ bị “lấn sân” bởi các thiết bị điện tử. Việc nghiên cứu, sáng tạo để có những cuốn sách đủ sức hút và giữ chân các độc giả nhí thực sự là niềm trăn trở của các nhà làm sách.

co-be-say-sua-doc-truyen-tranh-tai-nha-sach-ca-chep-vo-van-tan-1689137114989263029386.jpg

Với bà Dương Thúy Quỳnh, tác giả tập truyện Tý Quậy tập 12 (nguyên tác họa sỹ Đào Hải) cho biết: “Điều khó nhất với người làm sách là làm sao “hóa thân vào trẻ em” để câu chuyện kể gần gũi, dễ hiểu và đi sâu vào thế giới nội tâm của trẻ thơ. Việc đặt mình vào tâm lý, hành động của trẻ để viết rất khó, làm sao để người đọc là thiếu nhi tin rằng đó là câu chuyện của người bạn đồng hành cùng trang lứa và có thể nhìn thấy mình trong đó.

Đặc biệt, bà cho rằng giá trị cốt lõi của sách thiếu nhi vẫn luôn ở nội dung và khả năng kích thích trí tưởng tượng của trẻ em. Bởi nhóm độc giả nhí có một trí tưởng tượng phong phú và một tâm hồn nhạy cảm, mỗi câu từ và hình ảnh đều cần lựa chọn kỹ lưỡng. Điều này đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ và tình thương với trẻ rất lớn.

Đồng thời tác giả này cho biết thường xuyên cập nhật thêm các xu hướng để bắt nhịp với thiếu nhi thời đại mới và đặt ra nghi vấn nếu cứ viết mãi về những câu chuyện xưa cũ thì trẻ em có cảm thấy đồng điệu, hay xa cách? Bởi hiện nay các em đã sống ở một thời đại rất khác so với thế hệ ông bà ngày xưa.

Tương tự, nhà văn Cao Nguyệt Nguyên, tác giả bộ truyện tranh Chuột Chi Hô lên thành phố; Truyện Kiều tự kể; tác giả trẻ nhất góp mặt trong sách giáo khoa bộ mới (Bộ sách Chân trời sáng tạo) cho rằng, viết sách thiếu nhi luôn khó vì đó là thế giới, cách nhìn đối lập với người lớn.

Bí quyết viết sách là khi cầm bút luôn nhắc nhở chính mình, đặt mình vào suy nghĩ, góc nhìn của trẻ thơ. Bởi trong mỗi chúng ta luôn có một thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên, đầy ắp tiếng cười. Nhớ lại chính mình của những ngày thơ bé để khơi lại những ngày ấu thơ trong veo ấy.

“Tôi nghĩ chỉ có một đáp án duy nhất cho việc làm sao tiếp cận và đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhí, đó là hãy quan sát, quan sát và quan sát thật tỉ mỉ. Cảm nhận thế giới của trẻ con, trong từng bối cảnh. Hãy biến những trang sách của mình thành những tiếng cười khúc khích”, tác giả Truyện Kiều tự kể chia sẻ.

2.jpg

Đồng quan điểm với tác giả Dương Thúy Quỳnh và Cao Nguyệt Nguyên, cây viết Phong Linh, người có một vài tác phẩm trong tủ sách tuổi hoa như Hoa cúc vàng mang màu nắng; Thành phố ngày ta yêu nhau cho rằng, đề tài trong các cuốn sách thiếu nhi hiện nay phần lớn các tác giả Việt Nam vẫn khai thác những câu chuyện của ký ức, gắn liền với bản thân mình. Bối cảnh thường là những vùng quê yên ả. Những tác phẩm mang hơi thở hiện đại hoặc gắn liền với trẻ em thế hiện mới với các thể loại như huyền ảo, phiêu lưu còn rất ít.

“Viết sách cho trẻ con đối với tôi khó khăn lớn nhất là giữ được nét hồn nhiên chân thành đúng lứa tuổi tâm hồn của các em, làm sao vừa tạo nên những câu chuyện vừa gần gũi vừa có tính giáo dục lại không có sự giáo điều, khiên cưỡng”, tác giả Phong Linh nói.

Tác giả này cũng cho rằng, đứng trên góc độ phụ huynh, khi đi chọn sách cho con sẽ chú ý đến ngôn ngữ và cách truyền câu chuyện. Nếu là sách văn học, ưu tiên những cuốn sách có tính tưởng tượng cao. Bởi sự tưởng tượng sẽ giúp khả năng sáng tạo của con không bị gò bó, giúp con kích thích những tiềm năng của trí não. Bên cạnh đó xem rất kỹ cách xử lý ngôn ngữ của tác giả, ưu tiên lối diễn tả đơn giản, mạch lạc, hồn nhiên thay vì dài dòng.

Nói thêm về việc viết sách cho trẻ em, bà Phong Linh cho biết thêm, để sách thiếu nhi đáp ứng được nhu cầu của độc giả nhí thì tác phẩm phải vừa có tình giải trí, vừa có sự chân thật trong sự lồng ghép ý nghĩa.

“Trẻ con cần những người bạn những tấm gương để chúng noi theo nên việc xây dựng các nhân vật sinh động để các bạn ấy yêu quý sẽ tốt hơn rất nhiều việc tạo nên những tác phẩm dài dòng, chứa đựng nhiều lời giáo dục khuôn sáo”, tác giả Phong Linh giãi bày.

Khó nhất khi viết sách cho thiếu nhi là phải thể hiện nét hồn nhiên, chân thành đúng với tâm hồn của các em.

Thị trường sách cho trẻ em vẫn nhiều tiềm năng, các đơn vị xuất bản nổi tiếng vẫn tiếp tục tham gia thị trường này như Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng, NXB Phụ nữ, NXB Trẻ, Alpha Books, Nhã Nam, Thái Hà Books, Đinh Tị, Crabit Kidbooks… Nếu trước đây, thị trường này chủ yếu là truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện ngụ ngôn như Thánh Gióng, Tấm Cám, Dế mèn phiêu lưu ký hoặc những bộ tiểu thuyết nổi tiếng vượt thời gian như Không gia đình, Túp lều của bác Tôm, Tiếng gọi nơi hoang dã... thì hiện nay lĩnh vực này phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, thậm chí mời nhiều họa sĩ trẻ minh họa, sáng tác các tác phẩm cho thiếu nhi như tác phẩm Chang hoang dã - Gấu do Jeet Zdung vẽ.

Bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty CP Văn hóa Chi (Chibooks) cho biết, khi làm sách, đặc biệt là dòng Kidbooks, cần tuân thủ theo quy trình xuất bản chính thống nghiêm ngặt để tránh sơ sót. Bên cạnh đó khâu kiểm tra biên tập kỹ về câu chữ để sử dụng cho phù hợp với độ tuổi đã xác định vô cùng quan trọng. Hình vẽ sử dụng phải được xem xét kỹ để tránh những rủi ro hoặc hiểu nhầm không đáng có. Thậm chí giới hạn độ tuổi bên ngoài các bìa sách thiếu nhi để các phụ huynh dễ lựa chọn.

1.jpg

Đại diện Chi Books cũng nhận định về xu hướng tiêu thụ sách thiếu nhi hiện nay và những thay đổi đáng chú ý trong thị hiếu của độc giả nhí. Thế hệ thiếu nhi Việt ngày nay cũng lớn nhanh hơn, chín chắn và có tư duy độc lập, có sự so sánh do được tiếp cận nhiều và phong phú. Chính vì vậy, nhóm độc giả này có tư duy và nhu cầu thị hiếu nâng cao hơn nhiều, đòi hỏi các nhà làm sách cần có những đầu sách vừa đẹp, vừa có giá trị. Bên cạnh đó hiện đại, hấp dẫn, kịp xu thế phát triển thời nay, những tác phẩm thiếu nhi đơn giản như trước sẽ khó có thể khiến độc giả nhí hài lòng.

Theo bà Lâm Hồng Diệp - Biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam): “Hiện các đơn vị xuất bản sách đều phải đứng trước nguy cơ bị “lấn sân” bởi các thiết bị điện tử. Việc nghiên cứu, sáng tạo để có những cuốn sách đủ sức hút và giữ chân các độc giả nhí thực sự là niềm trăn trở của các nhà làm sách chân chính”.

Bên cạnh việc tiếp tục hướng tới những cuốn sách có nội dung hay, hình thức đẹp, các đơn vị xuất bản đang đem đến trải nghiệm đọc sách không giới hạn cho trẻ. Song song với các cuốn sách in truyền thống, nhiều dạng sách pop-up, lật mở, đa tương tác, đa phương tiện đã ra đời. Thậm chí có các loại sách kết hợp công nghệ như sách phát âm thanh, sách chiếu bóng, xé dán, sách thực tế ảo tăng cường… đã giúp cho các độc giả nhí có thêm những trải nghiệm thú vị và nhiều sự lựa chọn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sách cho trẻ em - Làm sao đủ sức hút?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO