Nhạc kịch: Xu hướng làm mới nghệ thuật biểu diễn

Thủy Hương| 31/07/2022 06:00

Mang lại sáng tạo mới cho sân khấu Việt Nam cũng như tăng thêm sức hấp dẫn cho các sàn diễn, loại hình nhạc kịch đang được giới chuyên môn lẫn công chúng đón nhận tích cực.

Trên thế giới, nhạc kịch có tuổi đời vài trăm năm, rất được công chúng tại nhiều nước châu Âu ưa chuộng. Còn ở Việt Nam, đánh dấu sự xuất hiện của nhạc kịch là vở Cô Sao do nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác, công diễn ở Hà Nội năm 1965. Năm 1975, vở Người tạc tượng cũng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác công diễn lần đầu tiên. Năm 1998, nhạc kịch Tin ở hoa hồng (kịch bản Lưu Quang Vũ) ra mắt ở TP.HCM. Nhìn chung, suốt mấy chục năm, kể cả thời hoàng kim của sân khấu Việt Nam, rất ít vở nhạc kịch thuần Việt hay kịch bản nước ngoài được dàn dựng và công diễn. 

Loại hình sân khấu đang được quan tâm

Khoảng 5 năm nay, khi yêu cầu làm mới sân khấu biểu diễn trở nên cấp bách, nhờ nỗ lực của một số đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn đào tạo ở nước ngoài về, cộng với sự giao lưu quốc tế mở rộng, thể loại nhạc kịch đã được các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa quan tâm đầu tư. Có thể kể đến Hope (2016-2017) của đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh với ba vở Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuốiMộng ước không xa mang đậm chất Broadway (kể chuyện thông qua âm nhạc, diễn xuất, vũ đạo), Majorin (Cô bé phép thuật) của Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác với Nhà hát Kịch Shiri - Nhật Bản cuối năm 2016, Chicago của nhóm kịch Buffalo, Con dơi (2018) của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM phối hợp Viện Goethe, Những người khốn khổ (2020) của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Bầy chim thiên nga của Nhà hát Tuổi Trẻ, Chuyện người lính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH, Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Bên cạnh các vở nhạc kịch nổi tiếng trên thế giới, nhiều đơn vị đã đầu tư vào nhạc kịch thuần Việt, như Dế mèn phiêu lưu ký của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, Tiên Nga của Sân khấu kịch Idecaf, Chuyện tình nàng Giáng Hương của Sun Flower Media, loạt nhạc kịch Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh - Đứa con thứ 101 của nhóm Buffalo, Hà Nội xưa và nay, Những thanh xuân rực rỡ, Tôi đọc báo sáng nay của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long; Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi trẻ; Ngẫm Kiều của Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, được sáng đèn trở lại sau thời gian dài “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19, nhạc kịch đang được nhiều đơn vị lựa chọn là chương trình nghệ thuật hướng tới sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, tạo sự hấp dẫn với công chúng. Như Người cầm lái (công diễn tháng 4/2022) hướng đến xây dựng tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao do Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức, Nhà hát Công an Nhân dân (CAND) chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thực hiện. Khai thác đậm nét hình tượng Bác Hồ với lực lượng điệp báo trong kháng chiến, nhạc kịch quy tụ 180 nghệ sĩ sân khấu, âm nhạc, múa. Nhà hát Tuổi Trẻ đang trình diễn Sóng khai thác cuộc đời và tác phẩm của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Sau vở Tiên Nga, Sân khấu Kịch Idecaf vừa ra mắt vở Alo, Lộ hàng theo phong cách nhạc kịch. Vào tháng 10 tới, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở nhạc kịch Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở diệu kỳ).

Đường dài còn lắm gian nan 

Nhạc kịch là một thể loại sân khấu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, kỹ năng diễn xuất, nghệ thuật sân khấu với ca khúc, lời thoại, vũ đạo. Nhạc kịch đòi hỏi khắt khe về đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng cùng nhiều kỹ thuật bổ trợ trên sân khấu. Để hóa thân vào nhân vật trong nhạc kịch, nghệ sĩ phải có khả năng ca hát, vũ đạo, diễn xuất thể hiện tâm lý nhân vật. 

Là một thể loại còn mới mẻ, được đánh giá là giàu tiềm năng cho nghệ thuật biểu diễn khai thác, nhưng các trường nghệ thuật ở Việt Nam chưa từng đào tạo chuyên ngành về nhạc kịch. Ê kíp đầu tư và dàn dựng, biểu diễn nhạc kịch chủ yếu được tuyển chọn dựa trên khả năng thực tế và tâm huyết, đam mê. Thế nên, nhiều vở nhạc kịch phải tốn khá nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn trong hành trình tuyển chọn, đào tạo các kỹ năng cho ê kíp thực hiện.

Có một điểm nữa là kinh phí đầu tư cho loại hình nghệ thuật này rất tốn kém (cảnh trí, phục trang, ánh sáng, kỹ thuật phụ trợ) rủi ro lại cao (kén khán giả). Vở nhạc kịch Tiên Nga do NSƯT Thành Lộc viết kịch bản và đạo diễn được Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP.HCM. Ra mắt từ cuối năm 2017 đến tháng 9/2019, Tiên Nga diễn được 5 đợt với 49 suất diễn và thu hút 32.167 người xem. Năm ngoái NSƯT Thành Lộc từng chia sẻ rằng, ông chưa trả hết nợ ngân hàng cho khoản vay để đầu tư làm nhạc kịch Tiên Nga. 

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, tổng vốn đầu tư cho vở Tiên Nga là trên dưới 2 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung 100-200 triệu đồng/vở kịch cùng thời điểm. Nhóm kịch Buffalo cũng từng đầu tư khoảng 2 tỷ đồng cho vở nhạc kịch Thủy Tinh và đứa con thứ 101.

Dù các suất diễn đông khán giả nhưng vẫn không có lãi. Chuyện tình nàng Giáng Hương (công diễn cuối năm 2016 - đầu năm 2017) được đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu chỉ đạt 3 tỷ đồng. Đổi lại, ê kíp đầu tư làm nhạc kịch này rất vui bởi chất lượng tác phẩm và giá trị tinh thần tích cực mà công chúng dành cho tác phẩm.

Đặc biệt, tuy nhạc kịch là một thể loại nghệ thuật được xếp vào “hạng sang” kết hợp cùng lúc cả ca - múa - nhạc, đòi hỏi khán giả phải có kiến thức nhất định về cảm thụ nghệ thuật, Tiên Nga vẫn được rất đông bạn trẻ ủng hộ, nhiều trường học hay công ty đã “bao suất” diễn cho học sinh, sinh viên, nhân viên thưởng thức. 

Còn nhiều khó khăn và trở ngại khác, song hy vọng với sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật và sự ủng hộ của công chúng, trong tương lai gần, nhạc kịch sẽ ngày càng phát triển, góp phần làm mới và tăng thêm sức hấp dẫn cho sân khấu Việt trong bối cảnh phải cạnh tranh người xem, nhất là giới trẻ với nhiều loại hình giải trí khác. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhạc kịch: Xu hướng làm mới nghệ thuật biểu diễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO