Nguồn chất liệu dồi dào từ tác phẩm văn học

Khánh Bình| 28/05/2023 01:00

Chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu luôn được ưa chuộng, bởi mang lại hiệu quả cao về chất lượng vở diễn, mở rộng khả năng tiếp cận khán giả cho nhiều sàn diễn ở TP.HCM. Tuy nhiên, để khai thác tốt nguồn chất liệu dồi dào ấy hẳn là không dễ.

-3702-1685185720.jpg

Cảnh trong vở Tấm Cám

Hàng loạt vở diễn từ chất liệu văn học 

Ngày 27/5, Sân khấu kịch Idecaf ra mắt Ngày xửa ngày xưa 34 - Nàng công chúa và Chiếc áo tầm gai, được lấy cảm hứng từ truyện Bầy chim thiên nga của đại văn hào Andersen. Nhân dịp Ngày Thiếu nhi 1/6, Sân khấu Hồng Hạc công diễn vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Sân khấu Trương Hùng Minh ra mắt vở kịch Bí mật trăm đốt tre, cảm tác từ truyện cổ tích Cây tre trăm đốt. Cùng lúc, Nhà hát Nụ cười tiếp tục biểu diễn vở múa rối Nàng tiên cá, chuyển thể từ truyện cổ tích Andersen, Hiu hiu gió bấc dựa theo truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sân khấu kịch Hồng Vân cũng đang diễn vở Thương thì thương thế thôi được phóng tác từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Bỉ vỏ chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Từ lâu, mảng kịch chuyển thể từ văn học đã làm nên “thương hiệu” cho Sân khấu kịch Hồng Vân, với các vở Số đỏ, Kỹ nghệ lấy Tây, Chí Phèo, Con nhà nghèo, Giông tố, Chị Dậu... phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Hồ Biểu Chánh, hay Nỏ thần phóng tác từ câu chuyện cổ về chiếc nỏ thần và mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu. Sắp tới, NSND Hồng Vân sẽ dựng nhạc kịch Tình ca Bắc Sơn của nhạc sĩ Bắc Sơn và nhiều vở chuyển thể từ văn học tại Sân khấu UEH (Đại học Kinh tế TP.HCM). 

Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng rất “mặn mà” chuyển thể tác phẩm văn học như vở Hãy khóc đi em (từ tác phẩm văn học Trăng nơi đáy giếng của nhà văn Trần Thùy Mai), Nửa đời ngơ ngác (Chiều vắng), Bao giờ sông cạn (Dòng nhớ), Mơ trăng bóng nước (Cô không phải người tôi thương), Mút chỉ, mút cà tha (Thương quá rau răm) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Sài Gòn có một ngã tư (tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Trần Kim Trắc). Sân khấu kịch Idecaf rất thành công với những vở kịch chuyển thể của nhà văn Ngọc Linh hay Lê Hoàng, như Tụy lụy, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Ngôi nhà không có đàn ông, Cơn mê cuối cùng. Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B có vở Cánh đồng bất tận dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Sân khấu Thế giới trẻ có vở Đời như ý cũng chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Mong muốn lan tỏa văn chương thông qua thể loại kịch điện ảnh, Sân khấu Hồng Hạc gần đây giới thiệu chùm ba vở kịch Pháp: Eugénie Grandet chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của văn hào Honoré de Balzac, Mọi điều ta chưa nói chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Marc Levy, Giờ của quỷ phỏng theo tiểu thuyết Trái tim què quặt của Catherine Arley. Đặc biệt, nhóm Buffalo từng dựng nhạc kịch Tấm Cám (chuyển thể từ truyện cổ tích) theo kiểu Broadway với chèo và tiếng tụng kinh, Sun Flower Media đầu tư nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương, chuyển thể từ truyện cổ tích Từ Thức du tiên, hay nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Tô Hoài) và Kiều - vở ballet đầu tiên chuyển thể từ Truyện Kiều của Nguyễn Du do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM tái diễn. 

-3840-1685073709.jpg

Cảnh trong vở Nỏ thần dựng lại của Sân khấu kịch Hồng Vân

“Mỏ vàng” để khai thác    

Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, các tác phẩm văn học nổi tiếng được đưa lên sân khấu luôn có sức hấp dẫn đối với đông đảo công chúng. Ở Việt Nam, từ lâu văn học cũng được xem như một “mỏ vàng” hay nguồn chất liệu dồi dào cho sân khấu.

Nhiều năm nay, các sân khấu ở TP.HCM đã nhận ra sức hút của tác phẩm văn học đối với độc giả nên rất chú trọng đầu tư kịch bản có nguồn gốc từ chúng. Nhờ vậy, nhiều vở kịch được chuyển thể hay phóng tác từ tác phẩm văn học nổi tiếng như Số đỏ, Nỏ thần, Cánh đồng bất tận, Nửa đời ngơ ngác, Ngôi nhà không có đàn ông, Tiên Nga (dựa theo cốt truyện Lục Vân Tiên của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu)... đều được đánh giá cao về chất lượng, có nhiều suất diễn và tái diễn đông khán giả.

Sự thành công của những vở diễn có nguồn gốc từ văn học còn cho thấy, khán giả muốn xem tác phẩm ấy được “tái sinh” qua hình thức sân khấu sẽ như thế nào. Điều này đem đến “mảnh đất” sáng tạo mới cho nghệ sĩ sân khấu (biên kịch, đạo diễn, diễn viên...) trong quá trình kiếm tìm kịch bản hay, vở diễn hấp dẫn để giữ chân khán giả.

Tuy nhiên, như NSƯT - đạo diễn Ái Như của Sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ: “Dòng kịch văn học đã có sẵn cốt truyện, tính hấp dẫn, sự bất ngờ từ những tình huống xung đột, tính cách nhân vật và trên hết là tính nghệ thuật có trong nội dung, nên tác giả chuyển thể có thể bay bổng, tìm kiếm cách biến hóa để lý giải xung đột từ trang sách lên sàn diễn. Nhưng nếu sa đà vào cách thuật lại, minh họa hoặc mô phỏng nội dung sách văn học thì kịch sẽ rất chán”.

Một số nghệ sĩ khác cũng thừa nhận, việc chuyển thể những tác phẩm văn học sang sân khấu kịch nói, cải lương, nhạc kịch, múa ballet là không dễ. Vì văn học là nghệ thuật của ngôn từ, trong khi sân khấu còn có biểu diễn (cử chỉ, di chuyển) và lời thoại - ở một số loại hình sân khấu bị tiết chế, hoặc không lời. Do đó, đòi hỏi phải chuyển thể cho đúng nội dung tinh thần của tác phẩm văn học và đủ dung lượng với hình thức sân khấu, phải lựa chọn tình tiết, hành động, nhân vật phù hợp để đưa lên không gian sàn diễn sao cho phù hợp và đạt hiệu quả tốt.

Thời gian qua, Hội Sân khấu TP.HCM đã nhìn thấy khó khăn này và đã có kế hoạch thực hiện các chuyên đề về việc chuyển thể tác phẩm văn học phục vụ sân khấu. Mục tiêu đề ra là những tác phẩm văn học với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tiết tấu, tình huống, tính tư tưởng, mỹ học và xung đột, mâu thuẫn sẽ sớm trở thành kịch bản văn học. Tùy thuộc vào hình thức sâu khấu (nhạc kịch, kịch nói, múa rối, cải lương) cụ thể mà đạo diễn, biên kịch, biên đạo có những điều chỉnh phù hợp với cách thức trình diễn, tạo “làn gió mới” cho đời sống nghệ thuật, đưa tới những đêm diễn hào hứng, đáp ứng tốt nhu cầu của công chúng. Bên cạnh đó, việc thưởng thức tác phẩm văn học được “sân khấu hóa” sẽ giúp giới trẻ có cơ hội tìm hiểu, tăng sự hiểu biết và tình yêu với văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn chất liệu dồi dào từ tác phẩm văn học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO